Vì sao điều chỉnh quy hoạch, mở rộng phân khu cảng biển Chân Mây?

Theo điều chỉnh mới, diện tích quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc, TP. Huế được mở rộng từ hơn 700 ha lên 1.160 ha, tăng thêm gần 460 ha so với hiện trạng.
HĐND TP. Huế vừa thông qua việc điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây theo tờ trình của UBND TP. Huế.
Theo điều chỉnh mới, diện tích quy hoạch cảng biển được mở rộng từ hơn 700 ha lên 1.160 ha, tăng thêm gần 460 ha so với hiện trạng. Việc điều chỉnh theo hướng mở rộng nhằm tạo diện mạo mới, cụ thể hóa định hướng phát triển cảng biển quốc tế hiện đại tại khu vực Chân Mây - Lăng Cô, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia và Quy hoạch TP Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Cảng Chân Mây được định hướng mở rộng để tiếp nhận tàu hàng tổng hợp và hàng rời có trọng tải từ 150.000 - 200.000 tấn (hoặc hơn nếu đủ điều kiện kỹ thuật), tàu container đến 4.000 TEU, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT và tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn.
Với vị trí gần cửa ngõ hướng ra biển Đông, cảng Chân Mây có khả năng kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, nối miền Trung Việt Nam với Lào, Myanmar và Thái Lan. Đây cũng là điểm trung chuyển thuận lợi trên tuyến đường biển giữa Philippines, Singapore và Hong Kong.
Hiện tại, cảng Chân Mây có bến số 1 dài 480m, đủ năng lực tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 50.000 DWT và tàu du lịch lớn. Hệ thống kho bãi rộng hơn 12.800 m2, được bố trí thành những khu vực riêng cho từng loại hàng hóa.
Từ khi hoạt động đến nay, cảng Chân Mây đã đón hơn 12 triệu tấn hàng hóa, trên 312.000 lượt khách du lịch bằng đường biển , với kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 1.050 triệu USD. Đây là cảng biển miền Trung có thể đón tàu lớn nhất hiện nay, với khả năng tiếp nhận tàu 30.000 DWT và tàu khách 100.000 GRT.
Theo quy hoạch cảng biển quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng Chân Mây sẽ được đầu tư để đạt sản lượng hàng hóa khoảng 8,9 - 10,2 triệu tấn/năm vào năm 2030. Việc mở rộng và nâng cấp cảng Chân Mây được kỳ vọng giúp tăng năng lực giao thương và góp phần phát triển kinh tế TP Huế và khu vực miền Trung.