Nhảy đến nội dung

Xe điện Trung Quốc bị tố báo khống hệ số cản gió

Một blogger ô tô nổi tiếng của Trung Quốc đã tự kiểm chứng hệ số cản gió (Cd) của chiếc xe điện Avatr - thương hiệu con của Changan. Kết quả bất ngờ đã tạo nên làn sóng tranh luận trên mạng xã hội về tính xác thực trong thông tin quảng cáo của hãng.

Hệ số cản gió (Cd) là một thông số quan trọng ảnh hưởng đến hiệu suất của xe điện, giúp cải thiện đáng kể quãng đường di chuyển và cho phép nhà sản xuất sử dụng pin nhỏ hơn, nhẹ hơn. Chính vì vậy, các hãng xe như Avatr, Volvo, Lightyear và Audi thường tự hào về chỉ số Cd thấp ấn tượng của mình.

Tuy nhiên, một blogger Trung Quốc nổi tiếng với hơn một triệu người theo dõi, Zurich Bei Le Ye, đã phát hiện sự thật bất ngờ về chiếc xe điện Avatr 12 mà anh sở hữu.

Avatr 12 có hệ số cản gió thực tế khác xa công bố?

Theo hãng, chiếc xe điện Trung Quốc này có Cd chỉ 0.208. 

Để kiểm chứng thông tin này, Ye đã mang xe của mình đến đường hầm gió tại Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ ô tô Trung Quốc (CATARC) ở Thiên Tân, một cơ sở uy tín hoạt động từ năm 1985. 

Bài kiểm tra được các kỹ thuật viên chuyên nghiệp thực hiện theo tiêu chuẩn CSAE 146-2020, mô phỏng quy trình mà Avatr đã thực hiện trước khi công bố con số Cd của họ.

Kết quả kiểm tra cho thấy Cd của Avatr 12 là 0.281, cao hơn khoảng 30% so với con số mà Avatr công bố, nhỉnh hơn một chút so với chiếc SUV Volvo EX90. 

Thậm chí blogger còn chỉ ra rằng con số này tương đương với hệ số cản gió của mẫu Volkswagen Passat B5 20 năm tuổi. Điều đáng nói là, kết quả này khá ổn định ở tất cả các tốc độ từ 80km/h đến 140km/h.

Theo Car News China, blogger này còn cho biết trung tâm thử nghiệm đã từ chối cung cấp báo cáo chính thức sau ngày thử nghiệm. Một video chi tiết về bài kiểm tra cũng đã bị gỡ xuống, làm dấy lên nghi ngờ về sự can thiệp từ phía hãng xe.

Hãng xe điện Trung Quốc nói gì?

Trước những cáo buộc này, Avatr khẳng định video của blogger là sai lệch. Hãng treo thưởng 5 triệu nhân dân tệ (18 tỉ đồng) cho bất kỳ ai cung cấp thông tin về cái mà họ gọi là chiến dịch "bôi nhọ".

Blogger Ye phản bác bằng cách yêu cầu Avatr công khai toàn bộ kết quả kiểm tra ban đầu và chứng minh khả năng đạt được Cd 0.208 của chiếc Avatr 12.

Sự việc này cũng đặt ra câu hỏi về những tuyên bố đáng kinh ngạc khác về Cd thấp của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác.

Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, uy tín của những chiếc xe Trung Quốc vẫn đang trong quá trình xây dựng và một số tuyên bố tiếp thị cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.

Một người bình luận trên X đã nhận xét: "Sốc mà cũng không sốc lắm". Câu nói này phần nào phản ánh thực trạng hiện tại, cho thấy ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm để xóa bỏ được cái mác "hàng Tàu", "made in China" đã bị in dấu từ nhiều năm nay.