Nhảy đến nội dung
 

Vợ tôi chăm chỉ đến mức bố con tôi chỉ muốn… bỏ nhà đi

(Dân trí) - Vợ tôi biến không khí gia đình trở nên căng thẳng, ngột ngạt khi muốn mọi thứ đều phải thật hoàn hảo.

Tôi từng nghĩ lấy được một người vợ gọn gàng, sạch sẽ là điều may mắn. Nhưng cái gì quá cũng thành ra cực đoan. Ngôi nhà của tôi trắng tinh, thơm tho nhưng khiến tôi chỉ mong được ở lại văn phòng cho nhẹ nhõm.

Vợ tôi là kiểu phụ nữ theo chủ nghĩa hoàn hảo. Cô ấy có thể ngồi hàng giờ để chọn một mẫu khăn bông trắng tinh rồi cẩn thận cắt thành từng miếng nhỏ, gấp gọn, xếp ngay ngắn vào từng hộp nhựa có ghi nhãn: “Lau bàn ăn”, “Lau sàn phòng ngủ”, “Lau lan can cầu thang”, “Lau công tắc điện”...

Cầu thang nhà tôi mỗi ngày được lau 3 lần. Sáng sớm, trước khi cả nhà thức dậy, vợ tôi đã lau sạch sẽ. Chiều khi bọn trẻ vừa tan học về, vợ tôi lau tiếp. Tối muộn, sau khi tất cả đã đi ngủ, vợ tôi lại lau cầu thang.

Vợ tôi lau cầu thang bằng khăn bông trắng, đã tiệt trùng bằng nước nóng và phơi nắng tối thiểu hai tiếng đồng hồ.

Hồi đầu mới cưới, tôi thấy cô ấy chăm lo cho nhà cửa như vậy cũng tốt. Nhưng dần dà, tôi nhận ra, mình không còn được sống trong một “ngôi nhà” nữa, mà là một “phòng thí nghiệm” khổng lồ, nơi mọi thứ đều phải vô khuẩn.

Tôi nhớ có lần, đang từ ngoài về, chưa kịp thay quần áo đã bước vào phòng khách. Ngay lập tức, vợ tôi lao tới như một cơn gió, dí thẳng chiếc bình xịt khử trùng vào người tôi. Vợ tôi xịt từ đầu xuống chân rồi bắt tôi đi tắm trước khi được phép chạm vào bất kỳ vật gì trong nhà.

Con gái tôi từng khóc tức tưởi chỉ vì làm đổ nước cam lên thảm trải sàn. Thằng bé út mới 3 tuổi cũng bị mẹ phạt đứng úp mặt vào tường chỉ vì dám mang dép ra khỏi phòng rồi lại quay vào trong mà chưa rửa dép bằng nước muối loãng.

Nhiều lúc, tôi thực sự thấy mình và các con giống như sống tạm trong căn nhà của một nữ hộ lý bệnh viện.

Có lần, tôi đi làm về thấy cửa nhà đóng im ỉm. Mở ra, tôi hoảng hồn khi thấy vợ nằm dưới chân cầu thang, cánh tay sưng phồng, mặt tái mét.

Thì ra vợ tôi vừa trèo lên lau bụi ở góc cao, chân trượt khỏi bậc thang vì khăn lau rơi xuống. Tôi vội vàng chở vợ vào viện, chụp phim thì gãy tay trái, phải bó bột một tháng.

Tôi nghĩ sau cú ngã đó, vợ mình sẽ thay đổi. Nhưng không, 3 ngày sau, cô ấy đã gỡ băng bó ra, dù bác sĩ dặn tuyệt đối không tháo sớm. Vợ tôi cột tay lên dây và dùng tay còn lại để lau tủ kính. “Không lau là bụi bám thành mảng đen, kinh khủng lắm”, vợ tôi nói thế.

Tôi thấy rất mệt. Mỗi khi về đến nhà, tôi chẳng thấy thoải mái mà chỉ thấy lo âu. Về đến nhà là cứ như đi trên vỏ trứng, mỗi bước đi, tôi đều phải dè chừng vì sợ làm nhà bẩn.

Tôi từng nhẹ nhàng góp ý với vợ. Tôi nói rằng, không khí gia đình đang trở nên căng thẳng, các con lớn lên trong môi trường quá áp lực sẽ ảnh hưởng đến tâm lý. Nhưng cô ấy không nghe.

“Anh và con chỉ cần sống ngăn nắp một chút là được. Em không bắt ai phải lau, em làm hết, có gì mà than vãn?”, vợ tôi gằn giọng.

Nhưng cái sự sạch sẽ quá mức ấy chẳng khác gì một lưỡi dao vô hình cắt đứt hết sự dễ chịu, ấm cúng trong ngôi nhà.

Đã rất lâu rồi, nhà tôi không có tiếng cười thoải mái. Mỗi lần ngồi ăn cơm, 3 bố con tôi luôn phải dè chừng tay áo có chạm vào bàn không, thìa có rơi xuống không... Mỗi lần khách tới chơi, tôi phải đứng ở cửa “huấn luyện” họ 5 phút về quy tắc bước vào nhà.

Tuần trước, tôi dẫn các con về quê thăm bà nội. Bọn trẻ được chạy nhảy trên bãi cỏ, nghịch nước mương, tự tay hái rau cùng bà.

Tối hôm đó, khi tôi hỏi các con: “Có nhớ mẹ không?”. Bọn trẻ đồng loạt bày tỏ con yêu mẹ nhưng con không nhớ mẹ. Đứa con lớn còn nói rằng: “Ở đây, con được thở thoải mái hơn”. Hóa ra, tổn thương không chỉ là cảm giác khó chịu của người lớn, mà còn là nỗi sợ âm ỉ ngấm vào từng đứa trẻ.

Tôi đã ngồi nói chuyện với vợ suốt 3 tiếng đồng hồ vào hôm sau. Tôi không còn trách móc, không còn cằn nhằn, chỉ kể lại những điều con đã nói.

Và lần đầu tiên, tôi thấy vợ im lặng thật lâu rồi bật khóc. Cô ấy nói: “Em chỉ muốn nhà sạch đẹp để các con khỏe mạnh. Nhưng hóa ra, em đang khiến chúng tổn thương...”.

Hiện tại, vợ tôi tham gia một lớp thiền và trị liệu tâm lý. Cô ấy nói muốn học cách buông bỏ, cách chấp nhận sự không hoàn hảo.

Nhà tôi vẫn sạch nhưng dễ chịu hơn. Có hôm, tôi thấy cô ấy bật cười khi thấy con trai lỡ làm đổ sữa ra sàn. Điều mà trước đây là một trận chiến.

Vợ tôi đang dần nhận ra, tình yêu không phải là nỗ lực làm mọi thứ thật hoàn hảo, mà là học cách để người mình yêu có thể sống thoải mái bên mình.

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn