'Vợ anh dạy trên trường kiểu gì mà còn dạy thêm tại nhà'

Một buổi chiều, khi tôi đang dọn dẹp sân nhà thì một người quen hàng xóm bước qua, tiện miệng hỏi: "Vợ anh dạy trên lớp mà còn dạy thêm tại nhà nữa, tiền để đâu cho hết?". Tôi đứng lặng một lúc vì câu hỏi có phần "kháy", dù người hàng xóm không cố ý.
Vợ tôi là giáo viên tiểu học. Nhà tôi ở cách trường nơi cô ấy dạy khoảng 3 km, nằm gần khu công nghiệp. Khu này nhiều công nhân, nhiều gia đình đi làm ca kíp, thường xuyên tăng ca về muộn. Họ không thể đón con đúng giờ tan học. Những đứa trẻ tiểu học, nếu không có ai trông, sẽ phải vật vờ chờ ở cổng trường hay chạy về nhà trong tình trạng không người lớn chăm sóc.
Thế là vợ tôi, cũng là một người mẹ, mở một lớp nhỏ tại nhà. Gọi là lớp dạy thêm, nhưng thật ra giống như một chỗ gửi trẻ ngoài giờ. Các con có chỗ ăn cơm, nghỉ ngơi, được hướng dẫn học bài, làm toán, luyện chữ.
Phụ huynh thì an tâm đi làm, không nơm nớp lo con ở nhà một mình. Nhiều phụ huynh công nhân sau này còn tâm sự: "May có cô, chứ tụi em khổ thiệt, làm gì có tiền thuê người giúp việc hay đón con đúng giờ".
Ấy vậy mà vẫn có những cái nhìn đầy thành kiến. Cứ hễ giáo viên mở lớp dạy thêm là bị gán ngay cho tội danh "trục lợi giáo dục", là "kiếm chác".
Người ta không cần biết lớp đó có ép buộc ai không, có phục vụ thiết thực không, chỉ cần nghe hai chữ dạy thêm là lập tức quy kết. Cái nhìn đầy định kiến đó, thật sự khiến tôi, một người ngoài ngành giáo dục, phải suy nghĩ rất nhiều.
Thực ra, chuyện học thêm - dạy thêm tồn tại vì có nhu cầu thực. Vấn đề không chỉ nằm ở giáo viên. Nhiều học sinh, đặc biệt ở cấp tiểu học, chưa đủ ý thức tự học.
Phụ huynh thì đi làm cả ngày, về đến nhà không còn sức để kèm con học bài. Còn giáo viên, vốn dĩ chỉ được phân thời lượng rất hạn chế trên lớp, không thể nào làm hết việc chỉ trong mấy tiết học chính khóa. Đó là thực tế, không phải ai đó muốn "kiếm thêm" mà ép người ta phải học.
Và cũng nên thẳng thắn thừa nhận: Không phải học sinh nào cũng có năng lực giống nhau. Có em học nhanh, có em học chậm. Có em cần được giảng lại nhiều lần, có em cần luyện thêm vài dạng bài để hiểu.
Nếu cứ bắt tất cả cùng đi một nhịp như trên lớp, thì thiệt thòi chính là những em học yếu. Phụ huynh thấy con học không theo kịp, đương nhiên sẽ tìm đến giáo viên, người mà họ tin tưởng để giúp thêm.
Vậy thì câu hỏi cần đặt ra không phải là: "Sao cô giáo còn dạy thêm", mà là: "Chúng ta đã làm gì để những đứa trẻ được học đủ và học đúng theo khả năng của mình?". Khi nhà trường không đủ thời lượng, khi cha mẹ không thể kèm cặp, thì khoảng trống ấy ai sẽ lấp đầy?
Tôi không phủ nhận rằng có những trường hợp tiêu cực trong chuyện dạy thêm như ép buộc, phân biệt đối xử, thương mại hóa giáo dục. Nhưng không thể vì một vài con sâu mà quy chụp, phủ nhận luôn những giáo viên đang tận tâm hỗ trợ học sinh sau giờ học.
Nhất là ở các vùng thu nhập thấp, nơi mà lớp học thêm đôi khi chỉ là bữa cơm chiều, có chỗ ngồi học bài chờ cha mẹ đến rước.
Tôi mong xã hội nhìn nhận công bằng hơn. Đừng gán những định kiến cũ kỹ cho những hành động xuất phát từ nhu cầu thật và lòng yêu nghề.
Đình Lưu