Nhảy đến nội dung
 

Vesak 2025: Bếp ăn 'khổng lồ' quy tụ 1.200 tình nguyện viên, phục vụ người dân miễn phí

Từ ngày 3 - 8.5, bếp ăn 'khổng lồ' vận hành liên tục, dự tính sẽ phục vụ gần 200.000 phần ăn, nước uống miễn phí cho người dân đến chiêm bái xá lợi Phật trong khuôn khổ đại lễ Vesak 2025.

Những ngày qua, đông đảo tăng ni, phật tử và người dân đến chùa Thanh Tâm (H.Bình Chánh, TP.HCM) xếp hàng chờ chiêm bái xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rất cảm động trước sự chuẩn bị chu đáo của ban tổ chức.

Ngoài ghế ngồi chờ, bạt che nắng, che mưa, đội ngũ tình nguyện viên cũng phát tận tay mọi người những phần ăn, nước uống miễn phí.

Để làm được điều này, hơn 1.200 người đã "trực chiến" 24/24 tại đây tất bật hậu cần ẩm thực phục vụ đại lễ. Bếp ăn này do đại đức Thích Minh Phú, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó thường trực Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, Phó trưởng ban phụ trách ẩm thực phật tử đại lễ Vesak 2025 phụ trách.

Dấn thân phụng sự

Đại đức Minh Phú cho biết, Vesak không chỉ đơn thuần là một ngày lễ, mà còn là dịp để mỗi người lắng lòng, chiêm nghiệm về cách chúng ta đã sống và đối đãi với thế giới xung quanh, từ đó thúc liễm thân tâm, trở về với bản tính thiện lành vốn có. Hưởng ứng thông điệp của đại lễ năm nay, đồng thời để thể hiện lòng yêu thương đối với mọi sinh mệnh, bếp ăn Vesak sử dụng các vật dụng như tô, hộp và ly được làm từ giấy, hạn chế tối đa việc dùng các sản phẩm nhựa.

Với lợi thế "sân nhà" và kinh nghiệm nấu gần 2 triệu suất ăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại TP.HCM, bếp ăn do đại đức Thích Minh Phú phụ trách đã thành thạo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cường độ làm việc cao liên tục ngày đêm.

"Khi đối mặt với bất kỳ khó khăn hay thử thách nào, mọi thành viên đều phối hợp nhịp nhàng với nhau trên nền tảng của sự thấu hiểu và lòng từ bi, tất cả vì sự thành công chung của đại lễ lần này", đại đức chia sẻ.

Vị đại đức luôn tâm niệm "món ăn chay cũng là một phương tiện để hoằng pháp" nên dù đối mặt với áp lực về thời gian hay khối lượng công việc, các tình nguyện viên của bếp luôn được đại đức nhắc nhở slogan "Dấn thân giúp đời - Vì người phụng sự" - xem việc phụng sự chúng sanh là cách thiết thực nhất để cúng dường chư Phật.

"Tôi thường chia sẻ với tình nguyện viên rằng, hãy luôn mỉm cười, giữ cho thân và tâm cùng hiện diện trong từng khoảnh khắc. Chỉ khi đó, những món chay mà chúng ta nấu mới thật sự là món ăn ngon – đậm đà hương vị yêu thương, và ẩn chứa trọn vẹn tinh thần từ bi cùng triết lý ăn chay của Phật giáo", đại đức Thích Minh Phú tâm sự.

Xúc động vì được góp sức

Những người tham gia bếp ăn Vesak xuyên suốt từ ngày 3 – 8.5 là tình nguyện viên của Hội từ thiện chùa Tường Nguyên, bếp trưởng của một số nhà hàng chay mặn nổi tiếng trên địa bàn thành phố phục vụ tăng ni, phật tử cùng người mến mộ đạo Phật trong và ngoài nước.

Theo đại đức Minh Phú, với những người con Nam bộ hào sảng, đây không chỉ là niềm vinh dự, mà còn là cơ hội để phát huy bản sắc văn hóa vùng miền, đưa vào từng món ăn, thức uống cả tấm lòng chân thành, mộc mạc và đầy nghĩa tình của người miền Nam.

Với quy mô lớn như đại lễ Vesak, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt, cần được quản lý chặt chẽ. Do đó, ban tổ chức đã chia công tác ẩm thực thành ba khâu: chuẩn bị nguyên liệu, chế biến và ra món. Mỗi khâu đều được giao cho các thành viên giàu kinh nghiệm phụ trách. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khi hoàn thành món ăn, toàn bộ quy trình đều được lưu mẫu đầy đủ, bảo đảm truy xuất nguồn gốc khi cần thiết. Trong suốt quá trình sơ chế và chế biến, việc giám sát được thực hiện nghiêm ngặt; tất cả người tham gia đều phải tuân thủ quy định vệ sinh như: rửa tay, khử khuẩn, đeo găng tay, mũ chụp tóc và khẩu trang.

Danh sách các món ăn phục vụ trong suốt thời gian diễn ra đại lễ đã được ban phụ trách họp bàn, nghiên cứu kỹ lưỡng từ hơn một tháng trước. Việc xây dựng thực đơn tuân thủ nguyên tắc hài hòa khẩu vị chung, đồng thời đảm bảo sự đa dạng trong lựa chọn món ăn.

Phó trưởng ban phụ trách ẩm thực phật tử chia sẻ, những người tham gia vào bếp ăn Vesak đều là những người có tâm với đạo, mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé vào sự thành tựu của đại lễ. Do đó, mọi người trước sau như một, trên dưới đồng lòng, việc phân công nhiệm vụ diễn ra rất thuận lợi và hòa hợp. Mỗi lần bất đồng quan điểm, các tình nguyện viên lại nhắc nhau về mục tiêu chung đang hướng đến để mọi khác biệt hòa làm một, như tâm trở về đạo.

Tham gia điều phối trong bếp ăn, phật tử Nguyên Hạnh cho biết, với số lượng suất ăn mỗi ngày tuy có áp lực nhưng các tình nguyện viên đều vui vẻ, hào hứng vì được phụng sự, đóng góp công sức nhỏ bé vào thành công của đại lễ.

"Những ngày chuẩn bị cho đại lễ, chúng tôi gần như thức trắng nhưng rất xúc động vì được tham gia bếp ăn là cơ hội để mở tâm từ bi, hoan hỷ với mọi điều", phật tử Nguyên Hạnh bày tỏ.

Hối hả làm việc đến nửa đêm, anh Dư Âu Nhật Minh (25 tuổi) bộc bạch, so với việc nấu ăn từ thiện ở chùa, quy mô bếp ăn trong đại lễ Vesak áp lực hơn về cường độ, thời gian. "Dù vậy, tôi rất thích công việc này và cảm thấy may mắn khi được làm những việc giá trị, đóng góp phần nhỏ công sức của mình vào phục vụ đồng bào đến chiêm bái xá lợi và tham dự đại lễ", anh nói.