Vì sao SIM rác, tài khoản không chính chủ vẫn tràn lan?

Dù đã có nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng tình trạng SIM rác, tài khoản ngân hàng sử dụng lừa đảo vẫn liên tục xảy ra.
Tổng rà soát SIM điện thoại, tài khoản ngân hàng
Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 ngày 17.5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Công an phối hợp Bộ KH-CN, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan triển khai chiến dịch tổng rà soát tài khoản ngân hàng, SIM điện thoại để tăng cường quản lý nhà nước, phòng ngừa tội phạm lừa đảo trực tuyến. Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa cho thấy câu chuyện SIM rác hay tài khoản không chính chủ vẫn tồn tại, bất chấp nhiều giải pháp ngăn chặn đã được thực hiện.
Thực tế, không chỉ các cuộc gọi quảng cáo vẫn xuất hiện tràn lan mà những cuộc gọi mạo danh, lừa đảo cũng chưa thuyên giảm. Hôm qua 18.5, chị V.N (ngụ Q.7, TP.HCM) nhận được cuộc gọi từ số 024.86884991 tự xưng là dịch vụ của Ngân hàng VCB. Bực mình, chị hỏi tại sao chủ nhật mà ngân hàng vẫn đi làm thì đầu dây bên kia tắt máy ngay. Tương tự, chị Thanh Huyền (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) thường xuyên nhận các cuộc gọi quảng cáo, chào mời giao dịch chứng khoán từ trưa đến tối khuya. Mới nhất, chị nhận được cuộc gọi có số 024.89873175 vào lúc gần 21 giờ ngày 16.5. Người gọi tự xưng là nhân viên công ty chứng khoán VPS chào mời chị tham gia đầu tư và nếu có nhu cầu được tư vấn thì kết bạn qua Zalo…
"Đó chỉ là cuộc điện thoại mới nhất mà mình nhớ. Còn lại hằng ngày vẫn nhận được nhiều điện thoại quảng cáo, chào mời khác nhau, hay thậm chí cuộc gọi nói mình chưa đóng tiền điện. Nếu các số có hiện tên công ty hay kiểu CSKH…, Database… thì mình không nghe. Tuy nhiên, hiện nhiều nhất là những cuộc gọi có đầu số 024, 028 như điện thoại cố định nên đôi khi vẫn nghe thì cũng toàn là quảng cáo hay có dấu hiệu mờ ám", chị Thanh Huyền chia sẻ.
Đáng nói, dù đã có nhiều cảnh báo nhưng vẫn rất nhiều người bị "tra tấn" bởi các cuộc gọi dọa cắt điện, cắt viễn thông do chưa thanh toán phí. Mới nhất, trên fanpage Bộ Công an thông tin ngày 15.5, bà Dung (ngụ TP.Hải Dương) nhận cuộc điện thoại từ số 0964669399. Người này tự giới thiệu là thiếu úy N.A.T., công tác tại Công an P.Quang Trung, thông báo bà Dung đang nợ Công ty viễn thông Viettel số tiền 3,2 tỉ đồng, yêu cầu bà nhanh chóng hoàn trả. Người này còn dọa nếu bà Dung chưa có tiền thì phải làm giải trình theo hướng dẫn, nếu không sẽ bị cơ quan công an bắt và truy tố.
Nhận thấy có nhiều điểm bất thường nên bà đã đến Công an P.Quang Trung trình báo. Công an phường đã xác minh và cho biết đây là cuộc gọi lừa đảo. Nhờ sự cảnh giác cao độ, bà Dung đã tránh được bẫy lừa đảo tinh vi. Cũng nhận những cuộc gọi tương tự, chị L. (sinh viên một trường ĐH tại Hà Nội) đã làm theo hướng dẫn và chuyển khoản tổng cộng gần 3 tỉ đồng. Sau đó, thấy việc chuyển tiền có nhiều điểm bất thường, chị L. nghi ngờ và đến công an trình báo, nhưng việc lấy lại tiền là rất khó.
Chuyển sang lừa đảo bằng tổng đài?
Theo chuyên gia bảo mật Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin VN, sau khi các nhà mạng thực hiện bắt buộc đăng ký SIM chính chủ thì cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo từ số điện thoại di động cá nhân có giảm. Tuy nhiên, cuộc gọi lừa đảo lại xuất hiện nhiều qua các đầu số cố định như 024, 028… Đây là những số điện thoại xuất phát từ dịch vụ tổng đài được nhiều công ty cung cấp. Các đầu số cố định này được lắp đặt trên hệ thống tổng đài, không sử dụng SIM, chỉ cần có kết nối internet và hệ thống nghe gọi phù hợp. Vì vậy mới có trường hợp cuộc gọi từ những cá nhân ở nước ngoài nhưng người nghe tại VN thấy hiện ra số cố định. "Cần phải xem lại quy định về dịch vụ tổng đài để có giải pháp quản lý phù hợp", ông Ngô Tuấn Anh nói.
Ngoài ra, song song với đăng ký SIM chính chủ hay các ngân hàng thực hiện xác thực sinh trắc học đối với tài khoản thanh toán cá nhân thì việc cấp SIM mới hay tài khoản mới cũng được siết chặt. "Tuy nhiên, chưa biết số lượng SIM rác và tài khoản ngân hàng không chính chủ trước đây vẫn còn hoạt động như thế nào. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đợt tổng rà soát là kịp thời để ngăn chặn hành vi lừa đảo liên quan đến SIM rác và tài khoản ngân hàng không chính chủ. Song song đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo ra cơ chế phản ánh cuộc gọi rác đơn giản, nhanh chóng cũng như việc tiếp nhận, xử lý như thế nào để người dân dễ thực hiện và tạo niềm tin. Bởi hiện nay việc thông báo cuộc gọi rác, lừa đảo thông qua cú pháp nhắn tin về đầu số thì không dễ nhớ", ông Tuấn Anh đề nghị và cho biết thêm bản thân ông cũng thực hiện nhắn tin báo cáo cuộc gọi lừa đảo vài lần nhưng không biết có được tiếp nhận hay không, xử lý như thế nào nên ông cũng nản và không thực hiện nữa.
Riêng đối với tài khoản ngân hàng không chính chủ, vẫn còn tình trạng những kẻ lừa đảo thuê mượn tài khoản của nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa và sau này dùng cả tài khoản tổ chức để lừa đảo. Dù quy định phải sử dụng khuôn mặt xác thực khi chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần đã phần nào giảm thiểu thiệt hại do lừa đảo nhưng kẻ gian vẫn có thể sử dụng nhiều tài khoản cho những vụ việc khác nhau. Đặc biệt, hiện nay nhiều cá nhân sẵn sàng chuyển sang tiền mã hóa ngay mà không cần phải chuyển rút tiền mặt sang tài khoản khác.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn an ninh mạng Athena, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến SIM rác, cuộc gọi rác vẫn còn là do các doanh nghiệp viễn thông chưa thực hiện nghiêm các quy định để bảo vệ người dân. Thực tế hiện nay, cơ quan chức năng đã xây dựng nên các tổng đài để báo cáo nhưng việc xử lý SIM rác, cuộc gọi lừa đảo như thế nào cũng chưa rõ ràng. Hơn nữa, sau khi siết chặt quản lý SIM di động thì các đầu số tổng đài ảo lại ra đời với mức độ spam còn khủng khiếp hơn. Hơn nữa, SIM rác cũng chỉ là một phương tiện để thực hiện tin nhắn, cuộc gọi rác. Các cá nhân, đơn vị phát tán quảng cáo hay các hình thức lừa đảo có thể chuyển sang những hình thức khác như thông qua mạng xã hội, nhắn tin và gọi điện từ các ứng dụng như Telegram, Viber, Zalo… Vì vậy, phải áp dụng song song nhiều giải pháp, trong đó ngân hàng vẫn tăng cường siết tài khoản không chính chủ, chủ động phát hiện các tài khoản có giao dịch đáng ngờ để cảnh báo, phòng ngừa…