Nhảy đến nội dung

Tương lai ‘mong manh’ của hơn 3 nghìn giáo viên hợp đồng tại Thanh Hóa

Cô giáo Hà Thị Hương cũng như hàng nghìn giáo viên hợp đồng 111 khác mong sớm ổn định để công tác. Ảnh: SK&ĐS.

Tâm trạng bất an đang bao trùm lên hàng nghìn giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111 tại Thanh Hóa khi thời điểm 31/5, ngày kết thúc hợp đồng đang đến gần.

Cô Hà Thị Hương, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý, huyện Mường Lát, cho biết cô vừa đến công tác ở trường đầu năm 2025 và hợp đồng sẽ kết thúc vào cuối tháng 5.

Tốt nghiệp Đại học Hồng Đức từ năm 2014, mười năm ròng rã làm công nhân nơi xứ người, cô Hương trở về Thanh Hóa với khát khao đứng trên bục giảng.

Gánh nặng gia đình với con nhỏ và chồng làm ăn xa càng khiến nỗi lo của cô thêm trĩu nặng. "Chúng tôi chỉ mong được ký tiếp hợp đồng để ổn định công tác và chờ đợi kỳ thi viên chức", cô Hương chia sẻ.

Cùng chung cảnh ngộ, thầy Chá Văn Pó, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Lý, cũng không giấu nổi sự lo lắng khi hợp đồng sắp hết hạn.

Tốt nghiệp ngành sư phạm Địa lý năm 2016 nhưng "lận đận" mãi, thầy Pó mới có cơ hội đứng lớp. Thầy Pó là trụ cột kinh tế của gia đình với vợ không có việc làm ổn định và hai con nhỏ.

"Gần chục năm trời bươn chải, tôi mới có được cơ hội này. Chúng tôi thực sự mong mỏi sự quan tâm của cấp trên để được tiếp tục ký hợp đồng dài hạn hơn, an tâm cống hiến", thầy Pó bày tỏ.

Thực tế tại các trường học vùng khó như Trung Lý càng cho thấy sự cấp thiết của đội ngũ giáo viên hợp đồng.

Ông Nguyễn Duy Thủy, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý, cho biết với 14 lớp học, trường chỉ có 18 giáo viên, trong đó 2 giáo viên hợp đồng 111.

Hiện tại, nếu tính theo chỉ tiêu biên chế của UBND huyện giao thì trường thiếu 2 giáo viên. Nhưng tính theo Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ GD&ĐT, trường thiếu tới 15 giáo viên.

"Hai giáo viên hợp đồng 111 hiện tại đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhưng trớ trêu thay, kinh phí trả lương cho họ lại đang gánh trên vai ngân sách hoạt động vốn đã eo hẹp của nhà trường", ông Thủy cho biết.

Lo lắng là tâm trạng chung của hơn 3 nghìn giáo viên được ký theo hợp đồng 111 ở Thanh Hóa.

"Chuẩn bị hết hạn ký hợp đồng, trong khi đó tỉnh vẫn chưa có quyết định cuối cùng khiến tôi vô cùng lo lắng. Ước mơ về hành trình gieo con chữ đang vô cùng bấp bênh. Mong các cơ quan chức năng sớm có kế hoạch dài hơi hơn để các giáo viên yên tâm công tác", một giáo viên tại huyện Thọ Xuân chia sẻ thêm.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết việc ký kết hợp đồng được thực hiện theo Quyết định số 5273/QĐ-UBND, với thời hạn từ ngày 1/1 đến 31/5. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 3.800 giáo viên hợp đồng trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ không có thu nhập và gián đoạn bảo hiểm trong suốt kỳ nghỉ hè kéo dài.

Ông Tạ Hồng Lựu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết đã đề xuất UBND tỉnh xem xét ký hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111 với thời hạn 12 tháng, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động và phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục.

"Ngành giáo dục có đặc thù riêng, công tác thi tốt nghiệp, tuyển sinh và nhiều chương trình bồi dưỡng diễn ra trong hè. Việc ký hợp đồng 12 tháng sẽ giúp ổn định đội ngũ, đảm bảo cuộc sống cho giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học", ông Lựu nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa lo ngại về những vướng mắc pháp lý và nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực nếu không thực hiện ký hợp đồng liền mạch trong thời gian nghỉ hè. Về phía UBND tỉnh dù đã nắm được sự việc nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra phương án.

Nỗi lo lắng mất việc làm, gián đoạn thu nhập và bảo hiểm đang đè nặng lên hơn 3 nghìn giáo viên đang ngày đêm miệt mài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh Thanh Hóa.

Sách về nghề giáo

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.