Nhảy đến nội dung

Vượt ngàn kilomet từ Bắc vào Nam cổ vũ người thân tham gia diễu binh

Rất nhiều người từ tỉnh xa, thậm chí từ miền Bắc, đã đáp chuyến bay vào TPHCM để cổ vũ con em mình trong lễ tổng duyệt diễu binh. Họ xem đây là niềm tự hào của cả gia đình.

Đoàn tụ

22h đêm 26/4, chị Nguyễn Thị Thúy Nga (SN 1998, Quảng Ngãi) cùng con trai tên Quân (13 tháng tuổi) đến sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TPHCM). Chị liên lạc với chồng để xác định vị trí gia đình sẽ gặp nhau sáng hôm sau.

Thượng úy Nguyễn Dương Chí Cường (28 tuổi) - chồng của Nga là chiến sĩ tham gia diễu binh, diễu hành thuộc khối Cảnh sát biển.

Thượng úy Cường và chị Nga kết hôn năm 2023. Sau khi kết hôn, anh Cường tiếp tục công tác tại Bình Thuận, trong khi chị Nga ở lại quê nhà chăm con nhỏ.

Dù xuất phát từ 1h30 ngày 27/4, Nga và con vẫn không kịp đến được vị trí anh Cường sẽ tập kết sau khi buổi tổng duyệt kết thúc. Không bắt được xe ôm công nghệ, Nga địu con trước ngực, đi bộ một đoạn đường dài tìm đến vị trí chồng hướng dẫn.

Nga chia sẻ: “Khi biết chồng được chọn tham gia diễu binh diễu hành trong lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, gia đình tôi ai cũng cảm thấy vinh dự và tự hào.

Đây là một dịp rất đặc biệt với gia đình nhỏ của tôi. Tôi quyết định mua vé, đưa con vào TPHCM. Đến nơi, tôi dự định sẽ tìm vị trí thích hợp để ngồi xem chồng tham gia diễu binh.

Tuy nhiên khi thấy quá đông người, biết phải chờ thâu đêm đến trưa, tôi sợ con mệt nên quyết định cho 2 bố con gặp nhau sau khi anh hoàn thành buổi tổng kết”.

Sáng 27/4, sau nhiều nỗ lực, Nga cũng đến được vị trí chồng sẽ lên xe trở về đơn vị sau lễ tổng duyệt. Khi chị có mặt, nhiều người có người thân là chiến sĩ tham gia diễu binh đã đứng chật cứng vỉa hè.

Hạnh phúc vỡ òa

Chị Nhàn có chồng tham gia khối quân nhạc nam cũng dẫn theo cậu con trai 5 tuổi đến chờ sẵn. Đứng bên ngoài hàng rào an ninh, chị liên tục hướng mắt về phía những chiếc xe chở các chiến sĩ.

“Chồng tôi công tác tại Bộ Tư lệnh quân khu 7. Đã 3 tháng nay, mẹ con tôi chưa được gặp anh. Tôi đi từ đêm hôm qua, chờ đợi đến sáng nay để gặp anh. Con trai tôi nhớ bố quá, cứ đòi gặp anh hoài”, chị chia sẻ.

Sau khoảng 30 phút từ khi lễ tổng duyệt kết thúc, chị Nhàn cùng con được gặp chồng. Thấy bố từ phía xa, cậu bé nhanh chân chạy đến sà vào vòng tay anh.

Gặp con, anh Tuấn không giấu nổi niềm vui. Anh nhấc bổng con lên rồi hôn vào má bé trong tiếng reo hò của những người xung quanh.

Trong khi đó, chị Nhàn đứng bên ngoài hàng rào ghi lại khoảnh khắc hai cha con gặp nhau vào thời điểm đặc biệt, đầy tự hào.

Cách đó không xa, chị Nga cũng được thỏa ước mong gặp chồng là Thượng úy Cường sau một đêm không ngủ. Thấy bố, bé Quân chập chững bước về phía anh.

Thượng úy Cường cũng xúc động vỡ òa, ôm hôn con, kéo vợ lại gần để mọi người chụp ảnh kỷ niệm.

Sau đó, anh đưa vợ và con trai đến giới thiệu với các đồng đội. Nga xúc động, nghẹn ngào nói không nên lời.

Ngồi trên xe chuẩn bị trở về đơn vị sau lễ tổng duyệt diễu binh, một chiến sĩ trẻ gọi với theo người bác: “Bác bảo bố mẹ cháu về nghỉ ngơi đi. Từ tối qua đến giờ bố mẹ cháu chưa được nghỉ đâu”.

Đó là chiến sĩ sinh năm 2004 của quân đoàn 12, từ Vĩnh Phúc vào TPHCM tham gia lễ diễu binh cùng các đồng đội. Một lát sau, bà Phạm Thị Loan và ông Phạm Văn Nhật (mẹ và bố của chiến sĩ) xuất hiện.

Cả gia đình bịn rịn chia tay nhau, hẹn gặp nhau tại đây vào ngày 30/4 sau khi anh hoàn thành nhiệm vụ.

Bà Loan và ông Nhật quê Nam Định. 22h tối 26/4, sau khi vội vàng thu xếp công việc ở quê nhà, hai vợ chồng tức tốc lên máy bay để kịp vào TPHCM động viên con trai.

Máy bay vừa hạ cánh, bà Loan và ông Nhật bắt xe ra ngay khu vực Bến Bạch Đằng và có mặt lúc 2h30 sáng, chưa kịp nghỉ ngơi.

Đứng đợi con trai suốt 7 tiếng đồng hồ, hai vợ chồng vô cùng phấn khởi và tự hào khi nhìn thấy con khoác trang phục người lính đứng trong hàng ngũ duyệt binh.

Bà Loan cho biết: “Đây là một sự kiện trọng đại của đất nước, 50 năm mới có một lần nên dù bận rộn công việc, vợ chồng tôi cũng sắp xếp vào đây cổ vũ con. Con tôi cuối năm nay sẽ ra quân, rất mong đây sẽ là một kỷ niệm đẹp với cháu. Con có chia sẻ với mẹ là tập luyện vất vả nhưng con rất vui”.

Bà mẹ sinh năm 1978 cho biết, trước đó, trong các ngày sơ duyệt, gia đình chị gái và em gái của bà (đang sinh sống ở TPHCM) cũng đã tới để cổ vũ con. Hôm 30/4 tới đây, đại gia đình sẽ tiếp tục có mặt từ sớm để cổ vũ con trai trong lễ kỷ niệm chính thức.

Cũng giống gia đình bà Loan, anh chị của chiến sĩ Trần Công Minh (Sư đoàn 312, Quân đoàn 12) vượt đường xa từ Bình Dương lên TPHCM để cổ vũ cho anh.

Dắt theo con trai 4 tuổi, anh chị chạy xe từ 3h sáng 27/4 và 4h30 đã có mặt tại TPHCM. Giờ này tuyến đường đi vào Bến Bạch Đằng đã bị cấm xe nên anh chị và con trai phải đi bộ hơn 2km mới đến được điểm tập kết của đoàn diễu binh.

Anh Minh quê ở Nam Định, đóng quân ở Vĩnh Phúc nên ít khi được gặp anh chị họ của mình. Đây cũng là lần đầu tiên anh được gặp cháu nhưng cậu bé vừa gặp đã quen ngay và cho anh bế suốt chặng đường.

Sáng 27/4, đơn vị anh dậy từ 2h30 sáng để chuẩn bị trang phục lên xe đến điểm tập kết.

Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ vào ngày 30/4, các anh sẽ quay trở về đơn vị để tập luyện tiếp cho lễ kỷ niệm 2/9 tới đây.