Việt Nam vươn lên trên chuỗi giá trị, cơ hội lớn chờ doanh nghiệp Thụy Điển

Trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam trên vai trò Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Quốc tế và Ngoại thương Thụy Điển, ông Benjamin Dousa nhận định Việt Nam đang tăng tiến trên chuỗi giá trị, từ chỗ chỉ sản xuất lên mức độ nghiên cứu và phát triển.
Thông qua chuyến thăm từ ngày 12-13.5, Bộ trưởng Benjamin Dousa khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Thụy Điển cũng như Liên minh châu Âu (EU), và hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
Vai trò ngày càng lớn của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu có ý nghĩa ở tầm chiến lược đối với các doanh nghiệp Thụy Điển đang hoạt động trên phạm vi toàn cầu. "Tôi làm việc ngày đêm để đưa các doanh nghiệp Thụy Điển đến Việt Nam", ông đề cập đến cơ hội ở Việt Nam.
Đề tài "nóng" ở Thụy Điển
Bộ trưởng Dousa cho hay ở Thụy Điển, mọi người đều đang nói về Việt Nam. Đây là quốc gia có tăng trưởng kinh tế ấn tượng ở mức 7%/năm. Hiện có khoảng 70 doanh nghiệp Thụy Điển đang hoạt động ở Việt Nam, nhưng ông khẳng định rằng con số này sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Theo quan điểm của cộng đồng kinh doanh Thụy Điển, ông cho biết Thụy Điển đang đánh giá triển vọng vô cùng tích cực về Việt Nam. Đó là lý do ông đến đây lần đầu tiên trên cương vị bộ trưởng, và chắc chắn không phải lần cuối cùng.
Bộ trưởng hết sức ấn tượng trước sự phát triển của Việt Nam và việc chính phủ đang tiến hành cải cách, và mọi thứ đang di chuyển theo đúng hướng.
"Các bạn cũng có thị trường lao động tay nghề cao…Nếu cách đây 10 đến 15 năm trước, các công ty Thụy Điển đến đây để sản xuất, giờ đây họ tới cũng vì sản xuất, nhưng đồng thời để nghiên cứu và phát triển vì các bạn có rất nhiều kỹ sư tài năng", theo ông Dousa.
Những cơ hội hợp tác mới
Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ song phương và tìm kiếm các cơ hội để doanh nghiệp Thụy Điển tham gia vào tiến trình chuyển đổi xanh và số hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, y tế cũng là một trong những lĩnh vực đang hợp tác. "Tôi biết rằng ngành khoa học sự sống (của Thụy Điển) đang muốn đến Việt Nam. Vì thế tôi đang làm việc suốt ngày đêm để đưa thêm các doanh nghiệp đến đây. Tôi cho rằng đây là một trong các ưu tiên của tôi", theo bộ trưởng, thêm rằng phải nên có từ 100 đến 150 doanh nghiệp Thụy Điển hoạt động tại Việt Nam so với mức 70 như hiện nay.
Trong bối cảnh câu chuyện thuế quan đang tồn tại khắp nơi, ông Dousa cho hay câu trả lời của Thụy Điển sẽ là mở cửa thị trường hơn nữa. Ông nhận định tự do thương mại mới có thể thúc đẩy có thêm nhiều đổi mới và tạo điều kiện cho tiến bộ khoa học. Thụy Điển trở thành một trong những quốc gia đổi mới nhất thế giới là nhờ tạo điều kiện cho thương mại và tự do giao thương.
Bộ trưởng Dousa cũng hoan nghênh các bộ trưởng của Việt Nam sẽ đến Thụy Điển để bàn về các cơ hội hợp tác.
"Tôi đã hỏi thẳng các doanh nghiệp Thụy Điển đang muốn tăng thêm đầu tư vào Việt Nam rằng họ thấy nước nào ở Đông Nam Á thú vị nhất? Tất cả đều trả lời là Việt Nam. Vì thế tôi cho rằng thị trường Việt Nam là đáng quan tâm. Và điều thú vị nhất là Việt Nam đang thăng cấp trên chuỗi giá trị, từ vị trí chỉ sản xuất lên mức độ nghiên cứu và phát triển", ông Dousa cho biết.
Các doanh nghiệp Thụy Điển cũng biết rằng khi đến Việt Nam họ sẽ tiếp cận được một số tài năng xuất sắc nhất, một số kỹ sư giỏi nhất thế giới đang ở Việt Nam. "Vì thế, về khía cạnh của chính phủ, chúng tôi đang làm mọi thứ để hỗ trợ quá trình trên", theo bộ trưởng.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Dousa đã gặp gỡ đại diện các bộ, ngành của Việt Nam, bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, và Bộ Xây dựng để thảo luận về thương mại song phương, hợp tác kinh tế, và cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh cho các công ty Thụy Điển tại Việt Nam.
Các cuộc trao đổi đề cập đến nhiều chủ đề quan trọng như công nghệ 5G, chuyển đổi xanh, và việc thực thi đầy đủ Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA).
Ngoài ra, Bộ trưởng Dousa cùng các đại diện ngành công nghiệp Thụy Điển tham gia Đối thoại Đầu tư về Hạ tầng Thụy Điển – Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như chuyển đổi xanh và số, khai khoáng, năng lượng, trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn.