Tỷ giá tại Việt Nam ‘diễn biến lạ’

TPO - Chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế giảm gần 9% trong 4 tháng đầu năm, nhưng tỷ giá tại Việt Nam lại đi lên. Từ đầu năm tới nay, giá USD ở các ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 2,2%.
Giá USD tại Việt Nam liên tục tăng
Sáng 12/5, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 24.945 đồng/USD. Với biên độ giao dịch ±5% so với tỷ giá trung tâm, tỷ giá trần được áp dụng là 26.192 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.697 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 23.754 - 26.148 đồng/USD mua vào-bán ra.
Sáng nay, tại Vietcombank - ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống có giá USD niêm yết ở mức 25.790 - 26.150 đồng/USD mua - bán
Từ đầu năm tới nay, giá USD ở các ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 2,2%.
Diễn biến tăng của tỷ giá ở Việt Nam trái ngược với việc đồng USD trên thị trường quốc tế liên tiếp hạ nhiệt từ đầu năm tới nay. Hiện chỉ số đồng USD được giao dịch ở mức 100,4 điểm, giảm khoảng 9% so với mức đỉnh lập hồi đầu năm.
![]() |
Giá USD tại Việt Nam tăng trái ngược xu hướng giảm trên thế giới. |
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn, đa chiều và thay đổi nhanh chóng do diễn biến kinh tế - chính trị quốc tế khó lường. Đặc biệt là chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ, đồng USD quốc tế biến động nhanh, gây áp lực lên các đồng tiền.
"Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp các công cụ chính sách tiền tệ (điều tiết thanh khoản, lãi suất) và can thiệp khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời" - Ngân hàng Nhà nước nêu.
Dự báo tỷ giá cả năm tăng 3-4%
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích, dù tỷ giá USD/VNĐ tăng hơn 2% từ đầu năm đến nay, thấp hơn dự báo trước đó nhưng VNĐ vẫn đang mất giá so với USD và các đồng tiền khác trong khu vực lại tăng giá.
"VNĐ vẫn là đồng tiền yếu so với khu vực. Nhu cầu về cung cấp ngoại tệ cho hoạt động xuất nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm nay biến động mạnh hơn và câu chuyện liên quan đến găm giữ ngoại tệ, vàng… Đây là những lý do Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo trước Quốc hội. Thực tế, tỷ giá USD/VNĐ năm nay đang ở thế giằng co với nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực. Vì vậy, dự báo tỷ giá cả năm sẽ tăng khoảng 3-4%", ông Lực nói.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, lũy kế quý I năm nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 200 tỷ USD, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 103 tỷ USD, ước tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 100 tỷ USD, ước tăng 17%; cán cân thương mại 3 tháng đầu năm tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư, ước xuất siêu hơn 3,1 tỷ USD.
Trong khi đó, lượng kiều hối về TPHCM riêng trong quý đầu năm lên tới hơn 2,4 tỷ USD. Như vậy, theo giới phân tích, tỷ giá USD đầu năm chưa đáng quan ngại.
Để “ghìm” tỷ giá, thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá trung tâm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước xác định biên độ dao động hợp lý, công bố thông tin để phản ánh thực trạng cung cầu ngoại tệ và sức mạnh của đồng nội tệ.
Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục thực hiện những chính sách đẩy mạnh xuất khẩu hay tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn, từ đó giảm áp lực cho tỷ giá.
Dù biến động vẫn trong biên độ cho phép nhưng tỷ giá tăng mạnh thời gian qua cũng khiến nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hoặc sử dụng đồng USD để thanh toán sẽ chịu tác động tiêu cực.
Về nguyên tắc, tỷ giá USD tăng khiến doanh thu xuất khẩu khi được quy đổi sang đồng Việt Nam tăng, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi. Nhưng nếu VNĐ tiếp tục giảm giá so với USD không hẳn có lợi cho xuất khẩu mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, từ đó ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như: Mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi, bảo đảm cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học.