Vesak 2025: 87 bảo vật quốc gia Phật giáo Việt Nam lần đầu 'ra mắt' công chúng

Lần đầu tiên thông tin của 87 bảo vật quốc gia thuộc Phật giáo Việt Nam được giới thiệu công khai đến tăng ni, phật tử cũng như công chúng trong và ngoài nước.
Sáng 5.5, triển lãm văn hóa Phật giáo Việt Nam chính thức khai mạc tại khuôn viên đại lễ Vesak 2025. Điểm nhấn của triển lãm là thông tin 87 bảo vật quốc gia thuộc Phật giáo Việt Nam lần đầu được giới thiệu với người dân.
Triển lãm do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, mang chủ đề “Văn hóa Phật giáo Việt Nam: Ngôn ngữ - Pháp phục - Kiến trúc - Di sản”, giới thiệu các giá trị đặc trưng của Phật giáo Việt Nam bên cạnh tinh thần hội nhập, kết nối cùng văn hóa Phật giáo các nước trên thế giới.
Tại đây, công chúng được chiêm ngưỡng không gian tái hiện sinh động các yếu tố văn hóa Phật giáo như nghi lễ, pháp phục, nhạc cụ truyền thống, kinh sách, mộc bản, trà đạo, sắc phong, cùng hệ thống tranh ảnh, tư liệu quý hiếm.
Đặc biệt, lần đầu tiên thông tin của 87 bảo vật quốc gia liên quan đến Phật giáo, bao gồm tượng thờ, phù điêu, pháp khí, kinh sách cổ… được trưng bày và giới thiệu như những chứng tích sống động về vai trò của Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa Việt Nam. Các bảo vật phản ánh rõ dấu ấn của các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn trong tiến trình định hình bản sắc Phật giáo Việt Nam.
Là người phụ trách phần thiết kế mặt đất cho không gian triển lãm trong khuôn khổ đại lễ Vesak 2025, kiến trúc sư Đinh Việt Phương chia sẻ:
"Ngay từ đầu, ban tổ chức đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với kế hoạch chi tiết và yêu cầu cao về nội dung, đặc biệt là đối với 87 hiện vật thuộc danh mục bảo vật quốc gia được giới thiệu lần này. Vì hầu hết các bảo vật đều là nguyên gốc, không thể di chuyển ra khỏi chùa hay nơi lưu giữ, nên toàn bộ hiện vật tại triển lãm đều là bản mô phỏng hoặc ảnh chụp. Dù vậy, chúng vẫn thể hiện được đầy đủ giá trị tinh thần và nghệ thuật, giúp công chúng hiểu rõ hơn về di sản Phật giáo Việt Nam".
Theo ông Phương, điều khiến ông ấn tượng nhất là mô hình tái hiện tháp Phật tích, một công trình kiến trúc mang giá trị nghệ thuật và tâm linh sâu sắc. "Với những người nghiên cứu kiến trúc cổ như tôi, việc được phỏng dựng lại công trình này là một hạnh duyên. Nó cho thấy rõ trí tuệ và trình độ kỹ thuật của cha ông ta từ hàng nghìn năm trước", ông Phương nói.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác tại lễ khai mạc sáng 5.5 là sự hiện diện của đại kỳ Phật giáo lớn nhất thế giới, rộng 500 m2, được may theo đúng chuẩn quốc tế với 5 màu truyền thống (xanh - vàng - đỏ - trắng - cam).
Lá cờ có chiều dài 25,69 m, tượng trưng cho chiều dài lịch sử Phật giáo 2.569 năm, là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, từ bi và hòa bình đúng như chủ đề Vesak năm nay: "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững".