Vietjet và Vietnam Airlines so kè quyết liệt ra sao trên đường đua nghìn tỉ?

Ngành hàng không Việt Nam đang có tín hiệu hồi phục mạnh mẽ, trong bối cảnh biến động lớn trên toàn cầu. Hai 'đại gia' Vietjet và Vietnam Airlines quyết liệt giành thị phần và lợi nhuận trên đường đua nghìn tỉ.
Bức tranh kinh doanh của hai hãng bay hàng đầu Việt Nam có những bước tiến lớn và cả không ít thách thức phải đối mặt.
Vận tải hành khách tăng tốc, lợi nhuận trái chiều
Theo báo cáo tài chính quý đầu năm 2025, Công ty cổ phần hàng không Vietjet (mã chứng khoán VJC) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán HVN, bao gồm Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines) đều ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong hoạt động vận tải hành khách, nhờ sự phục hồi của thị trường nội địa và quốc tế.
Với Vietjet, doanh thu vận tải ghi nhận hơn 17.950 tỉ đồng, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước, với tổng cộng 6,8 triệu lượt hành khách (+13%). Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 2,7 triệu lượt (+8%).
Vietnam Airlines cũng không kém cạnh khi đạt doanh thu vận tải 24.330 tỉ đồng (+8%), so với cùng kỳ. Hãng này phục vụ 6,3 triệu lượt hành khách (+2%). Số khách quốc tế đạt 2 triệu lượt (+5%).
Như vậy, Vietjet đã vượt trội hẳn so với Vietnam Airlines cả về khách trong nước và quốc tế nhưng doanh thu của Vietnam Airlines lại cao hơn.
Về lợi nhuận, hai hãng cũng có diễn biến trái chiều. Cụ thể, hãng hàng không do tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vận hành chính thức ghi nhận lợi nhuận ròng quý đầu năm nay đạt 640 tỉ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của chuyên gia từ Công ty Chứng khoán VNDirect, mặc dù thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu, nhưng hãng vẫn cho thấy sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Trong khi đó, Vietnam Airlines đạt lợi nhuận ròng hơn 3.400 tỉ đồng, giảm gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do quý đầu năm ngoái, hãng này có khoản thu nhập bất thường từ việc xóa nợ phải trả cho bên cho thuê tại Pacific Airlines, trong khi trong quý đầu năm nay không còn khoản thu nhập này.
Nếu không tính yếu tố bất thường này, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vietnam Airlines vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.
Thách thức trong cuộc đua nghìn tỉ
Nhìn vào kết quả kinh doanh quý đầu năm 2025, hai hãng bay này cũng phải đối mặt không ít thách thức.
Theo thông tin từ Chứng khoán VNDirect, hãng Vietjet đang vướng tranh chấp với FW Aviation (công ty con của FitzWalter Capital) liên quan đến việc thuê máy bay.
Tòa án tối cao Vương quốc Anh đã phán quyết hãng phải trả 181,8 triệu USD, Vietjet đã được phép kháng cáo và phiên tòa điều trần dự kiến diễn ra vào tháng này.
Nếu kháng cáo thất bại, giá trị vốn chủ sở hữu của hãng có thể giảm đáng kể.
Thế mạnh của hãng này nằm ở linh hoạt và định vị giá rẻ, kèm theo việc nằm tốp đầu các hãng hàng không hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về số đơn đặt hàng máy bay.
Phía Vietnam Airlines đối mặt nguy cơ hạn chế tăng trưởng và giảm thị phần do khó khăn trong việc mở rộng đội bay.
Để giải quyết, đơn vị đã được Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, với mục tiêu huy động tối đa 22.000 tỉ đồng, chia làm hai giai đoạn.
Như vậy, chỉ riêng đợt phát hành dự kiến của giai đoạn đầu (9.000 tỉ đồng) cũng sẽ giúp doanh nghiệp đưa vốn chủ sở hữu trở lại mức dương (tính đến cuối quý 1-2025, bị âm 5.850 tỉ đồng).
Qua đó cổ phiếu HVN có cơ hội thoát khỏi diện bị kiểm soát, tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận các khoản tín dụng để mua sắm tàu bay.
Theo giải trình gửi đến cơ quan quản lý thị trường chứng khoán gần đây, doanh nghiệp cho biết đã hoàn thành đề án tháo gỡ khó khăn hậu COVID-19 (giai đoạn 2021 - 2035) và báo cáo lên cấp có thẩm quyền.
Giai đoạn 2024 - 2025, đơn vị nỗ lực tăng thích nghi và kinh doanh có lãi. Kèm việc tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính, để tăng thu nhập và dòng tiền.