Nhảy đến nội dung
 

'Việt Nam vẫn chậm hơn các quốc gia khác trong vai trò gia công'

Theo chuyên gia, phần lớn doanh nghiệp chế tạo tại Việt Nam chưa gia công sản phẩm hoàn thiện đúng nghĩa mà chỉ mới cung cấp các linh kiện một cách đơn lẻ.

TS Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) chia sẻ tại Diễn đàn M-TALKS 2025. Ảnh: BTC.

Chia sẻ tại Diễn đàn M-TALKS 2025 chủ đề "Cơ hội bứt phá chuỗi giá trị ngành cơ khí - chế tạo Việt Nam trong bối cảnh thuế quan và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu" do RX Tradex tổ chức ngày 24/7, TS Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết nhiều năm qua, ngành chế tạo Việt Nam có sự tiến bộ, với giá trị gia tăng trong GDP đã tiệm cận Trung Quốc, ở mức 26,3% so với 28,6%, theo số liệu tính đến 2023 của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO).

Tuy nhiên, hạn chế lâu nay vẫn nằm ở năng lực sản xuất thiết bị gốc (OEM), thiết kế gốc (ODM) và thương hiệu gốc (OBM).

Chỉ gia công linh kiện đơn lẻ

Bà Bình lý giải các doanh nghiệp thường nói mình đang làm OEM. Tuy nhiên thực tế, doanh nghiệp chưa đạt đến OEM đúng nghĩa và chỉ mới dừng ở mức gia công đơn lẻ. Một vài doanh nghiệp có thể sản xuất cụm linh kiện nhưng chưa phổ biến.

"Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chậm hơn các quốc gia khác trong vai trò gia công", bà nhìn nhận.

Bà dẫn ví dụ trong ngành ôtô, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đã cung cấp cho các thương hiệu xe hơi lớn nhưng chỉ gia công linh kiện đơn lẻ, không phải cụm linh kiện. Tương tự, nhiều doanh nghiệp ngành điện tử cũng gặp nhiều khó khăn để xin được tham gia vào chuỗi cung ứng các tập đoàn lớn.

Là một trong những doanh nghiệp chuyển mình từ đơn vị thương mại sang nhà sản xuất, đơn vị chế tạo, ông Hồ Ngọc Toàn - Phó tổng giám đốc Automech - cho biết công ty phải trải qua nhiều khó khăn trong quá trình nâng cấp và chuyển đổi.

Đầu tiên, khoản tài chính "đổ" vào việc tổ chức nhà máy là rất lớn. "Theo kế hoạch, chúng tôi định mua một nhà máy với tổng diện tích 3 ha. Thế nhưng, giá mặt bằng quá cao, cộng thêm khoản tiền đầu tư máy móc, cơ sở vật chất nên doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn", ông nói.

Đến khi bắt đầu đi vào sản xuất, doanh nghiệp của ông Toàn tiếp tục gặp trở ngại với các tiêu chuẩn khắt khe.

Trước đây, Automech chỉ làm thương mại nên quy trình sản xuất tương đối dễ dàng. Còn khi sản xuất thực tế, doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe - đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất ôtô, xe máy - bao gồm tiêu chuẩn ISO, chứng chỉ môi trường, chứng chỉ IATF 6949...

"Khó khăn tiếp theo chính là về mặt nhân sự. Đối với công ty thương mại, xuất phát điểm chỉ khoảng 20-30 nhân sự, nhưng khi chuyển đổi thì số lượng nhân sự tăng lên 200 người. Chỉ trong vòng 3 tháng, chúng tôi phải có đủ lượng nhân sự này do khách đã đặt hàng", ông Toàn bày tỏ.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất, theo ông, đến từ việc chuyển đổi tư duy từ bán hàng sang sản xuất. Điều này thay đổi hoàn toàn nhận thức, từ việc làm sao đáp ứng được nhu cầu khách hàng và lợi ích của mình ở mức vừa đủ thì giờ đây, doanh nghiệp còn phải tập trung vào việc nâng cao chất lượng và đáp ứng tiến độ các đơn hàng.

Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu (từ nhà mua hàng đến nhà đầu tư sản xuất FDI) đang dịch chuyển bởi các biến động thuế quan, chuyên gia cho rằng ngành chế tạo Việt Nam cần cấp thiết tăng chuyển dịch lên sản xuất cụm linh kiện, rồi từng bước làm chủ quy trình OEM, hướng tới OBM.

Hướng đi này giúp doanh nghiệp có tiếng nói hơn trong chuỗi sản xuất và thu hút các nhà mua hàng. Bà Bình cho biết vào tháng 5, đoàn doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội dịch chuyển 30% sản lượng nếu doanh nghiệp có thể cung ứng được. "Điều này cho thấy cơ hội vẫn luôn tồn tại, nhưng song hành với đó là áp lực lớn", bà Bình nói.

Linh hoạt để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Cũng tại sự kiện, bà Trần Quỳnh Hương, Trưởng Ban tư vấn Chuỗi cung ứng Source of Asia kiêm Giám đốc FDI - ESD đánh giá ngành chế tạo Việt Nam đang cạnh tranh với Malaysia và Thái Lan trong khu vực.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Việt lại không thể "ghi tên" mình vào danh sách mua hàng tiềm năng của khách ngoại, không chỉ vì thiếu chứng chỉ mà còn khả năng báo giá một cách chi tiết, chứ không đơn thuần là rẻ.

"Khi nhà cung ứng báo giá cho doanh nghiệp FDI, điều quan trọng là phải phân tích được cấu trúc giá, cụ thể tỷ lệ từ chi phí nhân công, nguyên vật liệu, và các nguyên liệu đó có phụ thuộc vào một khu vực cụ thể nào hay không", bà nói.

Bà Hương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp tuân thủ những tiêu chí và ràng buộc từ phía khách hàng, nhưng dĩ nhiên, hoàn toàn có thể lựa chọn khách hàng vừa tầm để có thể đáp ứng linh hoạt nhu cầu của họ.

cong nghiep,  gia cong,  co khi,  linh kien,  M-TALKS 2025 anh 1

Các chuyên gia và doanh nghiệp đưa ra nhiều khuyến nghị để doanh nghiệp chế tạo tăng cơ hội thu hút đối tác nước ngoài. Ảnh: BTC.

Còn theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nếu muốn hợp tác với các khách hàng lớn, doanh nghiệp phải hiểu rõ khách hàng.

Bà cũng cho rằng các doanh nghiệp cần đẩy mạnh năng lực liên kết nội địa để cùng nhau giải quyết các đơn hàng từ phía đối tác nước ngoài.

"Khi có một mạng lưới cộng đồng địa phương, mình tự tin có thể làm được OEM, ODM và sẵn sàng tiến vào thị trường thế giới. Đây là cách hiệu quả để thu hút các khách hàng nước ngoài, thậm chí họ sẽ tự động tìm đến mình", bà Oanh chia sẻ.

Để tăng tốc phát triển năng lực OEM và OBM, ông Trần Bình Minh - Đồng sáng lập, Phó tổng giám đốc GCool, một đơn vị có thương hiệu riêng và làm ODM quạt trần - nêu kinh nghiệm đầu tư vào nghiên cứu - phát triển (R&D).

"Hiện chúng tôi chi rất lớn cho R&D. Với công nghệ lõi, chúng tôi sẵn sàng thuê tiến sĩ từ Mỹ về làm việc và trả lương cao", ông cho biết.

Đến nay, GCool đã phát triển được các động cơ DC tiết kiệm điện, đăng ký hơn 20 quyền kiểu dáng công nghiệp và cung cấp dịch vụ OEM "đo ni đóng giày" cho khách hàng.

Ông Trần Hồng Quân, Giám đốc Thương mại RX Tradex Việt Nam - đơn vị tổ chức triển lãm Metalex Việt Nam 2025 vào tháng 10 tới - gợi ý doanh nghiệp tăng chủ động kết nối, tìm hiểu đối tác thông qua các sự kiện giao thương. "Thông thường, các giao dịch thành công được chốt trong vòng 1 đến 3 tháng sau triển lãm, đòi hỏi sự kiên trì từ doanh nghiệp", ông nói.

Trong tương lai, ngành chế tạo vẫn còn nhiều triển vọng. Bà Bình nhận định một số doanh nghiệp FDI từng định chuyển một phần sản xuất sang Mexico (sau khi có thông tin thuế đối ứng) nhưng gần đây đã quay lại Việt Nam.

Theo khảo sát của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo quý II đã tốt hơn so với 3 tháng đầu năm, với 78,4% được hỏi nói đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên. 81,8% dự báo đơn hàng xuất khẩu quý III sẽ tăng và giữ nguyên so với quý II.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết trong nửa đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong chế biến - chế tạo đạt gần 12 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Lĩnh vực này tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất về cả số dự án mới (38,2%) lẫn lượt điều chỉnh vốn (56,5%). Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn