Vaccine hỗ trợ phòng bệnh biến chứng viêm tai giữa - Báo VnExpress

ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh do virus, vi khuẩn xâm nhập vào khoảng trống phía sau màng nhĩ gây nên. Các chấn thương khi lấy ráy tai, tai nạn, nhiễm nấm, bơi lội... cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Bác sĩ Phượng nêu các tác nhân virus, vi khuẩn thường gặp gây viêm tai giữa có thể phòng ngừa bằng vaccine như sau:
Virus cúm, sởi
Cúm, sởi là hai bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, dễ lây qua đường hô hấp. Virus xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, họng. Vòi nhĩ nối tai giữa và mũi, có vai trò điều hòa áp suất, dẫn lưu dịch. Nếu cơ thể không có đủ kháng thể chống lại, virus có thể di chuyển từ mũi, họng đến vòi nhĩ, gây ra viêm tai giữa.
Khi bị viêm tai giữa, trẻ sẽ bị sốt, đau đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau tai, ù tai, nghe kém, tai có mùi hôi và chảy dịch. Tình trạng nhiễm trùng, viêm và làm mủ trong tai, có thể lây sang các mô lân cận, gây viêm xương chũm có mủ. Nhiễm trùng tai giữa nghiêm trọng cũng có thể lây lan sang các mô khác trong hộp sọ, bao gồm não hoặc các màng bao quanh não, dẫn đến viêm não, màng não.
Vi khuẩn phế cầu, Hib
Vi khuẩn phế cầu, Hib thường trú ở mũi, họng và đường thở của con người. Khi gặp điều kiện thuận lợi như hệ miễn dịch suy giảm, trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, hai vi khuẩn này có thể xâm nhập vòi nhĩ gây bệnh viêm tai giữa.
Khi bị viêm tai giữa do vi khuẩn gây ra, trẻ sẽ sốt cao, quấy khóc, chán ăn, bỏ bú, có biểu hiện dụi tai, tiêu chảy, tai chảy dịch có mùi... Ngoài ra, Hib và phế cầu thường trú ở vùng hầu họng có thể nhân cơ hội tấn công, bội nhiễm gây viêm tai giữa tăng nặng tình trạng bệnh nếu có tổn thương ở đường hô hấp trên.
Theo bác sĩ Phượng, bệnh do phế cầu khuẩn và vi khuẩn hib dễ lây lan qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mang vi khuẩn qua hành động hắt hơi, ho, nôn... hay dùng chung đồ cá nhân.
Cách phòng bệnh
Vaccine cúm, phế cầu, Hib, sởi cho trẻ có thể phòng bệnh, ngăn biến chứng viêm tai giữa.
Với sởi, hiện Việt Nam có các loại vaccine phòng sởi như mũi sởi đơn MVVAC (Việt Nam); loại phối hợp sởi - rubella (MRVAC), hai loại phối hợp 3 trong 1 sởi - quai bị - rubella Priorix (Bỉ) và MMR II (Mỹ). Hiệu quả phòng bệnh của vaccine lên đến 98%.
Vaccine cúm giúp phòng các chủng virus phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, và hai chủng cúm B. Trong đó, loại của Pháp, Hà Lan và Hàn Quốc tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Loại của Việt Nam tiêm cho người từ 18 đến 60 tuổi. Vaccine cúm cần nhắc lại một mũi hằng năm để cập nhật với chủng cúm lưu hành theo khuyến cáo của WHO và củng cố kháng thể suy giảm theo thời gian.
Đối với phế cầu, hiện có hai loại vaccine phòng các chủng vi khuẩn gây viêm tai giữa gồm Synflorix (Bỉ) phòng 10 chủng phế cầu tiêm từ 6 tuần tuổi đến dưới 6 tuổi và Prevenar 13 (Mỹ) phòng 13 chủng phế cầu, tiêm từ 6 tuần tuổi đến người lớn. Tùy độ tuổi, mỗi loại có số mũi tiêm khác nhau. Để bảo vệ rộng hơn trước các chủng vi khuẩn phế cầu gây các bệnh xâm lấn như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, từ 2 tuổi, trẻ nên tiêm thêm vaccine phòng 23 chủng phế cầu Pneumovax 23.
Vaccine phòng vi khuẩn Hib có loại vaccine đơn giá dành cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 15 tuổi và phối hợp như 5 trong 1 và 6 trong 1, tiêm sớm nhất từ 6 tuần tuổi, hoàn thành trước 2 tuổi.
Ngoài vaccine, cha mẹ nên phòng bệnh viêm tai giữa cho trẻ bằng vệ sinh mũi họng đúng cách, cung cấp đủ chất dinh dưỡng, cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc để tăng cường sức đề kháng và giúp trẻ thường xuyên vận động để nâng thể trạng. Khi trẻ có các biểu hiện bệnh, cha mẹ cần đưa đi khám sớm, không tự điều trị tại nhà, hoặc điều trị theo mẹo dân gian.
Linh San