Nhảy đến nội dung
 

Tỷ lệ gãy xương do loãng xương ở người trẻ gia tăng

Mỗi tháng, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) tiếp nhận hàng trăm trường hợp gãy xương liên quan đến loãng xương, trong đó có cả người trẻ ở độ tuổi dưới 30.

Các chuyên gia cảnh báo, loãng xương đang trở thành "kẻ giết người thầm lặng", không chỉ đe dọa người già mà cả giới trẻ có bệnh nền, lối sống thiếu lành mạnh.

Loãng xương không còn là "bệnh người già"

PGS-TS-BS Võ Thành Toàn, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết thực tế lâm sàng cho thấy nhóm người trẻ tuổi không nằm ngoài nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Tỷ lệ mắc loãng xương ở nam chiếm khoảng 7 - 8%, nữ chiếm khoảng 10%. Đặc biệt, loãng xương ở người trẻ thường liên quan đến các bệnh nền như suy thận, rối loạn nội tiết hoặc quá trình điều trị các bệnh mạn tính như ung thư.

"Trường hợp trẻ nhất mà chúng tôi tiếp nhận là bệnh nhân 29 tuổi bị gãy cổ xương đùi do loãng xương nặng. Những bệnh nhân bị suy thận mạn tính có nguy cơ loãng xương rất cao", bác sĩ Toàn nói.

Bác sĩ Toàn lưu ý, loãng xương không gây triệu chứng rầm rộ mà được ví như "kẻ giết người thầm lặng" trong tương lai. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2050, 1/3 người dân Việt Nam bị già hóa, đồng nghĩa với tỷ lệ loãng xương gia tăng.

"Cứ 100 người thì có 30 người trên 60 tuổi, trong đó 10 phụ nữ và 15 nam giới có nguy cơ hoặc đã mắc loãng xương", bác sĩ Toàn cho hay.

Bệnh nhân gãy xương do loãng xương có nguy cơ tử vong cao gấp 3 – 5 lần so với các trường hợp gãy xương thông thường. Một bệnh nhân nằm bất động sau gãy xương một ngày có thể bị tiêu xương bằng một tuần ở người bình thường.

Giải pháp điều trị loãng xương

Bác sĩ Toàn cho biết, điều trị loãng xương không thể chỉ trông chờ vào bác sĩ, mà cần có sự phối hợp của bệnh nhân và gia đình.

Để điều trị cho bệnh nhân bị loãng xương, bệnh viện phải huy động lực lượng liên khoa gồm: khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, khoa Nội cơ xương khớp, khoa Phục hồi chức năng, khoa Y học cổ truyền, khoa Chẩn đoán hình ảnh...

Mỗi bệnh nhân bị gãy xương do loãng xương được quản lý chặt chẽ từ khi nhập viện, chẩn đoán nguyên nhân, điều trị và phục hồi vận động để ngăn ngừa gãy xương tái phát.

"Mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 - 200 ca gãy xương có liên quan đến loãng xương. Chúng tôi gần như không bỏ sót ca nào, các khoa phải họp thường xuyên để rà soát và chẩn đoán quy trình", bác sĩ Toàn nói.

Bác sĩ Toàn khuyến cáo, sau khi điều trị gãy xương do loãng xương, bệnh nhân cần có lối sống lành mạnh, không nên uống nhiều rượu bia, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn, tắm nắng…

Hiện tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả như sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng tràn lan. Trong khi đó, nhiều người lại cho rằng, chỉ cần uống sữa là đủ để chống loãng xương. Tuy nhiên, theo bác sĩ Toàn, sữa chỉ là thực phẩm hỗ trợ điều trị loãng xương, không phải là giải pháp tối ưu.

"Thay vì chi nhiều tiền uống sữa, chúng ta có thể ăn các loại cá nhỏ, nhai cả xương. Làm như vậy còn có hiệu quả hơn việc uống sữa", bác sĩ nói.

Một số hình ảnh Bệnh viện Thống Nhất nhận các chứng nhận của tổ chức trong nước, quốc tế: