Văn hóa nghệ thuật cổ vũ làm giàu

Tại phiên họp thứ 12 ngày 28-6 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính có phát biểu chỉ đạo.
Trong đó, Thủ tướng gợi mở phong trào thi đua nên khuyến khích sáng tác các tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị cao về những điển hình tiên tiến... thúc đẩy khí thế thi đua sôi nổi và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Gợi mở này đã nhận được sự hưởng ứng và bàn thảo từ các chuyên gia, những người làm văn hóa nghệ thuật để tìm giải pháp thực hiện.
"Doanh nhân làm giàu - Mảnh đất màu mỡ của điện ảnh"
Lâu nay đề tài làm giàu, lập nghiệp, tiểu sử doanh nhân... trong phim điện ảnh Việt Nam còn hiếm hoi, không thực sự lấy chủ đề này làm trọng tâm.
Các phim có thể đề cập về người giàu, sự giàu có nhưng không phải là hành trình vươn lên hay tấm gương lập nghiệp mà thường châm biếm, kể một câu chuyện bi kịch, khắc họa hố sâu ngăn cách giàu nghèo...
Tình trạng hiếm hoi này rất cần được cải thiện trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có sự phát triển vượt bậc trong mấy chục năm qua. Những doanh nhân với hành trình làm giàu và đóng góp cho xã hội cũng trở thành nhân vật điển hình trong xã hội.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nhận định: "Các nhà làm phim chọn một đề tài nào đó thường là khi họ quan tâm sâu sắc đến câu chuyện cần được kể. Có lẽ những năm qua họ chưa tìm được sự kết nối trong vấn đề này.
Khi khai thác về doanh nhân, họ sẽ khai thác sự giàu sang, sự khác biệt tầng lớp thay vì khai thác các doanh nhân gầy dựng sự nghiệp ra sao.
Đề tài về làm giàu, khởi nghiệp, doanh nhân có lẽ họ chưa nghĩ sẽ làm ra các phim ăn khách".
Theo anh, đề tài đó vẫn là "mảnh đất màu mỡ của điện ảnh". Các phim Trung Quốc hay phim truyền hình khai thác đề tài này rất hấp dẫn, khán giả xem say mê vì đó là đề tài người làm phim thấy thực sự kết nối.
"Tôi hy vọng sắp tới nếu có những câu chuyện đủ lớn, đủ truyền cảm hứng thì chắc chắn đề tài này sẽ rất mạnh. Đã có những bộ phim kinh điển trên thế giới về làm giàu, khai thác được sự phức tạp trong tâm lý con người.
Như phim Sói già phố Wall của Martin Scorsese không chỉ khai thác hình mẫu doanh nhân thành công có cuộc sống như thế nào mà còn đề cập đến sự tham vọng, ái kỷ, bất chấp để làm giàu..." - đạo diễn nói.
Trịnh Đình Lê Minh cho rằng nếu chọn được câu chuyện thực sự hay, nó sẽ không chỉ có ý nghĩa về mặt nghệ thuật hay thu hút khán giả mà còn là những bộ phim khai thác được bản chất con người một cách sâu sắc. Đó không chỉ là những câu chuyện lập nghiệp hay khởi nghiệp thành công mà còn cả những mặt trái nữa.
Trả lời Tuổi Trẻ, nhà phê bình Lê Hồng Lâm lấy ví dụ riêng về chứng khoán, điện ảnh Mỹ đã có hàng loạt phim rất hay.
Mới đây, series truyền hình Mad Unicorn của Thái Lan cũng là một ví dụ rất hay cho Việt Nam nếu muốn làm phim về khởi nghiệp hay doanh nhân.
Lê Hồng Lâm nói: "Tôi nghĩ phim Việt khi khai thác một ngành nghề nào đó, cách làm đều rất hời hợt và lớt phớt. Đây sẽ là cái khó và trở ngại lớn nhất khi làm phim về làm giàu, doanh nhân hay kinh doanh nói chung.
Phim ảnh cần đào sâu vào ngành nghề khai thác chứ không nên dừng ở minh họa. Phải cho khán giả thấy những thách thức, những trả giá và những bài học sâu sắc nhất của giới doanh nhân, như thế mới hút được khán giả".
Còn Trịnh Đình Lê Minh đúc rút: "Khán giả xem phim cần tìm được sự cảm thông, hiểu được tại sao mọi thứ lại dẫn đến như vậy, thay vì chỉ là những người đứng ngoài nhìn vào các số phận và hành trình làm giàu".
Mở cuộc vận động sáng tác
Trong lĩnh vực sân khấu, rất hiếm có vở diễn đề tài khắc họa những nhân vật, doanh nhân điển hình về việc làm giàu.
Ông Trần Ngọc Giàu, chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, bày tỏ đây là đề tài khó nhằn của sân khấu và rất nhiều người ngại làm đề tài này vì nếu làm không hay sẽ khô khan, một chiều, chông chênh trong việc tìm kiếm được một điển hình thực sự làm giàu chân chính.
Soạn giả Hoàng Song Việt nói hầu hết tác giả đều là người rất dở làm kinh tế nên khi muốn viết đề tài này họ mất sức tìm hiểu nhiều hơn để viết cho chính xác, chân thực. Khi đã tốn công, tốn sức viết ra rồi thì nơi nào sẽ sử dụng?
Đa phần những đề tài dạng này chỉ sử dụng được ở các đơn vị nghệ thuật nhà nước, tư nhân sẽ không mặn mà vì khó bán được vé.
Mà trong các cuộc liên hoan, đề tài các đơn vị nhà nước đem đến thường vẫn là những cuộc chiến chống tham nhũng, còn câu chuyện về những doanh nhân, cá nhân làm giàu vẫn cực kỳ hiếm, nếu có cũng chưa tạo được dấu ấn.
Đạo diễn Phan Quốc Kiệt, giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, chia sẻ thường dạng đề tài này vài đài truyền hình có làm nhưng chỉ dừng ở các bài ca cổ lẻ, trích đoạn cải lương chứ trọn vở thì chưa thấy và cũng chỉ dừng ở việc nói chung chung.
Ông Việt lưu ý nếu có, thường tác giả chỉ xây dựng nhân vật hư cấu, có bóng dáng một chút nào đó của nguyên mẫu ngoài đời thật chứ không được trọn vẹn.
Ông Giàu gợi mở xây dựng những điển hình làm giàu cũng nên là đề tài sân khấu. Tuy nhiên chúng ta cần cân nhắc chọn hình mẫu, đó là những con người biết vượt khó vượt lên, có một ý chí cao, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn biết nghĩ, biết đóng góp, xây dựng cho cộng đồng: "Như vậy những điển hình đó mới sống động, giá trị, có sức thuyết phục và chạm đến trái tim khán giả".
Còn ông Hoàng Song Việt nghĩ rằng nếu chúng ta muốn đẩy mạnh khai thác đề tài này ở sân khấu thì nên tổ chức một cuộc vận động sáng tác để tạo sự chú ý, khuyến khích các tác giả tìm hiểu và tham gia, từ đó hy vọng có những tác phẩm hay, có những nhân vật truyền cảm hứng để khán giả, người dân có thêm động lực làm giàu một cách chân chính, vừa ích nước vừa lợi nhà.