Tuyên bố chung Việt Nam - Nga

Tuyên bố chung được Bộ Ngoại giao công bố hôm nay, nhân dịp Tổng Bí thư Tô Lâm cùng phu nhân thăm chính thức Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng ngày 8-11/5, theo lời mời của Tổng thống Putin.
Tuyên bố chung có ba phần chính, điểm lại những thành tựu sau 75 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đề cập những định hướng lớn của quan hệ song phương và những định hướng lớn về hợp tác trên trường quốc tế, nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, tạo xung lực mới mạnh mẽ cho phát triển và nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga trong giai đoạn lịch sử mới.
Sau 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã đạt được những thành tựu quan trọng về mọi mặt, trong đó có đối thoại chính trị với độ tin cậy cao thông qua các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, đặc biệt là cấp cao.
Hợp tác quốc phòng - an ninh là lĩnh vực hợp tác truyền thống và là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Hợp tác kinh tế - thương mại không ngừng được thúc đẩy thông qua nhiều cơ chế và văn kiện hợp tác chung.
Hợp tác năng lượng - dầu khí là biểu tượng của sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước, với ngọn cờ đầu là Liên doanh Vietsovpetro tại Việt Nam và Liên doanh Rusvietpetro tại Nga. Hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ phát triển năng động, mang lại nhiều kết quả tích cực.
Hoạt động giao lưu nhân dân được quan tâm thúc đẩy. Hai bên cũng duy trì quan điểm gần gũi về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và các diễn đàn đa phương.
Liên quan những định hướng lớn về quan hệ song phương, hai bên cần tiếp tục tăng cường đối thoại chính trị thường xuyên và thực chất ở cấp cao và cấp cao nhất, nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có, mở rộng quan hệ giữa các Đảng chính trị, lãnh đạo các cơ quan lập pháp.
Hợp tác quốc phòng - an ninh tiếp tục là trụ cột quan trọng trong tổng thể phát triển quan hệ song phương, cần được thúc đẩy với độ tin cậy cao, hiệu quả để kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của tình hình hiện nay.
Hai bên khẳng định hợp tác trong lĩnh vực này không nhằm chống lại nước thứ ba, hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm an ninh và phát triển bền vững tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới nói chung.
Hai bên nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế, bảo đảm an toàn sinh học, mong muốn hoàn thiện cơ sở pháp lý song phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp liên quan đến tội phạm hình sự sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Việt - Nga nhấn mạnh cần đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại, trước hết là về thương mại, bảo đảm cân bằng cán cân thương mại và đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu không cạnh tranh trên thị trường của nhau. Hai bên cũng khẳng định cần mở rộng và đa dạng các lĩnh vực đầu tư của Việt Nam vào Nga và đầu tư của Nga vào Việt Nam, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi và ủng hộ để doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác trực tiếp.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp dầu khí, nâng cao hiệu quả các dự án hiện có và thúc đẩy triển khai những dự án mới, trong đó có việc Nga cung cấp, chế biến dầu thô và khí hóa lỏng cho Việt Nam.
Hai bên sẵn sàng nghiên cứu khả năng xây mới, hiện đại hóa các cơ sở điện năng hiện có. Lãnh đạo hai nước ủng hộ tạo điều kiện mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam tại Nga và các doanh nghiệp dầu khí Nga tại thềm lục địa Việt Nam.
Hai nước khẳng định tầm quan trọng của đẩy nhanh dự án hợp tác xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân ở Việt Nam, cũng như đào tạo sinh viên Việt Nam tại các cơ sở giáo dục Nga theo các ngành liên quan đến sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình.
Hai bên cũng nhấn mạnh cần thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, nhất trí khẩn trương đàm phán và ký kết các hiệp định về xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam.
Việt Nam và Nga thống nhất tăng cường hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trên các lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, giao thông - vận tải, đóng tàu và chế tạo máy, hiện đại hóa đường sắt, mở rộng các tuyến hành lang vận tải giữa hai nước để thúc đẩy giao thương và đầu tư.
Hai bên cũng ghi nhận tầm quan trọng của mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, củng cố hợp tác về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hai nước nhấn mạnh cần nâng cao hiệu quả những cơ chế hợp tác sẵn có trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thúc đẩy triển khai các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu trong những lĩnh vực ưu tiên giữa hai nước.
Hai bên ủng hộ tăng cường đào tạo nhân lực có trình độ cao, mở rộng hoạt động của mạng lưới các trường đại học Việt - Nga. Phía Nga bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam sử dụng hiệu quả số lượng học bổng cấp cho Việt Nam theo các chuyên ngành cần thiết cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Hai nước cũng nhất trí đẩy mạnh nghiên cứu, quảng bá và giảng dạy tiếng Việt tại Nga và tiếng Nga tại Việt Nam.
Việt - Nga sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực báo chí, tăng cường phối hợp ngăn chặn thông tin sai lệch và chiến dịch thông tin không thân thiện của các bên thứ ba.
Hai bên hoan nghênh mở rộng hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy giao lưu nhân văn, mở rộng hơn nữa hợp tác du lịch, thông qua tăng số lượng các chuyến bay thẳng thường lệ và chuyến bay thuê chuyến giữa hai nước, cũng như đơn giản hóa thủ tục đi lại cho công dân hai nước.
Phía Việt Nam thông báo sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trong đó có đào tạo nhân lực y tế và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế, cũng như trao đổi nội dung về công nhận Giấy chứng nhận cho các loại dược phẩm sử dụng trong y tế, được cấp bởi Nga và các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Hai bên khẳng định sẵn sàng tiếp tục trao đổi về vấn đề di trú, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Nga và cho công dân Nga tại Việt Nam.
Liên quan những định hướng lớn về hợp tác trên trường quốc tế, hai bên ủng hộ hình thành trật tự thế giới đa cực công bằng và bền vững, trên cơ sở các quốc gia tuân thủ đầy đủ và không tách rời quy định và nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi, để mở rộng cơ hội cho các quốc gia và tổ chức phát triển tự do và thành công, triển khai hợp tác quốc tế cùng có lợi, công bằng và tôn trọng lẫn nhau.
Hai bên khẳng định mọi quốc gia có quyền tự quyết định mô hình phát triển, thể chế chính trị, kinh tế và xã hội phù hợp với điều kiện đất nước và nguyện vọng của nhân dân. Hai nước không ủng hộ áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương không phù hợp với luật pháp quốc tế và không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua, cũng như sự chia rẽ dựa trên ý thức hệ.
Hai bên khẳng định nhất quán kết quả của Thế chiến II, được nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, cũng như phản đối mọi mưu toan làm sai lệch và xuyên tạc lịch sử Thế chiến II. Hai nước cũng nhất trí tiếp tục củng cố hợp tác trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, ủng hộ vai trò điều phối trung tâm của tổ chức này trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Việt Nam và Nga khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế đa phương khác, ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế và các cơ quan chấp hành liên quan.
Hai bên sẵn sàng thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, nỗ lực bảo đảm an ninh thông tin, an ninh lương thực, sẵn sàng hợp tác ứng phó các nguy cơ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI).
Hai nước tiếp tục phát triển hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và tài trợ khủng bố, ủng hộ nỗ lực quốc tế về kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Việt - Nga khẳng định tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục hợp tác trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia của Việt Nam và Nga. Phối hợp chặt chẽ nhằm đấu tranh với xu hướng chính trị hóa quyền con người, sử dụng vấn đề quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia.
Hai bên cho rằng cần tăng cường các nỗ lực chung nhằm xây dựng tại châu Á -Thái Bình Dương một cấu trúc bao trùm, mở và minh bạch về an ninh bình đẳng, không chia tách và hợp tác dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Hai bên phản đối việc chia rẽ cấu trúc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Việt Nam và Nga khẳng định tính phổ quát và toàn vẹn của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, là khuôn khổ pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển và đại dương và có vai trò chủ đạo trong phát triển hợp tác ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, nhấn mạnh cần duy trì tính toàn vẹn của Công ước.
Hai bên nhất trí phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và thương mại, ủng hộ kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Nga ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, hoan nghênh các nỗ lực nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Nga ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực tại châu Á -Thái Bình Dương. Hai bên cũng nhất trí tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Nga, ủng hộ tăng cường liên kết kinh tế khu vực và triển khai các sáng kiến kết nối liên khu vực.
Hai bên dự định mở rộng hợp tác xây dựng và cùng có lợi trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), vận hành trên cơ sở phi chính trị hóa và không phân biệt đối xử với trọng tâm là thúc đẩy và ủng hộ các sáng kiến chung.
Nga đánh giá cao lập trường cân bằng và khách quan của Việt Nam về vấn đề Ukraine, theo đó cần giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Nga cũng hoan nghênh Việt Nam sẵn sàng tham gia các nỗ lực quốc tế có sự tham gia của các bên liên quan, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình bền vững cho xung đột Ukraine.
Hai bên đánh giá việc Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ Việt - Nga.
Toàn văn tuyên bố chung Việt - Nga
Phạm Giang