Xăng E10 thay xăng khoáng, ông lớn chiếm 50% thị phần thí điểm tại TP.HCM từ 1-8

Xăng RON 95-III và xăng E5 RON 92-II sẽ được thay thế bằng xăng sinh học E10 RON 95-III từ ngày 1-8 tại các cửa hàng xăng dầu ở TP.HCM (cũ) của Petrolimex. Mặt hàng xăng khoáng RON 95-V vẫn còn bán bình thường.
Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), dự kiến từ ngày 1-8 sẽ thí điểm kinh doanh xăng sinh học E10 (E10) tại TP.HCM (trước sáp nhập). Để triển khai kế hoạch này, hiện tập đoàn đã tăng cường phối hợp với các đơn vị sản xuất ethanol trong và ngoài nước nhằm đảm bảo nguồn cung.
Hai ông lớn triển khai ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM (cũ)
Được biết, Petrolimex sẽ thực hiện phối trộn xăng E10 tại kho xăng Nhà Bè, nơi có bồn lưu trữ ethanol phục vụ cho việc phối trộn để đưa mặt hàng này ra thị trường TP.HCM (cũ). Petrolimex cũng đang nghiên cứu các giải pháp năng lượng mới như hydrogen và một số loại nhiên liệu tái tạo, phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng và yêu cầu giảm phát thải.
Ông Trần Ngọc Năm - thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc Petrolimex - cho hay việc kinh doanh xăng E10 đòi hỏi sự chuẩn bị nghiêm túc về hạ tầng, công nghệ, bồn chứa chuyên dụng cho cồn nhiên liệu và sự phối hợp chặt chẽ từ các nhà máy lọc dầu.
Để kinh doanh xăng sinh học nhằm thực hiện chuyển đổi năng lượng, Petrolimex đang thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng bán lẻ và mở rộng mạng lưới phối trộn ethanol nhiên liệu.
Vì vậy, Petrolimex đề xuất Bộ Công Thương sớm có chỉ đạo về tiến độ triển khai, để các thương nhân đầu mối chủ động đầu tư và chuyển đổi hệ thống kỹ thuật. Đồng thời kiến nghị điều chỉnh một số tiêu chuẩn kỹ thuật của TCVN cho phù hợp với nguồn xăng khoáng trên thị trường quốc tế, và tương đồng với yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật trong khu vực.
Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cho hay đơn vị thành viên là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) sẽ thí điểm bán xăng sinh học E10 RON95 tại các cửa hàng xăng dầu (CHXD) trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hải Phòng.
Cùng đó, PVOIL cũng xây dựng phương án, chuẩn bị đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ pha chế và kinh doanh xăng sinh học để chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển đổi, kinh doanh đại trà xăng E10 từ ngày 1-1-2026; sẵn sàng gia công chế biến, pha chế cho các đầu mối khác.
Việc công bố kế hoạch kinh doanh xăng E10 nằm trong lộ trình chuyển đổi được Bộ Công Thương đưa ra để thực hiện trên toàn quốc dự kiến vào đầu năm 2026. Theo đó, bộ đã có tờ trình với Chính phủ báo cáo về vấn đề này, đề xuất lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học thay thế cho lộ trình cũ được đưa ra tại Quyết định 53 của Thủ tướng.
Bộ Công Thương sẽ sớm ban hành lộ trình thay thế
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, dự kiến xăng sinh học sẽ được thay thế hoàn toàn xăng khoáng, với lộ trình thay thế Quyết định 53 sẽ được Bộ Công Thương phê duyệt trong thời gian tới theo thẩm quyền phân cấp đã được chuyển giao từ Thủ tướng Chính phủ sang bộ này.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối chiếm thị phần lớn, đủ năng lực cải tạo hệ thống hiện có để phân phối xăng E10. Việc cải tạo này không đòi hỏi chi phí lớn hay thời gian dài, nên mốc thời gian áp dụng từ 1-1-2026 được đánh giá là hoàn toàn khả thi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Văn Tuấn - chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam - cho hay Việt Nam có 6 nhà máy nhiên liệu sản xuất cồn sinh học, bao gồm Nhà máy cồn Đồng Nai, Nhà máy cồn Quảng Nam, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất - Quảng Ngãi, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy ethanol Đại Việt, Nhà máy ethanol Đắk Tô… với tổng sản lượng dự kiến cung cấp cho thị trường xăng dầu khoảng 400.000m3 cồn/năm, chiếm 40% sản lượng của Việt Nam.
Ngoài hai Nhà máy nhiên liệu sinh học của Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước do Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đầu tư và chưa đưa vào sản xuất, các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học của tư nhân vẫn đang hoạt động bình thường, vừa cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan…
Ở trong nước, các nhà máy này cung cấp cồn cho y tế, thực phẩm, công nghiệp, hoặc gần đây các công ty sản xuất lắp ráp điện tử cũng có nhu cầu mua cồn để làm sạch các bản mạch trước khi lắp ráp.
Hiện các nhà máy mới đang chạy khoảng 50% công suất, nên có nhiều dư địa để sản xuất cồn phục vụ cho nhu cầu pha chế nhiên liệu xăng sinh học. Một điểm đáng chú ý nữa là trước đây các nhà máy cồn ở Việt Nam được thiết kế công nghệ 100% chạy từ sắn, nay đã chuyển đổi công nghệ dùng nguyên liệu sắn và ngô. Nguồn ethanol thiếu khoảng 60% dự kiến sẽ được nhập từ các nước như Mỹ, Brazil...