Vì sao đàn ông ngoại tình?

''Dù tôi bày tỏ qua hành động rất nhiều nhưng cô ấy chỉ im lặng, không cảm ơn, không ánh mắt thể hiện yêu thương'', người chồng nói.
Holden, 41 tuổi, cũng yêu vợ nhưng không thấy cô đồng hành cùng mình trong cuộc sống. ''Tôi tự hỏi mình đang làm gì ở đây?''. Cảm giác cô đơn và không được công nhận cũng khiến anh trở thành kẻ phản bội.
Patrick và Holden không phải là những người đàn ông muốn rời bỏ gia đình. Họ không theo đuổi tình dục, mà tìm kiếm một thứ sâu xa hơn: sự công nhận.
Theo chuyên gia tình dục học, tiến sĩ Alicia M. Walker, phó giáo sư xã hội học ĐH Bang Missouri, Mỹ, hành vi ngoại tình của đàn ông thường bắt nguồn từ những nhu cầu cảm xúc không được đáp ứng, điều mà họ không biết cách gọi tên.
Tiến sĩ Robert Weiss, giám đốc lâm sàng của tổ chức điều trị các rối loạn thân mật Seeking Integrity, Mỹ, cũng cho biết sau gần ba thập kỷ điều trị cho những người đã lừa dối bạn đời, ông có thể khẳng định chắc chắn ngoại tình không phải lúc nào cũng là kết quả của một mối quan hệ tồi tệ.
Thực tế, phần lớn những người đàn ông ngoại tình mà ông từng trị liệu đều khẳng định vẫn yêu vợ, vẫn thấy đối phương hấp dẫn và trân trọng cuộc sống đã xây dựng cùng nhau.
Nhưng họ vẫn ngoại tình. Họ phản bội người mình yêu theo cách tồi tệ nhất và rồi tự hỏi vì sao mình lại làm điều đó.
Không chỉ họ cần câu trả lời. Người bạn đời bị phản bội cũng cần lý giải. Nhiều người từng đầu tư cả thập kỷ để vun vén một gia đình, một mối quan hệ bền vững – giờ phải đối diện với sự tan vỡ của niềm tin. Họ tự hỏi: Mình đã làm gì sai?
Có trường hợp, ngoại tình là hệ quả của một mối quan hệ hôn nhân lạnh nhạt, bế tắc bởi tài chính, con cái hoặc định kiến xã hội. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, như những người đàn ông trên, họ ngoại tình không vì muốn bỏ vợ, mà vì không còn nhận ra chính mình.
Với nhiều người đàn ông, nam tính không chỉ nằm ở cơ bắp hay năng lực tình dục mà nằm ở việc được nhìn nhận như một người quan trọng trong mắt người họ yêu.
Theo Tiến sĩ Alicia Walker, những hành vi chăm sóc cảm xúc như hỏi han, khích lệ, công nhận, vốn là công việc mặc định dành cho phụ nữ trong nhiều mối quan hệ khác giới.
Đây là một kỳ vọng không được thỏa thuận, nhưng tồn tại bền bỉ và âm thầm: phụ nữ phải liên tục duy trì cảm xúc, trong khi đàn ông dựa vào đó mà không nhận ra rằng có ai đó đang làm công việc ấy mỗi ngày.
Khi những biểu hiện yêu thương bắt đầu phai nhạt, vì kiệt sức, vì áp lực công việc, hoặc chỉ đơn giản là quá nhiều năm không được đáp lại, đàn ông cảm giác như một cú rơi tự do.
Họ không biết cách nói ra nhu cầu cảm xúc của mình. Họ chỉ cảm thấy mặt đất dưới chân lung lay.
Và rồi, một người phụ nữ khác chỉ cần một câu khen đơn giản như "Anh thật tuyệt", có thể trở thành chiếc phao cứu sinh bản ngã. Không phải vì cô ấy hấp dẫn hơn, mà vì cô ấy phản chiếu một hình ảnh mà họ khao khát nhìn thấy ở chính mình.
Zack, 49 tuổi, từng nghĩ nếu mình đủ nam tính, vợ sẽ lắng nghe và khen ngợi như ngày xưa. Anh đi tìm sự công nhận đó từ một phụ nữ khác. Jason, 35 tuổi, nói rằng người tình khiến anh cảm thấy "không có gì ở tôi bị mất đi".
Với những người đàn ông này, ngoại tình không phải để thay thế vợ mà là để vá víu một phiên bản tốt hơn của chính họ. Họ muốn là người thú vị, được khao khát, đủ đàn ông.
''Họ không chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân mà chạy khỏi mẫu đàn ông mà họ lo sợ mình sẽ trở thành'', ông nói.
Nam tính vốn được gắn với thành công, sức mạnh, khả năng hấp dẫn trở nên mong manh nếu không được tiếp thêm qua sự công nhận hàng ngày.
"Và khi lời khen ngợi, sự chú ý không còn, một số người đàn ông sẽ tìm lối thoát vòng vo: không phải để được quan hệ tình dục, mà để được cảm thấy mình vẫn xứng đáng'', tiến sĩ Alicia M. Walker nói.
Nhật Minh (Theo Psychologytoday)