Xuân Hinh cũng trọng chữ Tình

NSND Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, cho biết nghệ sĩ Xuân Hinh vừa gửi đơn xin về hưu sớm.
Tôi kể cho Xuân Hinh nghe về một "mối thù" của tôi với ông. Sức hút khủng khiếp một thời của vua hề chèo từng để lại... một vết sẹo dài trên cánh tay trái của tôi. Đúng 20 năm trước, khi đang tác nghiệp tại Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2005 ở Hạ Long (Quảng Ninh), tôi cùng một số đồng nghiệp và khán giả bất ngờ bị một làn sóng người hâm mộ vua hề chèo đẩy bật sang phía hiệu ảnh nhỏ nằm mé trái nhà hát, nơi tối đó công diễn vở chèo có vai chính của Xuân Hinh. Lực đẩy mạnh đến nỗi làm chiếc tủ kính trong hiệu ảnh vỡ tan và văng ra tung tóe. Đêm diễn đó buộc phải lùi giờ muộn hơn nửa tiếng vì chính ban giám khảo cũng khó khăn lắm mới vào cửa được, và người gây ra màn vỡ trận cũng đã phải rất khó khăn mới thoát được khỏi vòng vây xin chữ ký của người hâm mộ.
Nhưng đó là thời chèo còn vượng, ít ra là trên đất chèo. Ai mà ngờ được tròn 20 năm sau, cũng lại chính cái ông hề chèo ấy lần nữa gây dậy sóng, khi xuất hiện đầu tiên và chiếm thời lượng kha khá trong MV 177 triệu view của Hòa Minzy bằng màn bắn rap... quan họ thần sầu cùng điệu nhảy "Bắc Bling style": "Lướt trên sông như là lướt trên mây/Ngước bên đông xong rồi lại ngước bên tây" ngông nghênh ngủng nghỉnh đúng điệu một dân chơi... U.70.
Cuộc trò chuyện với danh hài đất Bắc sở hữu tròn 50 năm làm nghề cũng toát lên một chữ ngông như vậy, với những cú gật đầu, lắc đầu và cụng đầu rất "dân chơi kiểu Xuân Hinh".
Xuân Hinh thế nào mà dân trong nghề lẫn báo giới hồi giờ ngại... đụng thế nhỉ? Dễ gần như Xuân Hinh, mà siêu khó tính cũng lại là Xuân Hinh, từ đầu thế nào?
Thì Xuân Hinh chính xác là một cái lão dở hơi như thế đấy! Vì suốt 50 năm qua hắn ta lao lực đủ rồi, từ cái thuở đầu tất tưởi vác túi đi buôn đủ thứ thượng vàng hạ cám để mưu sinh cho đến thời bầu sô bán cháy vé sau này. Nên đến năm 50 tuổi là hắn đủ ăn rồi, ngồi chơi thôi, hoặc chỉ làm những việc mình thích. Xuân Hinh lắc hay gật, cũng chủ yếu xoay quanh mấy cái sự đó.
Với Hòa Minzy, là vì chết cái câu nó nhắc đến quan họ, mà động đến mấy từ đó là mình rụng rời chân tay, là bị chạm trúng huyệt rồi. Tôi nhận lời đóng vai chính trong phim Mùi phở của đạo diễn Minh Beta cũng là vì bị cháu nó dọa: "Bác mà không đóng thì cháu cũng bỏ phim luôn". Ơ thế thành ra là mình lại nợ nó à, mà tính tôi thì không thích nợ ai, nhất là nợ người trẻ.
Chứ không phải vì "có thực mới vực được... Xuân Hinh" à? Và cát sê Hòa Minzy trả cho vua hề chèo trong MV Bắc Bling đến nay vẫn là một ẩn số gây tò mò?
Ẩn số gì đâu, tôi nói oang oang hồi giờ mà! Cát sê của Xuân Hinh ư, là từ 0 đồng đến vô biên! Xuân Hinh đắt lắm, mà cũng lại rẻ lắm. Diễn cho khán giả không có tiền, hoặc ít tiền, Xuân Hinh dám đắt bao giờ! Mình từng làm bầu mình biết, cát sê đôi khi nó vô cùng lắm. Nhưng gặp phải mấy tay mình không ưa, thì mình lại hét giá tướng, để họ khỏi mời. Nhưng Hòa Minzy thì tôi chối vì bận thật, tại lúc đó đang vướng quay Mùi phở (dự kiến ra mắt dịp Tết 2026 - PV). Phim tính quay tháng rưỡi mà rồi phát sinh, nên 25 ngày trước hẹn, tôi còn bảo với cháu nó: Hay con tìm người khác được không, bố đang lu bu vụ này quá, thì Hòa nó không chịu: "Không, không, con không thay, nhất định không!". Số rồi, không trốn được!
Gần 50 năm bén duyên với quan họ (thuở mới vào nghề, Xuân Hinh từng đầu quân cho Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh) và cũng đoạn tình với quan họ để "dan díu" với chèo, chỉ 6 năm sau đó, vậy mà ông vẫn bị "rụng rời chân tay" khi nghe nhắc tới quan họ sao?
Quan họ hay chèo, thì nó cũng đều là vốn cổ cả, quý lắm! Cái Bắc Bling, kể mà Hòa Minzy nó cho mình rap... chèo, rap... chầu văn khéo lại còn hay nữa. Cái tạng mình là lụy cũ. Đến nhìn thôi, mà tôi cũng cứ ưa nhìn những cái gì bám rêu bám mốc một tí, nó mới thuận cái con mắt. Nó ấm. Cái Bảo tàng Đạo Mẫu mà tôi đang xây cũng vậy, cũng là bằng những viên gạch, viên ngói cũ, vốn là cái thứ người ta vứt đi, thế mà khi vào tay mình, nó lại thành ra có được một đời sống khác.
Những thượng vàng hạ cám ông từng buôn, nó là những thứ gì? Đã bao giờ vua hài... phải khóc?
Ôi giời, nhiều lắm, gi gỉ gì gi! Hồi còn làm ở Đoàn dân ca quan họ, sau thì học Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, ròng rã những năm 1976 - 1981, cứ hễ cuối tuần được nghỉ là tôi lại leo xe thoăn thoắt về xuôi lên ngược. Hết buôn từ quả sấu quả trám trên rừng hay vàng cốm dân đãi được trong núi đến từng con mèo con chó dưới xuôi. Có khi buôn cả đàn chó, tới bến xe chúng nó bức lên cắn nhau loạn xạ, thế là ngậm ngùi ăn chửi: Cha tiên sư đứa nào buôn chó làm chúng ông mất ngủ. Lắm khi chó sổng, phải chạy bắt chó cả đêm rã chân. Lại có khi buôn cả ổ chó đẻ, mà chó đẻ nó dữ thế nào thì biết rồi đấy, cứ gọi là chạy mất dép.
Quả trám, quả sấu thường họ đổ đống bên đường, nai lưng kéo hàng mấy bao tải tới lúc đêm xuống, ngồi bên đường canh, thứ thì sợ bọn xấu nó trấn lột, thứ thì bị muỗi cắn, xin ngồi nhờ nhà dân cạnh đó thì họ không cho, thế là ngồi khóc, nghĩ tủi cực cái phận nghèo. Sau này kể lại cho con, chúng nó nhất định không tin, bảo làm gì có ai khổ thế!
Bảo sao Xuân Hinh diễn Người ngựa, ngựa người đỉnh thế!
Vở đó khổ nỗi nó lại được dựng để diễn Tết, nên cũng không dám khóc quá, chỉ dám rớm nước mắt. Mà nói chung tôi cũng không thích đẩy cái gì lên quá, trong mọi sự. Khóc vừa thôi, còn để mà vui. Người ta giống nhau ở tiếng khóc, khác nhau ở tiếng cười. Cười mới khó chứ khóc khó gì, con nít mới nứt mắt ra đã khóc toáng được. Làm người, sẵn "thang thuốc bổ" nơi cửa miệng, tội gì không cười, cho khỏi phí nó ra!
Xuân Hinh vốn sợ chữ nghèo, vậy có bao giờ có một Xuân Hinh vốn trọng chữ... tiền?
Người không biết tôi mà nhìn qua cái sự ăn sự mặc của tôi khéo nghĩ tôi kẹt xỉn. Ăn, tôi chỉ thích ăn mấy cái con nhỏ nhỏ, kiểu canh dưa nấu tép. Tôm hùm to bằng cổ tay là nhất định tôi không mó đũa. Sang Tây cái sườn lợn to bằng cổ chân, tôi cũng nhất định không ăn. Tôi không ăn được những thứ to, lạ thế.
Văn hóa, cũng thế, tôi rất sợ những cái gì to quá. Nghệ thuật mà cứ vỗ ngực bảo ta đây bác học hàn lâm, hàn lâm mà chả ma nào nó xem thì ngồi đó mà hàn lâm. Không nhất thiết phải to mới là văn hóa. Nhỏ, mà biết ứng xử trân trọng với nó, thì đấy mới chính là văn hóa. Còn cứ ưa đao to búa lớn, thì sẽ chẳng khác gì cái sự ăn no quá mà lăn ra chết. Cái gì làm quá, tự nó sẽ chết.
Vậy sao ông lại đổ công đổ sức và cả đổ tiền đi xây một cái bảo tàng tư nhân rõ to, về đạo Mẫu?
To, nhưng nó lại bắt đầu bằng những thứ rất nhỏ. Là những ca từ rất đẹp từng ngấm vào máu của mình từ khi mình là người đầu tiên nghĩ đến chuyện làm cái băng cassette về hát văn Xuân Hinh với văn ca Thánh Mẫu tận từ gần 20 năm trước. Hay những viên ngói cũ mà tôi đã cần mẫn đi thu gom suốt 8 năm qua để xây nên Bảo tàng Đạo Mẫu bằng hơn 6 triệu viên ngói cũ và gạch cổ. Những viên ngói cũ ấy, nó không chỉ là hồn cốt Việt, mà với riêng tôi, nó còn gợi nhớ những năm tháng tôi còn đi làm cái nghề... bắt ngói, trước khi cái nghề đó tuyệt chủng.
Ở tuổi này, tôi chỉ thích tiêu tiền vào những thứ... không ra tiền, nhưng nó là tâm nguyện của cả đời mình. Bảo nhỏ thì là nhỏ, nhưng to cũng thật là to. Cái bảo tàng này có khi tôi làm cả đời không xong, chẳng biết khi nào thì có thể... khánh thành, vì đạo Mẫu mênh mông lắm, kể bao giờ mới hết được. Chỉ biết là đã làm thì cố mà làm cho tử tế, cẩn thận, như tôi cũng từng bảo Hòa Minzy trước khi nhận lời cháu nó: Làm về văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống, thì nhất định phải có lòng thành. Thôi thì mình đã ăn lộc của tiền nhân, cũng phải lo mà trả, rồi các cụ còn độ cho!
Một "ông vua hài', "vua băng đĩa" thì sẽ nói gì về những người trẻ nghiêm túc với những dự án tâm huyết, thu hút trăm triệu view như Hòa Minzy với Bắc Bling? Về cái trend mang tên "Thế hệ cợt nhả"?
Tuổi trẻ là vô giá, và thời gian không đợi, nên có đùa thì cũng đừng đùa nhảm và đùa dai quá. Khi tôi làm cái anh đi buôn tất bật lên ngược về xuôi hay sau này là ông bầu sô tung hoành trong Nam ngoài Bắc, thì chính là tôi đang nghiêm túc với tuổi trẻ của chính mình, với quỹ thời gian quý giá mà mình có lúc ấy. Cố mà làm, để còn được nghỉ sớm, chơi sớm. Không có gì là lãng phí cả, cho những công sức và tâm huyết bỏ ra. Đừng nghĩ những băng đĩa đắt khách lúc trước của Xuân Hinh đã là đồ bỏ đi trong thời đại số. Khi tôi cho số hóa toàn bộ và đưa lên các nền tảng trực tuyến, tôi lại có thêm những tệp khán giả mới của thời số hóa.
View, like không phải chỉ là câu chuyện của những nghệ sĩ trẻ. Nghệ sĩ là phải có tác phẩm tác động đến xã hội, chứ cứ bảo tôi thế này tôi thế nọ mà không có tác phẩm nào, hoặc có mà không chạm được vào ai thì là nghệ sĩ kiểu gì. Hòa Minzy, tôi quý cháu là ở cái tình của cháu nó với quê hương đất nước, những giá trị truyền thống, và còn bỏ tiền túi ra làm. Văn hóa truyền thống không bao giờ chết được đâu, chính là nhờ những người trẻ như thế, những "dân chơi" như thế.
Có câu hát nào cũng "vốn trọng chữ tình" mà ông khắc tâm ghi cốt không?
Trong Hề cu Sứt, nhớ chứ? "Nhắn ai trên cõi hồng trần/Làm người phải lấy chữ nhân làm đầu/ Lòng thất đức dạ hiểm sâu/Nhân nào quả ấy là câu muôn đời...". Chữ nhân ấy, nó cũng chính là chữ tình đấy! Phải sống với nhau cho có tình. "Luật hoa quả" không trừ một ai đâu. Không tin cứ đi hỏi mấy đứa hay chơi với Xuân Hinh mà xem, chưa đứa nào chơi với Xuân Hinh mà đời nó khốn nạn cả!
Ở cột mốc 40 năm làm nghề, từng được phong đủ nghệ danh: vua hài đất Bắc, vua hề chèo, vua băng đĩa, "Nam Hoài Linh - Bắc Xuân Hinh" (nói như NSND Hồng Vân)..., ông vẫn khiêm tốn gọi mình bằng tên show "Xuân Hinh - Kẻ chọc cười dân dã". Vậy cho cột mốc 50 năm sắp tới thì sao, để gói lại chân dung một "dân chơi Bắc Bling chính hiệu"?
"Xuân Hinh - diễn viên điện ảnh triển vọng", ha ha! Mùa phim Tết tới thử xem Mùi phở đi, nếu nó bùng nổ thì để Xuân Hinh còn thừa thắng xông lên, còn không thì từ giờ sẽ không ai còn được thấy Xuân Hinh trên màn ảnh.