Nhảy đến nội dung

Việt Nam cam kết đồng hành phát triển Internet mở, an toàn và bao trùm

Khẳng định cam kết đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trong phát triển Internet mở, an toàn và bao trùm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh: Việt Nam muốn hợp tác sâu rộng để xây dựng tương lai số cho tất cả mọi người.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Hoàng Phương nhận định, diễn đàn APAC DNS Forum 2025 là một cơ hội để các chuyên gia trao đổi, kết nối và hợp tác trong lĩnh vực cốt lõi của hạ tầng số toàn cầu. Ảnh: Đoàn Hùng.

Ngày 8/5, tại Hà Nội, hội thảo về tên miền và máy chủ tên miền khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC DNS Forum 2025) với chủ đề “Internet bao trùm: Kết nối con người, kiến tạo tương lai” đã được khai mạc.

Diễn ra trong 3 ngày, từ 7/5 đến 9/5, APAC DNS Forum 2025 là sự kiện do Tổ chức quản lý tên miền và số quốc tế - ICANN chủ trì, phối hợp cùng Trung tâm Internet Việt Nam – VNNIC thuộc Bộ KH&CN tổ chức.

Theo Ban tổ chức, hội thảo lần này không chỉ là sự kiện kỹ thuật chuyên sâu mà còn là sự hội tụ của tầm nhìn, sự hợp tác và trách nhiệm chung với tương lai Internet toàn cầu.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho chuyển đổi số, đồng thời chỉ rõ: “Hạ tầng Internet, bao gồm hạ tầng DNS là một thành phần quan trọng của hạ tầng số. Việc quản lý đảm bảo an toàn, tin cậy hệ thống DNS quốc gia, phát triển phổ cập tên miền quốc gia “.vn” để phát triển kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ quan trọng”.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cũng cho hay, Internet đang chuyển sang giai đoạn mới với số lượng kết nối vô cùng lớn. Nhiều hình thức kết nối mới, dịch vụ mới ra đời; tuy nhiên tài nguyên Internet, tên miền, hệ thống DNS vẫn luôn là lớp nền định danh - nơi bắt đầu mọi kết nối số có vai trò thiết yếu trong bảo đảm sự tin cậy, an toàn của không gian số.

“Việt Nam luôn đồng hành, hợp tác cùng cộng đồng quốc tế trong việc phát triển một Internet mở, an toàn và bao trùm. Chúng tôi mong muốn hợp tác sâu rộng với các đối tác trong khu vực và trên thế giới để cùng nhau xây dựng tương lai số cho tất cả mọi người”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương khẳng định.

apac dns forum 2025 anh 1

Chủ tịch, Tổng giám đốc ICANN Kurtis Lindqvist nhấn mạnh, Internet là công cụ quyền năng để thúc đẩy kết nối mọi người, đồng thời tăng cường hiểu biết giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ. Ảnh: Đoàn Hùng.

Trao đổi tại hội thảo, ông Kurtis Lindqvist, Chủ tịch, Tổng giám đốc ICANN cho biết, Internet là một công cụ quyền năng để thúc đẩy hòa bình, tăng trưởng, thịnh vượng cũng như sự hiểu biết giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ.

Thống kê của ITU cho thấy, toàn cầu đã có gần 6 tỷ người kết nối Internet; trong khi đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 có gần 66% dân số truy cập Internet và con số này đang tăng lên.

Nhận định châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có vị thế trung tâm năng động và cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của Internet, ông Kurtis Lindqvist cũng cho hay, sứ mệnh của ICANN là hỗ trợ các sáng kiến giúp đưa nhiều người dân hơn lên mạng, vượt qua các thách thức và nắm bắt những cơ hội.

Thông tin về kết quả công tác quản lý, phát triển tài nguyên Internet tại Việt Nam, Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng khẳng định sau hơn 27 năm kết nối toàn cầu, Internet Việt Nam đã phát triển vượt bậc.

apac dns forum 2025 anh 2

Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng tin rằng các cuộc thảo luận trong diễn đàn APAC DNS Forum 2025 sẽ thúc đẩy các hệ sinh thái máy chủ tên miền - DNS sáng tạo, đa ngôn ngữ và an toàn. Ảnh: Đoàn Hùng.

Qua hành trình nỗ lực quản lý tên miền cấp cao nhất mã quốc gia “.vn”, thúc đẩy tiêu chuẩn an toàn DNSSEC, hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang IPv6 và củng cố hệ thống máy chủ tên miền và trạm trung chuyển Internet quốc gia, đến nay Việt Nam đã thiết lập được một cơ sở hạ tầng Internet an toàn và đáng tin cậy.

“Hiện nay, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” xếp thứ 2 tại ASEAN với hơn 660.000 tên miền. Việt Nam cũng có tên trong top 10 toàn cầu về áp dụng IPv6, với hơn 65% người dùng truy cập Internet qua IPv6”, ông Nguyễn Hồng Thắng cho hay.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đã thảo luận về các sáng kiến, cách làm hay để thúc đẩy những mô hình quản lý, giải pháp phát triển tài nguyên Internet, hạ tầng Internet, các dịch vụ trên Internet thông minh, an toàn và thích ứng với xu thế phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn cầu.

Đồng thời, góp phần ứng dụng hiệu quả công nghệ mới như DNSSEC, 5G/6G, IPv6, big data, cloud, AI, blockchain… trong quản lý, phát triển, đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống hạ tầng máy chủ tên miền DNS; phát triển phổ cập đa ngôn ngữ, tạo ra một không gian mạng toàn diện, nhân văn và bao trùm.

Chia sẻ quan điểm của Việt Nam liên quan đến thách thức về ngôn ngữ với sự phát triển Internet toàn cầu, Phó Giám đốc VNNIC Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần thúc đẩy hơn nữa sự chấp nhận toàn cầu và đa ngôn ngữ trên Internet để tạo nền tảng xây dựng một xã hội số toàn diện.

“Ngôn ngữ không bao giờ được là rào cản đối với sự đổi mới. Sự chấp nhận toàn cầu trao quyền cho chúng ta xây dựng một Internet chào đón tất cả mọi người, bất kể họ gõ chữ viết nào hay nói ngôn ngữ nào”, ông Nguyễn Trường Giang nói.

apac dns forum 2025 anh 3

Theo đại diện VNNIC, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu 1 triệu tên miền “.vn”, bao gồm cả tên miền tiếng Việt. Ảnh minh họa: T.T.

Đại diện VNNIC phân tích, khi chúng ta hướng đến một tỷ người dùng tiếp theo trực tuyến, nhiều người trong số họ sẽ đến từ nhiều quốc gia, địa phương khác nhau trên thế giới; người dùng muốn kết nối Internet bằng ngôn ngữ, chữ viết và bản sắc văn hóa địa phương của họ. Vì thế, Internet phải có thể truy cập được bằng các ngôn ngữ mà mọi người nói và hiểu.

Cho biết Việt Nam đặt trọng tâm vào việc hòa nhập kỹ thuật số và nhận dạng kỹ thuật số như một phần của chương trình chuyển đổi số quốc gia, đại diện VNNIC cũng chia sẻ, sự chấp nhận toàn cầu là một yếu tố then chốt giúp Việt Nam thực hiện sứ mệnh này.

“Tầm nhìn của chúng tôi là đạt được 1 triệu tên miền “.vn” gồm cả tên miền tiếng Việt, và đảm bảo rằng các địa chỉ email bằng tiếng Việt hoạt động liền mạch trên các hệ thống. Với chúng tôi, sự chấp nhận toàn cầu không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật mà còn là cam kết về công bằng, bảo tồn văn hóa và khả năng tiếp cận”, đại diện VNNIC chia sẻ thêm.