Vạch trần bẫy đầu tư tiền tỉ của Phó Đức Nam với các “chuyên gia tư vấn” từ Campuchia

Phó Đức Nam vận hành đường dây lừa đảo với hơn 1.000 nhân viên và 40 văn phòng khắp cả nước.
Ngày 8-5, TAND TP Đà Nẵng xét xử bị cáo Phùng Văn Quyết (SN 1993, trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Phùng Văn Quyết là một trong những quản lý cấp trung tham gia hệ thống lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế quy mô lớn, hoạt động tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Theo cáo trạng, từ năm 2018 đến tháng 10-2024, Phó Đức Nam (SN 1994, trú TP Vũng Tàu) cùng Lê Khắc Ngọ (SN 1990, trú Hà Nội) lập hệ thống lừa đảo qua các sàn giao dịch như Soho Markets, dưới hình thức đầu tư vào chứng khoán quốc tế, kim loại quý và tiền tệ.
Cả hai thuê hơn 40 văn phòng tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và nhiều địa phương khác với khoảng 1.000 nhân viên trong và ngoài nước. Tại Đà Nẵng, có 6 văn phòng hoạt động trong thời gian từ năm 2023 đến tháng 10-2024.
Phó Đức Nam giữ vai trò chủ mưu, đồng thời phân công Lê Khắc Ngọ phụ trách toàn bộ hoạt động nhân sự và điều hành các văn phòng tại Việt Nam. Hệ thống quản lý trung gian được thiết lập theo mô hình chuỗi, với nhiều quản lý cấp dưới phụ trách từng địa phương, từng sàn.
Nam và Ngọ giao Phùng Văn Quyết và Trịnh Văn Thái (SN 1986) phụ trách hoạt động lừa đảo tại văn phòng đặt tại tòa nhà chợ siêu thị Nguyễn Kim (số 46 Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê). Quyết chịu trách nhiệm điều hành, tuyển dụng, chỉ đạo nhân viên tiếp cận, lôi kéo nạn nhân nạp tiền đầu tư vào sàn Soho Markets.
Thủ đoạn lừa đảo được thiết kế tinh vi như nhân viên giả làm nhà đầu tư đăng các "bill" chuyển tiền giả lên nhóm mạng xã hội, tạo lòng tin cho nạn nhân.
Để che mắt cơ quan chức năng, Nam, Ngọ, Thái và các đối tượng trong bộ phận chuyên gia không cư trú tại Việt Nam mà lưu trú tại Campuchia, Thái Lan, Dubai.
Chúng sử dụng Zalo, Telegram đăng ký từ số thuê bao không chính chủ để liên lạc với bị hại. Đồng thời mua lại các tài khoản ngân hàng đứng tên các công ty ma để luân chuyển dòng tiền tránh bị truy vết.
Khi nạn nhân nạp tiền, tài khoản được làm giả có lời để dụ tiếp tục đầu tư. Nếu không nạp thêm, hệ thống kỹ thuật sẽ can thiệp tăng phí qua đêm, khiến tài khoản nhanh chóng lỗ nặng và bị khóa.
Trường hợp bị hại điển hình là ông Nguyễn Trọng K. (SN 1981, trú tỉnh Đắk Lắk), bị Quyết và đồng phạm lừa đầu tư hơn 5 tỉ đồng.
Ban đầu, ông K. được Quyết mời vào nhóm Zalo có tên "16.LK GIẢI PHÁP ĐẦU TƯ" để tư vấn đầu tư cổ phiếu Pfizer trên sàn Soho Markets. Sau những lần rút tiền thành công ban đầu để tạo lòng tin, ông K. tiếp tục nạp tổng cộng hơn 5 tỉ đồng, rồi mất trắng vì các lệnh âm và bị khóa tài khoản.
Ngày 16-11-2023, khi đang gặp ông K. tại một quán cà phê ở Đà Nẵng, Quyết bị Công an phát hiện và đưa về trụ sở làm việc.
Tổng số tiền lừa đảo mà Quyết cùng đồng phạm chiếm đoạt của ông K. là hơn 5 tỉ đồng. Dù chưa nhận khoản hoa hồng 1% tương đương 50 triệu đồng, Quyết được xác định có vai trò chủ chốt tại văn phòng, hưởng lương 20 triệu đồng/tháng.
Tại phiên tòa, HĐXX nhận định đây là vụ án lừa đảo có tổ chức, quy mô lớn, phương thức tinh vi, mang tính xuyên quốc gia.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt Phùng Văn Quyết mức án 8 năm tù.