Nhảy đến nội dung

Vì sao 5 triệu hộ kinh doanh 'ngại lớn'?

Đóng vai trò không nhỏ trong nền kinh tế, nhưng tỷ lệ hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp vẫn còn rất khiêm tốn. Đâu là nguyên nhân khiến các hộ kinh doanh này dường như "không chịu lớn"?

Lời toà soạn:

Những thông điệp trong Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đã thổi luồng sinh khí mới, tạo niềm tin và động lực cho khu vực này bứt phá. Các chủ trương được đưa ra rõ ràng, mạnh mẽ, đi thẳng vào những điểm nghẽn cốt lõi đã tồn tại suốt nhiều năm qua.

Tuy nhiên, từ chủ trương đến thực tiễn còn một khoảng cách không nhỏ. Cần thêm những hành động cụ thể, từ cải cách thủ tục hành chính đến các chính sách đủ mạnh để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển thực chất, bền vững.

VietNamNet ghi nhận ý kiến từ người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp và chuyên gia về kỳ vọng cũng như kiến nghị nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 68 trong thời gian tới.

Ngại 'cởi áo' hộ kinh doanh

Xưởng may gia công của bà Nguyễn Thị Lan (Nam Định) có 5 lao động, phần lớn là người thân trong gia đình. Mỗi tháng, xưởng may này xuất đi hàng nghìn sản phẩm, mang lại thu nhập trung bình mỗi lao động từ 6-8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đây vẫn là hộ kinh doanh cá thể. 

Bà Lan cho biết: "Gia đình tôi làm nghề này đã hơn 10 năm. Thu nhập đủ sống, cũng có của ăn của để. Giờ bảo lên doanh nghiệp, tôi thấy khá phức tạp. Nào là sổ sách kế toán, báo cáo thuế định kỳ, rồi còn các loại bảo hiểm cho người lao động nữa. Mình quen làm ăn kiểu gia đình, tự do rồi, giờ không muốn bị ràng buộc".

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hải, chủ một cửa hàng tạp hóa tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), chia sẻ: “Cửa hàng của tôi thường bán cho khách quen, doanh thu ổn định. Quy mô cửa hàng chưa lớn đến mức cần phải thành lập công ty. Thuế khoán giờ cũng hợp lý, mình cứ đóng đủ là xong". 

Nếu lên doanh nghiệp, tôi phải thuê kế toán, làm báo cáo tài chính, đóng thêm nhiều loại thuế... mà chưa chắc kiếm được nhiều hơn. Buôn bán nhỏ lẻ thế này thấy ổn định hơn”.

Theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 30% vào GDP và tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động, đặc biệt trong khu vực phi chính thức. 

Báo cáo khảo sát của Cục Thống kê giai đoạn 2021-2023 cho hay, doanh thu trung bình hàng năm của một hộ kinh doanh dao động từ 300-500 triệu đồng. Đáng chú ý, một bộ phận không nhỏ, đặc biệt trong các lĩnh vực như ăn uống, bán lẻ và sản xuất nhỏ, có khả năng đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Cục Thuế mới đây cập nhật số liệu mới nhất cho thấy, cả nước hiện có khoảng 37.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, các hộ này sẽ phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế từ ngày 1/6. Đây chính là nhóm đối tượng hoàn toàn có đủ khả năng chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp vẫn còn rất thấp. Phần lớn các hộ này hoạt động với quy mô nhỏ, vốn hạn chế, nhân lực mỏng, thiếu kỹ năng quản trị và khả năng tiếp cận công nghệ. 

Thêm vào đó, chưa hình thành thói quen lập kế hoạch tài chính và kê khai thuế, dẫn đến tâm lý e ngại trước những yêu cầu cao hơn về tính minh bạch và tuân thủ pháp lý khi trở thành doanh nghiệp. Không ít chủ hộ vẫn giữ tư duy "ăn chắc mặc bền", ngại thay đổi và chưa thực sự nhìn thấy rõ những lợi ích từ việc chuyển đổi mô hình.

Trao đổi với PV VietNamNet, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược), cho rằng, cơ chế thuế khoán hiện tại cùng với việc kiểm soát doanh thu chưa thực sự hiệu quả khiến nhiều hộ kinh doanh cảm thấy mô hình hiện tại phù hợp hơn và do dự trong việc chuyển đổi.

Khi chuyển đổi, các hộ kinh doanh cá thể sẽ phải tuân thủ đầy đủ chế độ tài chính kế toán áp dụng chung cho doanh nghiệp, bất kể quy mô. "Đối với các hộ kinh doanh có quy mô rất nhỏ, nếu có quy định áp dụng chế độ kế toán đơn giản, thuận tiện hơn, phù hợp với từng quy mô doanh nghiệp, sẽ tạo động lực lớn hơn cho họ chuyển đổi," bà Nguyễn Minh Thảo nói. 

Bà đánh giá, với hệ thống kế toán phức tạp như hiện nay, ít hộ kinh doanh cá thể mặn mà với việc lên doanh nghiệp, trừ khi việc chuyển đổi là bắt buộc để đáp ứng các yêu cầu như phát hành hóa đơn điện tử hay tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế.

Một yếu tố khác được bà Thảo đề cập là công tác thanh tra, kiểm tra. Khi hoạt động chuyên nghiệp hơn dưới mô hình doanh nghiệp, tần suất thanh tra, kiểm tra từ các cơ quan quản lý nhà nước cũng có xu hướng tăng lên.

Trong khi đó, chính sách ưu đãi thuế hiện hành, như giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, chưa đủ sức hấp dẫn. "Chỉ khi nào tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, đặc biệt là cơ chế kế toán đơn giản, thủ tục dễ thực hiện thì các hộ kinh doanh mới sẵn sàng chuyển sang mô hình doanh nghiệp", bà Thảo khẳng định.

Từng bước gỡ nút thắt

Luật sư Trần Vi Thoại, Giám đốc Công ty Luật IBLegal Việt Nam, nhận xét, các hộ kinh doanh cá thể thường lựa chọn mô hình phù hợp với quy mô nhỏ, vốn ít, nhân sự gọn nhẹ, phục vụ trong phạm vi địa phương và không có nhu cầu mở rộng hay kêu gọi vốn đầu tư. 

“Không ít hộ còn thiếu kiến thức pháp lý và kỹ năng quản lý doanh nghiệp, lo ngại việc chuyển đổi sẽ dẫn đến khó khăn trong vận hành và dễ vi phạm pháp luật. Với những hộ đang hoạt động ổn định, họ chưa thấy rõ lợi ích cụ thể hay chính sách hỗ trợ thiết thực từ việc chuyển đổi,” luật sư Thoại phân tích.

Để khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể mạnh dạn chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, ông Thoại cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ và thiết thực.

Bà Nguyễn Minh Thảo đề xuất, cần xem xét loại bỏ hình thức thuế khoán và xây dựng các quy định riêng biệt, phù hợp hơn về kế toán cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng. 

Bà Thảo cho hay, khi chuyển đổi thành công, các doanh nhân sẽ hoạt động trong một môi trường chính thức và chuyên nghiệp hơn, nâng cao năng lực quản trị, mở rộng thị trường, thúc đẩy sáng tạo và thu được lợi ích lớn hơn. "Sự chuyển đổi đó không chỉ tốt cho hộ kinh doanh mà còn mang lại lợi ích chung cho cả khu vực kinh tế tư nhân", bà nói.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, việc thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp là giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu có thêm 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. 

Để quá trình này diễn ra mạnh mẽ hơn, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị cần xây dựng một môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch cùng hệ sinh thái kinh doanh đồng hành với hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi và phát triển bền vững. 

Cụ thể, cần một hệ thống giải pháp tổng thể với ba yếu tố chính: khuyến khích, hỗ trợ và đơn giản hóa, bao gồm các gói ưu đãi thuế trong 1-3 năm đầu sau chuyển đổi (miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp), hỗ trợ chi phí hóa đơn điện tử và cấp vốn tín dụng ưu đãi, cùng với việc miễn lệ phí môn bài và giảm chi phí đăng ký kinh doanh.

Nếu được gỡ bỏ rào cản thể chế, hộ kinh doanh cá thể hoàn toàn có thể trở thành lực lượng doanh nghiệp năng động, đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân và tăng trưởng bền vững.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy chính sách mạnh mẽ có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2023, Thái Lan có 45% hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp sau 5 năm hoạt động nhờ chính sách miễn thuế 3 năm đầu và hỗ trợ đào tạo quản trị miễn phí.

Hay tại Malaysia, tỷ lệ chuyển đổi đạt 38%, với thủ tục đăng ký trực tuyến chỉ 1 ngày và vay vốn ưu đãi lãi suất 0% cho doanh nghiệp mới.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn