Nhảy đến nội dung
 

xóa nhà tạm

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đang trong giai đoạn nước rút. Mặc dù công việc bộn bề sau sáp nhập cấp tỉnh nhưng các địa phương đang “vượt nắng, thắng mưa” để về đích mục tiêu trao mái ấm cho đồng bào.

“Cán đích” không chỉ là một con số mà là sự tri ân

Ngày 9/7, tại phiên họp lần thứ sáu của Ban Chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trước ngày 24/7.

Tại thời điểm đó, theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo, cả nước đã hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 41.632 căn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng thì từ 9/7 đến trước ngày 24/7, cả nước sẽ phải hoàn thành hỗ trợ thêm 2.371 căn để đưa nhà tạm, nhà dột nát của người có công về con số “0”.

Đây cũng là tuần thứ hai cả nước vận hành chính quyền 2 cấp, với các địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh thì công việc càng bộn bề hơn. “Vượt nắng, thắng mưa”, nhiều địa phương đang nỗ lực cao nhất để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ có công với cách mạng.

Tỉnh Quảng Trị mới (sáp nhập từ Quảng Bình và Quảng Trị) là một trong những địa phương có nhiều mái ấm cần trao cho người có công với cách mạng. Theo số liệu của Sở Xây dựng tỉnh, tổng nhu cầu hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trên địa bàn toàn tỉnh là 4.907 hộ.

Trước thời điểm sáp nhập, tính đến ngày 23/6, tỉnh Quảng Trị (cũ) đã xây mới và sửa chữa 2.374 nhà. Còn tỉnh Quảng Bình (cũ), tính đến ngày 27/6, toàn tỉnh đã có 2.177 nhà. Sau khi “về chung một nhà”, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công tiếp tục được tỉnh Quảng Trị đặc biệt quan tâm đẩy mạnh để về đích trước ngày 24/7. 

Theo số liệu của Sở Xây dựng Quảng Trị, tính đến ngày 18/7, toàn tỉnh đã khởi công 4.903/4.907 hộ có nhu cầu, đạt 99,9% kế hoạch. Việc hoàn thành mục tiêu trao mái ấm cho người có công trước kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ không chỉ “cán đích” một con số mà đó là sự tri ân sâu sắc đến với các gia đình chính sách, trợ lực họ trên hành trình vươn lên.

Ông Hồ Văn Xăn là thương binh, đồng thời cũng là lao động chính của một hộ nghèo ở thôn Kỳ Nơi, xã Lìa, tỉnh Quảng Trị. Dù chăm chỉ làm ăn, nhưng bao năm nay, ông cùng vợ là bà Hồ Thị Thắm vẫn không gom đủ tiền để xây căn nhà kiên cố, phải ở trong căn nhà dột nát, luôn thấp thỏm lo âu mỗi khi mưa bão về.

“Nay được hỗ trợ căn nhà mới kiên cố, vợ chồng có nơi ở vững chãi, không còn phải lo mưa nắng nữa. Căn nhà không chỉ là nơi che nắng, trú mưa mà còn là động lực để vợ chồng tôi yên tâm phát triển kinh tế gia đình”, ông Xăn chia sẻ.

Để không còn nỗi lo sợ nhà sập

Cũng như tỉnh Quảng Trị, 16 địa phương chưa hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát (trong đó có 10 địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh) đang “vượt nắng, thắng mưa” để trao mái ấm cho đồng bào.

Theo số liệu của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tính đến ngày 19/7, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 266.511 căn. Trước đó, ngày 8/7, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 264.522 căn. 

Như vậy, từ 8-19/7, cả nước có thêm 1.989 mái ấm đã được trao cho người yếu thế thuộc các chương trình: Hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình MTQG và Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Trong đó, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát vẫn dẫn đầu về số lượng mái ấm trao cho hộ nghèo, với 1.893 căn.

Mục tiêu xóa nhà tạm cho người có công trước ngày 24/7 và cho hộ nghèo trước ngày 31/8 đang dần trở thành hiện thực. Tuy nhiên, ở các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nhiều khó khăn khách quan đang làm trì hõan tiến độ.

Bản Lòm - Ka Chăm trước đây thuộc xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình (sau sáp nhập thuộc xã Dân Hóa, tỉnh Quảng Trị). Đây là nơi sinh sống của 104 hộ dân tộc Chứt, 100% thuộc diện hộ nghèo. 

Thiếu hụt cấp bách nhất trong các chỉ số nghèo đa chiều của 104 hộ ở Lòm - Ka Chăm là về nhà ở. Tất cả các nóc nhà ở đây đều tạm bợ, xuống cấp trầm trọng. 

Như chia sẻ của ông Hồ Đuống, 60 tuổi, một người dân ở bản Lòm - Ka Chăm: “Ngày nắng thì ở được, mưa gió thì tất cả phải chạy sang nhà văn hóa bản để trú. Nếu ở lại thì sợ nhà sập, sợ chết”.

Xã Dân Hóa đang nỗ lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Lòm – Ka Chăm. Nhưng theo ông Đinh Xuân Thông, Bí thư Đảng ủy xã Dân Hóa, để đạt được mục tiêu hoàn thành trong tháng 8/2025 thì vẫn còn nhiều trở ngại do địa hình, đường sá đi lại khó khăn, nhất là ở những bản biên giới như Lòm - Ka Chăm. 

“Ở Dân Hóa, thời điểm này trời mưa nhiều nên việc huy động nhân công, vận chuyển nguyên vật liệu lên để thi công rất khó khăn. Ngoài ra, ngoài vốn hỗ trợ của nhà nước thì bà con cũng không có nguồn gì để bổ sung thêm”, ông Thông chia sẻ

Với phương châm, ai có gì giúp nấy, vừa làm vừa huy động sự hỗ trợ của mạnh thường quân, ưu tiên những hộ có nhà ở cấp thiết phải xây mới trước khi bước vào mùa mưa bão, đến thời điểm này, 47/104 nhà tạm bợ, dột nát ở bản Lòm - Ka Chăm đã được tháo dỡ để triển khai xây mới, với tổng mức đầu tư bình quân 120 triệu đồng/căn. Đây là nỗ lực rất lớn của xã vùng biên Dân Hóa trên hành trình trao mái ấm cho hộ nghèo.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn