Nhảy đến nội dung

Vẫn lo khách đi nhầm nhà ga ở Tân Sơn Nhất, kéo theo nguy cơ trễ chuyến, lỡ chuyến

Từ 4h sáng 17-5, theo thông báo của sân bay Tân Sơn Nhất, Vietnam Airlines sẽ chính thức chuyển toàn bộ chuyến bay nội địa sang nhà ga T3. Các hãng bay còn lại vẫn tiếp tục khai thác tại nhà ga T1.

Trước đó, Vietnam Airlines đã khai thác thử nghiệm các đường bay TP.HCM - Hà Nội và TP.HCM - Vân Đồn tại T3 từ cuối tháng 4.

Tuy nhiên nhiều hành khách vẫn lo bị nhầm nhà ga khi đi lại, kéo theo nguy cơ trễ chuyến, lỡ chuyến và tạo áp lực không nhỏ lên hạ tầng kết nối giữa các nhà ga.

Trong thực tế có không ít hành khách nhầm lẫn, nhất là khi Pacific Airlines và Vasco cùng dùng mã chuyến bay VN với Vietnam Airlines.

Cần hoàn thiện hệ thống thông tin, biển chỉ dẫn

Ghi nhận của Tuổi Trẻ trong khoảng hai giờ tại điểm trung chuyển giữa các nhà ga cho thấy nhiều hành khách hối hả di chuyển vì đến nhầm nơi, kéo theo nguy cơ trễ chuyến, lỡ chuyến. Một số người lần đầu đi máy bay, thấy ký hiệu "T3" trên vé nhưng không rõ đây là nhà ga quốc nội, trong khi T1 và T3 cùng phục vụ nội địa và T2 phục vụ quốc tế.

Trong khoảng hai giờ có mặt tại điểm đón xe buýt trung chuyển giữa T3 và T1 - T2, chúng tôi chứng kiến hàng chục hành khách hối hả di chuyển vì... đi nhầm ga; nhiều người kéo vali cồng kềnh, vẻ mặt đầy lo lắng. 

Anh N.T.Bình (quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ trải nghiệm suýt lỡ chuyến bay từ TP.HCM đi Cam Ranh (Khánh Hòa) vì cứ đinh ninh rằng Vietnam Airlines đã chuyển toàn bộ chuyến bay nội địa sang nhà ga T3.

Do vậy anh Bình đã tới thẳng ga mới, thong thả làm thủ tục rồi tranh thủ dạo một vòng tham quan nhà ga khang trang, rộng rãi. "Đến lúc vào cửa an ninh, nhân viên mới nói chặng Cam Ranh vẫn khởi hành từ T1 và yêu cầu tôi chạy ngay sang bên đó. Lúc đó tôi mới tá hỏa. Phải thuê xe dịch vụ đi vòng về T1, may mà kịp giờ lên máy bay" - anh Bình kể lại.

Trong khi đó, anh T.T.Dũng (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết hệ thống bảng chỉ dẫn tại nhà ga T3 vẫn còn nhiều bất cập khiến anh cũng suýt lỡ chuyến. Khi chạy xe máy vào khu vực nhà ga, thấy bảng hướng dẫn vào bãi gửi xe máy nên anh đi theo lên cầu vượt.

Tuy nhiên đến nơi anh lại gặp thanh chắn cho thấy bãi gửi xe chưa xong và phải chạy hết cầu vượt mới quay xe đi tìm bãi gửi xe.

Theo anh Dũng, khi nhà ga chưa hoàn thiện cần tạm thời che hoặc dán lại những bảng chỉ dẫn chưa chính xác để tránh gây nhầm lẫn khiến khách mất thời gian. Ngoài ra anh cũng phản ảnh tình trạng hãng bay thay đổi cửa khởi hành nhưng không thông báo kịp thời, trong khi nhà ga T3 rộng lớn và nhiều tầng khiến hành khách lúng túng tìm đường di chuyển.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không - cho rằng để khắc phục tình trạng nhầm lẫn cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống biển chỉ dẫn, công bố minh bạch và nhất quán lịch khai thác tại các nhà ga, đồng thời tổ chức lại luồng di chuyển giữa các nhà ga một cách hợp lý hơn. "Điều này lẽ ra phải là ưu tiên hàng đầu trong một công trình hàng không hàng chục nghìn tỉ đồng", ông Tống nói.

Xe buýt trung chuyển cần thuận tiện hơn

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ trong khung giờ từ 13h đến 15h ngày 12-5, các tuyến xe buýt trung chuyển giữa nhà ga T3 - T2 - T1 tại sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động liên tục. Tuy nhiên việc bố trí chưa thực sự hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh lượng hành khách nhầm nhà ga vẫn còn nhiều, hành lý mang theo cồng kềnh và thời gian di chuyển không được tối ưu.

Một chuyến xe điện VinBus mang biển số 50H-808.xx xuất phát từ nhà ga T3, theo lộ trình vòng ra bên ngoài qua đường Phan Thúc Duyện - Hậu Giang - Trường Sơn mất khoảng 13 phút để đến nhà ga T2 trong điều kiện đường thông thoáng. Sau khoảng 10 phút dừng chờ khách, xe buýt mới tiếp tục đến nhà ga T1 - nơi có nhiều chuyến bay nội địa.

Do vậy nhiều hành khách phải kéo hành lý đi bộ thêm 300 - 500m từ T2 sang T1 thay vì chờ đến giờ xe chạy vì lo lỡ chuyến. Đáng chú ý vào khung giờ chiều, khi trời đổ mưa, tình trạng ùn ứ xe tại khu vực trạm thu phí nhà ga T3 càng trở nên nghiêm trọng.

Tuổi Trẻ ghi nhận xe buýt phải xếp hàng dài chờ qua trạm do chỉ có một làn thu phí được mở, khiến thời gian di chuyển từ T3 sang T2 kéo dài đến 18 - 20 phút, chưa tính thời gian chờ đợi. Chưa hết, nhiều hành khách phản ảnh hệ thống biển báo hướng dẫn vào nhà ga T3 vẫn còn nhỏ, khó quan sát.

Việc chỉ ghi "nhà ga T3" mà không thêm chữ nhà ga "quốc nội" khiến nhiều người, đặc biệt là hành khách đến từ các địa phương, dễ nhầm tưởng đây là nhà ga quốc tế hoặc không phân biệt rõ với T1, T2. "Lần đầu đi sân bay Tân Sơn Nhất sau khi T3 hoạt động, tôi cứ nghĩ T1 là quốc nội, T2 là quốc tế, còn T3 không rõ là gì. Bảng hướng dẫn thì nhỏ, đến nơi mới biết mình... đi nhầm ga" - một hành khách chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết đang theo dõi sát tình hình và sẽ có điều chỉnh phù hợp khi lượng khách tăng. Theo vị này, xe buýt trung chuyển giữa T3 và T1 mất khoảng 20 phút mỗi chuyến nhưng mới chỉ chạy một chiều. Khi nhu cầu di chuyển tăng, tần suất và số lượng xe buýt sẽ được điều chỉnh tương ứng.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn