Nhảy đến nội dung
 

Vợ chồng lục đục vì pickleball

Kết hôn 7 năm và có 3 con nhỏ, vợ chồng chị Nguyễn Trinh (29 tuổi, TP.HCM) và anh Nguyễn Nam (35 tuổi) từng nghĩ không bao giờ chơi chung môn thể thao nào vì khác biệt sở thích. Tất cả thay đổi khi “hot trend” pickleball xuất hiện.

Mỗi tối sau giờ làm, cặp vợ chồng lại chở nhau đi đánh bóng, gửi con cho bà nội hoặc cô giúp việc. Có tuần, hai người ra sân cả 7 ngày. Hôm nào không đi, họ ở nhà mở clip học kỹ thuật, chỉnh động tác cho nhau. Những cuộc trò chuyện về con cái, cơm nước, học hành dần nhường chỗ cho “bộ vợt kia nhẹ hơn”, “set vừa rồi em bọc lưới tốt quá”.

Một lần con sốt cao đúng lúc chị Trinh, anh Nam đang đánh giải ở TP Thủ Đức (cũ), bà nội gọi không ai nghe máy. Đến khi thấy 13 cuộc gọi nhỡ, hai người mới phóng vội về nhà.

Cơn sốt pickleball vẫn thu hút nhiều người tham gia, trong đó có nhiều cặp vợ chồng cùng ra sân, chung trận đấu và cả mâu thuẫn. Từ chuyện bỏ quên con cái, tốn kém thời gian, cho đến cảm giác bị “ra rìa” khi bạn đời đánh đôi với người khác, nhiều gia đình không tránh khỏi lục đục vì quá ham mê môn này.

Gia đình lục đục

Anh Võ Dũng (38 tuổi, Hà Nội) mê pickleball sau một chuyến công tác ở Singapore. Về Việt Nam, anh kéo vợ là chị Hà Ly (34 tuổi) chơi cùng. Chị Ly đồng ý vì thấy bộ môn này hot nhưng cũng tốt cho sức khỏe. Thế nhưng sau một tháng, chị bỏ ngang vì không hợp. Anh Dũng tiếp tục chơi với nhóm bạn cùng công ty.

Chuyện không có gì cho tới ngày anh Dũng quên sinh nhật vợ. Đến 21h, chị Ly thấy chồng xuất hiện trong story của bạn, đang cười tươi giữa sân pickleball. Bữa tối kỳ công chuẩn bị đã nguội lạnh trên bàn, chị không khỏi cảm thấy ấm ức.

Ba ngày sau đó, hai vợ chồng gần như không nói chuyện. Anh Dũng mua bánh, hoa, rồi cả vợt đôi để làm hòa nhưng chị Ly không thèm động vào. "Không phải vì tức giận, mà vì hụt hẫng. Cảm giác như mọi sự quan tâm đều bị đánh đổi lấy vài tiếng trên sân", chị bộc bạch.

Anh Bùi Thành (40 tuổi, Nghệ An) và vợ Nguyễn Hào (37 tuổi) đều làm việc tự do, con trai đã 13 tuổi nên họ có nhiều thời gian chơi thể thao. Sau một khóa học 4 buổi, cả hai chính thức là “fan ruột” của pickleball.

Luc duc vi pickleball anh 1

Vợ chồng anh Nguyễn Nam và chị Nguyễn Trinh từng gặp không ít tình huống "khó đỡ" vì quá ham mê pickleball.

Ban đầu, hai người chơi 3 buổi/tuần, sau thành 5, rồi 7. Có hôm, họ đánh từ sáng đến tối, hôm sau lại đánh tiếp.

Một tối thứ bảy, khi hai vợ chồng đang thay đồ chuẩn bị đến sân tập, con trai 13 tuổi bất chợt hỏi: “Bố mẹ thích ra sân hơn thích con à?”. Câu hỏi khiến cả hai khựng lại.

Anh Thành kể con trai anh buổi tối vẫn có bác giúp việc lo cơm nước, dọn dẹp, chẳng thiếu thứ gì nên câu hỏi của con khiến vợ chồng anh suy nghĩ rất nhiều. “Tôi tự thấy bản thân quá vô tâm”, anh nói.

Trong khi đó, chị Hào trước giờ vẫn nghĩ con đã lớn, có bạn bè và thế giới riêng, có người giúp việc thì không cần bố mẹ kè kè bên cạnh. Nhưng hóa ra, một bữa cơm đủ mặt, vài câu chuyện vu vơ sau giờ học, lại là thứ cậu bé mong chờ nhất trong ngày.

Cùng chơi trong một CLB pickleball ở Hải Phòng, vợ chồng chị Phạm Thảo (36 tuổi) và anh Trần Long (39 tuổi) thường xuyên đánh đôi trong các giải phong trào. Nhưng gần đây, anh Long bắt đầu ghép cặp với một nữ đồng đội khác có chiến thuật tốt hơn.

Ban đầu, chị Thảo không nói gì, nhưng những lần chỉ đứng ngoài sân, phụ chồng mang vợt, cổ vũ, chụp ảnh còn anh đấu trên sân với người khác khiến chị không tránh khỏi cảm giác khó chịu.

Mâu thuẫn nổ ra sau một giải cuối tuần, khi anh Long vô địch đôi nam - nữ, còn chị Thảo chẳng được đánh trận nào. Kết quả, họ không nói với nhau câu nào suốt 2 ngày.

Luc duc vi pickleball anh 2

Sức hút lớn từ pickleball khiến nhiều người dành thời gian trên sân. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Điều chỉnh đam mê

Sau lần con vào viện, vợ chồng chị Nguyễn Trinh quyết định điều chỉnh tần suất chơi pickleball phù hợp hơn. Thay vì lao ra sân mỗi ngày, họ giới hạn lịch chơi pickleball còn 4 buổi/tuần, mỗi buổi không quá 1,5 tiếng. Thay đổi nhỏ nhưng đủ để cả hai giữ đam mê trong khuôn khổ hợp lý.

"Tôi vẫn mê lắm, nhưng mỗi lần cầm vợt ra sân, tôi đều tự nhắc có 3 đứa nhỏ đang chờ mẹ ở nhà", chị Trinh nói. Với thay đổi này, chị thấy đam mê không mất đi, mà chỉ được sắp xếp lại để không chiếm chỗ của những điều quan trọng hơn.

Sau vài ngày giận chồng vì pickleball mà bỏ quên vợ, chị Hà Ly bình tĩnh hơn. Cả hai ngồi lại để lắng nghe nhau, lần đầu tiên sau chuỗi ngày lệch pha.

Chị Ly đưa ra yêu cầu: "Một là những ngày đặc biệt, chồng cần nghỉ chơi. Hai là dù có đi đánh, cũng phải báo trước cho nhau". Sau đó, anh Dũng vẫn chơi đều 4 buổi/tuần, còn chị Ly bắt đầu tìm thú vui riêng như đọc sách, trồng cây, có khi là những chiều lang thang cà phê một mình.

Giờ mỗi tháng, hai vợ chồng dành một tối không pickleball, không điện thoại, chỉ cùng nhau xem phim hoặc nấu nướng ở nhà. “Vợ chồng không cần cùng đam mê, chỉ cần cùng biết giữ nhau trong lịch trình bận rộn”, chị Ly nói.

Luc duc vi pickleball anh 3

Anh Thành “hẫng một nhịp” sau câu nói của con khi bố mẹ quá mê pickleball.

Sau câu nói của cậu con trai 13 tuổi, vợ chồng anh Bùi Thành quyết định giảm tần suất chơi còn 3 buổi/tuần. Cả hai dành trọn một buổi cuối tuần đưa con đi bơi, đạp xe hoặc chỉ cần cả nhà cùng nhau nằm dài xem một bộ phim cũ. Những hôm ra sân, họ hẹn nhau về đúng giờ, không nấn ná thêm hiệp phụ, không ghé cà phê sau giờ đánh.

“Cứ tưởng vợ chồng chơi thể thao chung là gắn bó, hóa ra lại vô tình bỏ quên người quan trọng nhất”, anh Thành bày tỏ.

Về phía gia đình chị Phạm Thảo, sau một tuần "chiến tranh lạnh" vì chồng chỉ chăm chăm đánh đôi với người khác, hai vợ chồng quyết định ngồi lại với nhau giải quyết vấn đề.

Anh Long thừa nhận gần đây quá mải mê thi đấu, lịch đánh liên tục, hết giải này đến giải khác khiến mình vô tâm, không để ý cảm xúc của vợ. Chị Thảo cũng thừa nhận đã đặt quá nhiều kỳ vọng cảm xúc vào môn thể thao vốn cần sự phối hợp và tính chiến thuật.

Hai vợ chồng thống nhất rằng nếu cùng đến sân, họ phải chơi ít nhất một trận đôi cùng nhau. Những buổi còn lại, mỗi người có thể chơi theo nhóm riêng. Anh Long vẫn chơi với nhóm có trình độ cao hơn, còn chị Thảo thoải mái chơi cùng nhóm bạn bè.

“Mình không bỏ môn này, chỉ thay đổi cách chơi để còn giữ được nhau”, chị Thảo chia sẻ.

Tự chữa lành nhờ sách tâm lý

Sau chuỗi ngày rối loạn lo âu, mất ngủ, sợ hãi, Đặng Phước Thắng (TP.HCM) tìm đến sách và ngành tâm lý học để chữa lành. Nếu cuốn Sang chấn tâm lý - Hiểu để chữa lành giúp anh hiểu về những tổn thương và chọn cách sống hạnh phúc hơn, Bạn không thông minh lắm đâuBạn đã đỡ ngu ngơ hơn rồi đấy là cách tiếp cận tâm lý học hài hước nhưng sâu sắc trong các mối quan hệ thường ngày.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn