Ukraine có động thái hiếm hoi, triệu tập nhà ngoại giao Mỹ vì bị 'ngắt' viện trợ vũ khí

Ngày 2-7, Ukraine triệu tập một nhà ngoại giao cấp cao tại Đại sứ quán Mỹ, sau khi Nhà Trắng bất ngờ dừng chuyển một số vũ khí có giá trị cao cho Kiev, giữa lúc Nga gia tăng các cuộc tấn công trong mùa hè.
Theo báo Financial Times, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã triệu tập phó trưởng phái đoàn ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine, ông John Ginkel, đến Bộ Ngoại giao Ukraine ở Kiev để thảo luận khẩn cấp về vấn đề viện trợ quân sự và hợp tác quốc phòng.
"Phía Ukraine đã nhấn mạnh rằng bất kỳ sự chậm trễ hay do dự nào trong việc hỗ trợ năng lực phòng thủ của Ukraine chỉ càng khuyến khích Nga tiếp tục cuộc chiến, cũng như khuyến khích các hành vi khủng bố, thay vì tìm kiếm hòa bình" - Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết.
Kiev khẳng định họ chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía Mỹ về việc ngừng chuyển vũ khí.
Hãng tin AFP bình luận việc triệu tập ông Ginkel là một bước đi ngoại giao hiếm hoi, vốn thường chỉ áp dụng với đối thủ, chứ không phải đồng minh thân thiết, giữa lúc vẫn chưa rõ việc cắt giảm sẽ ảnh hưởng ra sao đến Ukraine.
Hôm 1-7, Nhà Trắng cho biết họ sẽ dừng chuyển một số vũ khí quan trọng tới Ukraine mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã hứa hẹn, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về những gì sẽ bị cắt giảm.
Dưới thời Tổng thống Biden, Washington đã đi đầu trong việc hỗ trợ Ukraine, với việc Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hỗ trợ hơn 100 tỉ USD, trong đó có 43 tỉ USD vũ khí.
Về động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo các quan chức cấp cao Mỹ, trong số các loại vũ khí bị ảnh hưởng có các tên lửa đánh chặn dùng cho hệ thống phòng không Patriot, đạn pháo dẫn đường chính xác và tên lửa dành cho tiêm kích F-16 của Ukraine.
Các quan chức giải thích Nhà Trắng hành động như vậy vì lo ngại về khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ khi kho dự trữ đang quá ít.
Quyết định của Washington được cho là sẽ giáng đòn mạnh vào tinh thần của Ukraine giữa thời điểm bấp bênh đối với Kiev, khi họ đang phụ thuộc vào các vũ khí này để phòng không và hỗ trợ tiền tuyến.
Theo Financial Times, động thái này diễn ra chỉ ba ngày sau đợt không kích bằng tên lửa và máy bay không người lái lớn nhất của Nga kể từ đầu cuộc chiến - một bước leo thang mạnh mẽ càng khiến hy vọng kết thúc chiến tranh thông qua đàm phán trở nên mong manh hơn.
"Chúng tôi đã trông chờ vào nhiều hệ thống đó như đã được hứa hẹn. Điều đó ảnh hưởng đáng kể đến việc lập kế hoạch của chúng tôi" - một quan chức Ukraine tham gia hoạch định chiến lược quân sự nói, đồng thời lo ngại việc thiếu vũ khí sẽ khiến cơ sở hạ tầng dân sự dễ bị tấn công hơn.