Việt Nam - Nhật Bản: hình mẫu hợp tác mới

Chuyến thăm của Thủ tướng Ishiba Shigeru của Nhật Bản đến Việt Nam đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra cơ hội hợp tác mới giữa hai quốc gia.
Chiều 27-4, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Phu nhân đã đến Hà Nội, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông đến Việt Nam trên cương vị người đứng đầu chính phủ.
Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Nhật đến Việt Nam kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11-2023.
Thời điểm ý nghĩa
Giới học giả và ngoại giao hai nước đặc biệt chú ý đến chuyến thăm này bởi bối cảnh hiện tại. Cả Việt Nam và Nhật Bản đều đang đối mặt với những khó khăn từ môi trường thương mại thế giới.
Một bên là nền kinh tế thứ 4 thế giới, một bên là quốc gia đang phát triển với mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ này. Nhu cầu tìm kiếm hợp tác, đồng hành trong chặng đường sắp tới trở thành lựa chọn khách quan, theo chia sẻ của Hạ nghị sĩ Nhật Bản Soramoto Seiki với Tuổi Trẻ.
"Không phải chỉ là Thủ tướng Ishiba Shigeru chọn Việt Nam, mà là Nhật Bản chọn Việt Nam làm điểm đến", Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, Hạ nghị sĩ Yuko Obuchi khẳng định với báo chí.
Bà Yuko cho biết thêm hiện nay đang diễn ra kỳ họp Quốc hội Nhật Bản từ tháng 1 đến khoảng tháng 7, việc các nghị sĩ đi ra nước ngoài là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, Thủ tướng Ishiba đã quyết định tranh thủ khoảng thời gian nghỉ của "Tuần lễ vàng" để tiến hành chuyến thăm và lựa chọn kỹ điểm đến.
Sau khi cân nhắc, ông đã quyết định chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên bởi đây là đối tác rất quan trọng của Nhật Bản.
Theo bà Yuko, trong bối cảnh thế giới hiện tại có nhiều yếu tố khó lường và khó khăn, chính trong thời điểm như vậy càng cần phải có sự cùng mở rộng tấm lòng và làm sâu sắc thêm sự tin cậy, tình hữu nghị cũng như quan hệ hợp tác.
"Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Ishiba nhằm khẳng định cách nhìn nhận này của Nhật Bản, đồng thời cũng là sự đóng góp cho quan hệ song phương", bà nói với TTXVN.
Hình mẫu tương lai
Giáo sư Kurihara Hirohide thuộc Đại học Ngoại ngữ Tokyo nhận định cả hai nước đều không phải là những quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nhưng chung mục tiêu phát triển, điển hình như phát thải ròng bằng 0 và dựa vào việc làm ăn với thế giới.
Do đó, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động hiện nay, mối quan hệ Việt - Nhật càng trở nên vô cùng quan trọng. Thậm chí, theo ông, hợp tác giữa hai nước có thể trở thành hình mẫu cho các quốc gia vừa và nhỏ về cách thức phát triển độc lập, tự chủ, bền vững mà không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
Những nhận định này được khẳng định trong bài viết gửi riêng Tuổi Trẻ của Thủ tướng Ishiba ngày 27-4. Ông khẳng định khi hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, Nhật Bản sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong vai trò là "đối tác không thể thay thế" nhằm hoàn thiện và thúc đẩy môi trường đầu tư cũng như hợp tác kinh tế.
Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các ngành công nghiệp nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số, bao gồm công nghiệp bán dẫn, cũng như thúc đẩy hợp tác hướng tới mục tiêu giảm phát thải carbon tại châu Á thông qua Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC).
Từ góc độ chuyên gia, giáo sư Stephen Nagy của Đại học Cơ đốc giáo ở Tokyo nhận định Việt Nam đang ngày càng trở thành một mắt xích quan trọng và là lựa chọn sáng giá cho các nhu cầu dịch chuyển chuỗi cung ứng trong bối cảnh hiện tại.
Theo ông, Chính phủ Nhật Bản hy vọng các khoản đầu tư trực tiếp và hỗ trợ ODA cho Việt Nam không chỉ tạo ra sự phát triển bền vững mà còn thúc đẩy các công ty Nhật đến khu vực, tăng đoàn kết giữa các nước ASEAN.
"Logic của Nhật Bản là ASEAN càng hội nhập sâu hơn giữa các thành viên thì càng có thể tự chủ về mặt chiến lược để đưa ra các quyết định địa chính trị độc lập", ông Stephen Nagy chia sẻ với Tuổi Trẻ.