Nhảy đến nội dung
 

Xin khất 1 tháng không gửi tiền về nhà, cô gái thắt tim khi đọc tin nhắn của mẹ: "Chúng nó mới đi nửa năm còn gửi về 10 triệu"

Đôi khi, áp lực tiền bạc, công việc cũng không đáng sợ bằng áp lực từ chính người thân trong gia đình.

Xa gia đình lên thành phố, hoặc tới hẳn tới một đất nước khác để làm lụng, rồi hàng tháng gửi tiền về nhà, đỡ đần bố mẹ phần nào, đó là động lực “cày cuốc”, cũng là trách nhiệm của không ít người.

Trong muôn vàn cách báo hiếu cha mẹ, có lẽ chúng ta khó lòng phủ nhận điều này: Tiền bạc là phương tiện nhanh nhất. Nhưng đôi khi, nó cũng đồng nghĩa với muôn vàn áp lực mà chỉ những ai ở trong hoàn cảnh ấy, mới thấm thía, tường tận được.

Tâm sự của cô gái trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp như vậy.

Bị mẹ so sánh với "con nhà người ta" chỉ vì xin khất 1 tháng không gửi tiền về nhà…

Nguyên văn tâm sự của cô như sau: “Mọi người bảo cứ tâm sự với gia đình nếu có khó khăn, nên tháng này mình suy nghĩ mấy hôm, mới dám nhắn xin khất tiền gửi về nhà 1 tháng. Câu trả lời mình nhận được dài hơn cả mong đợi. Hoá ra nghe những lời như thế này còn buồn gấp trăm lần những áp lực từ công việc. Mình sợ gọi về nhà là vậy…”.

Với những dòng tin nhắn của người mẹ, nhiều người phỏng đoán cô gái này đi lao động xuất khẩu, hoặc đi du học rồi ở lại làm việc. Dù là thế nào đi nữa, thì cuộc sống nơi xứ người, rõ là không dễ dàng, vậy nhưng thay vì hỏi con gái có ổn không, mẹ cô lại thẳng thừng so sánh cô với người này, người kia. Mà câu chuyện cũng chỉ xoay quanh vấn đề tiền gửi về nhà mỗi tháng. 

Trong phần bình luận của bài đăng, có người đứng về phía người mẹ, cho rằng đi nước ngoài mà mỗi tháng gửi về có chục triệu là ít, cũng có người đứng về phía cô gái, ra sức an ủi và động viên.

“Nhưng bạn cũng nên suy nghĩ lại nha. Ở Việt Nam mà nhiều người còn gửi được cho bố mẹ 15-20 triệu/tháng. Bạn ở nước ngoài chẳng lẽ 10 triệu cũng không có gửi về", một người bày tỏ quan điểm.

“Gớm tưởng ở nước ngoài là tiền dễ kiếm hay sao? Ở nước ngoài lương cao thì chi phí sống cũng cao. Rồi làm như người ta chỉ ăn chơi không lo kiếm tiền gửi về nhà. Bạn có ở trong hoàn cảnh của người ta đâu mà dám bảo người ta bất hiếu?” - Một người phản bác.

“Không biết mọi người sao chứ mình đọc tin nhắn này mình thấy xót cho bạn ấy quá. Xin khất 1 tháng thôi mà bị mẹ nói vậy. Không biết bạn có đang ổn không nữa… Nếu ốm đau hay bị sao đó thì sao? Bạn ơi bạn có bị sao không? Nếu có thì phải lo cho sức khỏe của mình, đừng tiếc vài đồng khám bệnh mà chịu đựng nhé, ở xứ người thì chẳng dựa vào ai được đâu” - Một người lo lắng…

“Mong muốn con cái báo hiếu, đỡ đần tiền bạc cũng chẳng sai, nhưng ít nhất cũng phải cho con cơ hội ổn định cuộc sống của con đã chứ… Đọc mà thương thật sự” - Một người khác thở dài.

Làm sao để cân bằng giữa việc "chuẩn bị tài chính cho bản thân" và "báo hiếu cha mẹ"?

Trong hành trình trưởng thành, cân bằng giữa việc chuẩn bị tài chính cho bản thân và trách nhiệm báo hiếu cha mẹ là một bài toán không đơn giản, đặc biệt là với những bạn trẻ thu nhập chưa cao, chưa ổn định.

Áp lực khi sống ở thành phố lớn với những chi phí sinh hoạt cao, cộng thêm áp lực tìm việc, cải thiện bản thân để tăng thu nhập,... tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một kế hoạch tài chính rõ ràng, cụ thể nếu không muốn tương lai bấp bênh. Vì thời buổi này, kiếm được việc để có thu nhập đã không đơn giản, duy trì được điều đó lại càng khó hơn.

Tuy nhiên, cũng không thể vì thế mà "bỏ mặc" cha mẹ. Lòng biết ơn và mong muốn báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục cũng là một phần không thể thiếu trong giá trị đạo đức của người Việt.

Để giải quyết vấn đề này, việc lập kế hoạch tài chính chi tiết là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Hãy bắt đầu bằng việc xác định rõ các nguồn thu nhập và chi tiêu hiện tại, sau đó phân bổ ngân sách một cách hợp lý cho các khoản thiết yếu, tiết kiệm, đầu tư và hỗ trợ gia đình. Sự minh bạch trong quản lý tài chính sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và đưa ra quyết định sáng suốt.

Tiếp theo, hãy mở lòng trao đổi với cha mẹ về tình hình tài chính của bạn. Việc này không chỉ giúp họ hiểu rõ hơn về khả năng của bạn, mà còn tạo cơ hội để cùng nhau tìm ra giải pháp phù hợp. Đôi khi, sự hỗ trợ tinh thần và thời gian quan tâm lại có giá trị hơn nhiều so với tiền bạc.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng dù có làm gì đi nữa, bản thân chúng ta vẫn phải sống ổn và sống vững vàng trước. Đây không phải là tư duy ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho riêng mình, mà chính là biết nghĩ xa. Bởi nếu bạn không may thất nghiệp, không làm ra tiền, hoặc tệ hơn là ốm đau bệnh tật, mà lúc đó chẳng có 1 đồng phòng thân hay tiền tiết kiệm, thì ai sẽ phải là người đứng ra lo chi phí? Chắc chắn là cha mẹ. Thế nên tự lo được cho bản thân cũng là một cách để báo hiếu, để cha mẹ bớt lo.