Nhảy đến nội dung

Việt Nam có loại rau nhiều sắt hơn thịt bò, được Trung Quốc quý như “vàng”: Tốt cho gan, bảo vệ tim

Đây là loại rau dân dã, thường xuất hiện trên mâm cơm của người Việt Nam. Rau chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe nên được người Trung Quốc quý như “vàng”.

Sắt là một trong những khoáng chất cần thiết cho sức khỏe. Thiếu sắt có thể dẫn tới tình trạng thiếu máu, khiến cơ thể xanh xao, mệt mỏi, da nhợt nhạt, tim đập nhanh, suy giảm miễn dịch.

Chia sẻ trên chuyên trang Phụ nữ & Pháp luật thuộc tạp chí điện tử Người đưa tin, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng – tiết chế, Bệnh viện Nội Tiết Trung ương cho biết, cơ thể hấp thu sắt chủ yếu thông qua các thực phẩm.

Nguồn cung cấp sắt phổ biến, được nhiều người tiêu thụ là nội tạng động vật, thịt bò,... Tuy nhiên, theo bác sĩ Hưng, trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật như củ dền, đậu lăng, rau dền, yến mạch... cũng chứa một lượng sắt nhất định. Đặc biệt là rau dền, đây là loại rau có hàm lượng sắt cao, vượt qua cả thịt bò.

Theo số liệu từ Viện dinh dưỡng quốc gia, trong 100g rau dền đỏ chứa 5,4mg sắt. Trong khi đó, trong 100g thịt bò chỉ chứa 2,6mg sắt. Như vậy, hàm lượng sắt trong rau dền đỏ cao gấp đôi thịt bò.

Người Việt và người Trung ưa thích rau dền đỏ

Theo thông tin tổng hợp trên báo Dân Việt, báo Nông nghiệp, báo Quảng Ngãi, báo Hà Nam, rau dền đỏ được trồng phổ biến ở nhiều nơi, chẳng hạn như Cần Thơ, Bình Phước, Quảng Ngãi, Phủ Lý - Hà Nam,... 

Rau dền đỏ là loại rau giá rẻ, rất quen thuộc trên mâm cơm của người Việt Nam. Ngoài hàm lượng sắt phong phú, rau dền đỏ còn chứa các chất dinh dưỡng có lợi khác như vitamin A, vitamin K, vitamin B6, chất xơ, kali, canxi,... Chính vì vậy, người Việt thường luộc, nấu canh hoặc xào rau dền đỏ để bổ sung dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.

Không chỉ được ưa chuộng tại Việt Nam, rau dền đỏ còn được người Trung Quốc vô cùng ưa thích. Rau dền đỏ được người Trung Quốc quý như “vàng” bởi những lợi ích sức khỏe mà nó đem lại, trang tin sức khỏe Health.tw của Đài Loan (Trung Quốc) viết.

Lợi ích của rau dền đỏ

Bác sĩ Lâm Cư Trạch, Phó khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Nhân dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết, theo y học cổ truyền Trung Quốc, rau dền đỏ có vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng bổ khí huyết, thông cửu khiếu, thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ điều trị một số bệnh như rối loạn mỡ máu, lợi tiểu, tiêu viêm và cầm tiêu chảy.

Theo trang Sohu, rau dền đỏ có thể đem đến một số lợi ích sức khỏe như sau:

- Bảo vệ sức khỏe tim mạch: Hàm lượng kali trong rau dền đỏ có thể giúp điều hòa huyết áp và ngăn ngừa bệnh tim mạch hiệu quả.

- Tốt cho gan: Rau dền đỏ chứa nhiều chất chống oxy hóa như beta-carotene, vitamin A, vitamin C, vitamin E và các hợp chất phenolic. Các chất này giúp bảo vệ tế bào gan khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra, từ đó giúp gan khỏe mạnh hơn.

- Ngăn ngừa tình trạng thiếu máu: Người Trung Quốc thường gọi rau dền đỏ là "rau bổ máu" do chứa hàm lượng sắt, vitamin K, vitamin C phong phú. Các chất này có tác dụng thúc đẩy cơ thể tăng sản xuất hồng cầu, tăng nồng độ hemoglobin hạn chế nguy cơ thiếu máu.

- Bổ sung canxi, giúp xương chắc khỏe: Hàm lượng canxi trong rau dền đỏ đạt tới 180mg/100g, gấp đôi so với rau bina. Ngoài ra, rau dền đỏ còn chứa magie, kali, vitamin K và các chất dinh dưỡng khác giúp cơ thể tăng hấp thụ canxi. Do đó, ăn rau dền đỏ có thể giúp phòng tránh các bệnh về xương như đau khớp, loãng xương và bệnh co giật do thiếu canxi.

- Bảo vệ thị lực: Hàm lượng vitamin A trong rau dền đỏ rất phong phú, khoảng 352mcg/100g. Ngoài ra, rau dền đỏ còn chứa nhiều beta-carotene, có thể chuyển hóa thành vitamin A sau khi vào cơ thể. Vitamin A có vai trò quan trọng, giúp bảo vệ thị lực và Do đó, ăn rau dền đỏ cũng có thể giúp bảo vệ thị lực, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về mắt như bệnh quáng gà, thoái hóa điểm vàng.

- Cải thiện hệ tiêu hóa: Rau dền đỏ rất giàu chất xơ, có thể thúc đẩy nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa và loại bỏ các chất cặn bã dư thừa ra bên ngoài, giúp nhuận tràng và ngăn ngừa táo bón.

Theo Phụ nữ & Pháp luật, Viện dinh dưỡng quốc gia, Health.tw, Sohu, báo Dân Việt, báo Nông nghiệp, báo Quảng Ngãi, báo Hà Nam