Ước nguyện đi tới ngày hạnh phúc

Tháng 1.1971, tôi lên đường vào chiến trường Nam bộ (B2), đón tết trên Trường Sơn. Hành quân liên tục 4 tháng trên Trường Sơn, tôi đã có một ước nguyện của mình.
Đó là mình vào Nam bộ trên đường Hồ Chí Minh, nhưng sẽ ra lại Hà Nội bằng đường số Một (quốc lộ 1). Dĩ nhiên, nếu mình may mắn sống sót qua chiến tranh. Đó là ước nguyện về một ngày thống nhất, ngày hòa bình. Nói thật, ngày vào chiến trường, tôi cũng không thể biết được bao giờ thì tới ngày thống nhất, bao giờ thì mình trở ra Hà Nội, về nhà cha mẹ mình bằng đường số Một.
Vâng, đó không chỉ là ước nguyện của riêng tôi, đó là ước nguyện của toàn dân tộc. Để đi tới ngày hạnh phúc ấy, tôi đã trải qua 5 năm ở chiến trường. Sau khi vượt 2.000 cây số trên Trường Sơn - núi, tôi lại mất một tháng rưỡi băng qua Đồng Tháp Mười, mà tôi gọi là Trường Sơn - nước, để xuống chiến trường nam lộ bốn Cai Lậy, Mỹ Tho:
"Có một đêm băng giữa Tháp Mười
vầng sáng ấy lần đầu tiên tôi gặp
lần đầu tiên tôi được nhìn tận mắt
đích tới của hành trình khao khát mấy mươi năm
lúc bấy giờ tôi chưa biết về em
nhưng tôi hiểu Sài Gòn chính là vầng sáng đó
bè bạn tôi nhiều đứa đã làm thơ đã ngã xuống trước khi nhìn thấy nó
sao lúc bấy giờ tôi chưa biết về em
dù ở đâu ta vẫn đi trên đường phố nối dài thêm
đường Nguyễn Du chảy từ nguồn Hà Nội
em có chờ tôi nơi cuối đường trông đợi
nơi bè bạn siết tay nhau ngày đoàn tụ với mặt trời"
(thơ tôi)
Ngày đó, chúng tôi vẫn hồn nhiên, chân tình nhưng lãng mạn lắm.
Với một phóng viên chiến trường, một người làm thơ trẻ, thì những trải nghiệm 5 năm ở chiến trường vô cùng quý giá. Bây giờ nghĩ lại, đó là thời thanh xuân đẹp nhất của tôi. Những gì tôi làm được trong và sau chiến tranh, đều khởi nguồn từ những bước chân đầu tiên trên Trường Sơn gian khổ.
Với thế hệ thanh niên chúng tôi hồi đó, đi chiến trường cơ bản là tự nguyện. Tôi là con một, theo chính sách thì không phải đi chiến trường, nhưng tôi đã xin đi cho bằng được. Khát vọng được đóng góp cho cuộc chiến đấu thống nhất đất nước là khát vọng chung của cả thế hệ, với riêng tôi còn có khát vọng là đi chiến trường để được làm thơ, để những bài thơ mình viết ra có sức nặng của cuộc chiến khốc liệt mà mình trực tiếp tham dự.
Tôi đã thực hiện được cả hai khát vọng ấy. Và khát vọng non sông liền một dải đã được tôi thể hiện trong thơ mình:
"Ngày dân tộc tụ về đường số Một
lòng không nguôi thương
những cánh rừng này
nơi hàng vạn đứa con nằm lưng đèo cuối dốc
dọc theo lối mòn chìm khuất dưới tầng cây
nếu một ngày ta dựng những hàng bia
xin hãy đề: "nơi đây
những cuộc đời chưa bao giờ
yên nghỉ"
và trận gió lại cuốn trên nóc rừng
như cái gió mùa khô năm ấy"… (Những người đi tới biển)
Hàng triệu người con ưu tú của đất nước chúng ta khi vượt Trường Sơn vào chiến trường đã không còn cơ hội trở về lại gia đình mình bằng đường số Một nữa. Thơ giúp tôi nhớ lại những hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc ấy. Thơ tôi viết về những người lính bình thường, những người lính sống có tên nhưng khi chết thành vô danh, họ đã âm thầm đóng góp xương máu mình cho ngày Hòa bình - Thống nhất.
Trong những người lính đã hy sinh ấy, có những người là bạn tôi. Chúng tôi đã cùng hành quân trên Trường Sơn, đã chia sẻ từng miếng đường, từng hớp nước. Tôi vẫn còn nhớ, đúng ngày sinh nhật tôi tuổi 25, ở trạm 73 trên Trường Sơn, cơn sốt rét đầu tiên quật ngã tôi. Người bạn đã cho tôi hớp nước cuối cùng từ bi đông của anh, người bạn ấy đã ngã xuống ở cuối dãy Trường Sơn. Phần mộ của anh, tới bây giờ vẫn chưa tìm thấy.
Chúng tôi, những người còn sống sau chiến tranh, vẫn thường nói với nhau: "Chúng mình được sống tới bây giờ là được sống thêm". Nên đừng bao giờ "sống thừa". Cứ sống chân thành, ngay thẳng, vì nhân dân, vì đất nước. Mình sẽ sống thay cho các bạn mình đã hy sinh, những người bạn đầy năng lực, có bạn đầy tài năng, họ đã không còn cơ hội đóng góp cho đất nước mình, cho gia đình mình.
Khi tôi thực hiện được ước nguyện của mình, tôi không bao giờ dám quên ơn những người đã hy sinh, những người đã chịu phần thiệt thòi lớn nhất là không còn được sống trong hòa bình, thống nhất, trong khi họ đã đóng góp đời mình cho lý tưởng cao đẹp ấy.
Được sống trong hòa bình, nhưng cũng có những lúc thật buồn, tôi đã tưởng như mình đang cố quên những gì đã trải qua trong chiến tranh, đã từng, theo cách nói của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (vừa qua đời ngày 13.3.2025), là cố "quét" cuộc chiến tranh ra khỏi đời mình như kiểu người ta quét nhà mỗi sáng. Nhưng không được. Không thể được.
Cuộc chiến tranh ấy là một phần đời anh, có khi là phần đẹp đẽ nhất của đời anh, phần nhiều xúc cảm nhất, đau xót nhất nhưng cũng đáng tự hào nhất. Vậy thì cớ gì anh lại cố "quét" nó ra khỏi bộ nhớ của mình?
Kỷ niệm 50 năm ngày hòa bình thống nhất, ngày non sông Việt Nam liền một dải, ký ức đưa tôi đi ngược trở lại thời tuổi trẻ khi tham gia cuộc kháng chiến vệ quốc.
Tôi chỉ muốn nói với các bạn trẻ đã và đang tham gia xây dựng đất nước, đưa đất nước mình bước vào kỷ nguyên mới, rằng chúng tôi cũng đã có thời tuổi trẻ như các bạn, và chúng tôi đã cố gắng hoàn thành trách nhiệm mà Tổ quốc giao cho. Bây giờ trách nhiệm lớn lao xây dựng đất nước cường thịnh thuộc về các bạn.
Chúng ta hãy siết chặt tay nhau bằng lời hứa: Hãy quyết tâm đi tới đích!
Cơ hội mở ra cho thế hệ trẻ bây giờ thật rộng lớn, nhưng cũng đầy khó khăn và thách thức. Nhưng chúng ta là người Việt Nam, chúng ta biết kiên nhẫn, biết cố gắng hết mình, và trong hành trình dài, chúng ta biết cách đi tới đích để xứng đáng với đất nước mình, với dân tộc mình.
Tôi nghĩ, ước nguyện của các bạn trẻ bây giờ là như vậy.