Tuổi Trẻ là nơi tôi viết nên tuổi trẻ của chính mình

Tôi đến với Tuổi Trẻ vào thời điểm mà cuộc sống mình đang dở dang và ngổn ngang nhiều cảm xúc nhất, khi vừa tốt nghiệp đại học, lơ ngơ bước vào đời, và mang trong tim một mối tình đầu tan vỡ.
Tuổi Trẻ đã giúp tôi viết ra nỗi đau và gửi về một người để yêu
Khi ấy, tôi 24 tuổi, cái tuổi vừa đủ để yêu cuồng si và cũng vừa đủ để nếm trải cảm giác mất mát. Mối tình đầu của tôi kết thúc trong tiếc nuối, dằn vặt và nỗi hoài nghi lặng lẽ về tình yêu. Tôi bắt đầu viết, chỉ vì muốn tìm một nơi để trút nỗi lòng.
Trong vô vàn những điều không thể nói với ai, tôi tìm đến chuyên mục Tình yêu - Hôn nhân của Tuổi Trẻ Online, nơi cho tôi được quyền yếu đuối, được viết ra những điều giấu kín trong lòng.
Tôi viết về anh, mối tình đầu đầy thơ ngây và khờ dại. Những dòng chữ là nước mắt, là những đêm dài thao thức, là tiếng lòng gói ghém vào con chữ. Tôi không mong gì hơn ngoài việc được sẻ chia. Vậy mà, thật bất ngờ, bài viết được chọn đăng.
Lần đầu tiên nhận được cuộc điện thoại từ tòa soạn báo Tuổi Trẻ, chị phụ trách báo bài viết của tôi đã được duyệt đăng, mời tôi đến tòa soạn nhận nhuận bút, tôi vỡ òa trong niềm vui không diễn tả được.
Cái phong bì 150.000 đồng lần đầu tiên tôi nhận từ Tuổi Trẻ, đối với cô gái lương 2.000.000 đồng lúc đó quý lắm, mãi tới giờ tròn 18 năm tôi vẫn giữ như một kỷ niệm, một dấu ấn khó quên trong đời dẫu năm tháng có làm hoen đi màu mực.
Tròn 18 năm, tôi vẫn giữ phong bì nhuận bút đầu tiên của Tuổi Trẻ 150.000 đồng như một dấu ấn đẹp của cuộc đời.
Từng bài viết đăng báo giống như từng lần trái tim tôi được vá lại, từng vết xước được xoa dịu. Tôi bắt đầu hiểu: có những nỗi đau chỉ cần được lắng nghe là đã đủ để chữa lành.
Và Tuổi Trẻ, trong thầm lặng, không chỉ là nơi tôi gửi đi nỗi đau, mà còn là nơi chữa lành trái tim tôi theo cách không ngờ tới bằng một bài viết đặc biệt: "Tình yêu chỉ là một trò chơi".
Trong bài đó, tôi kể hết những hoài nghi của mình về tình yêu, sự mất niềm tin sau mối tình đầu, cảm giác trống rỗng và không biết làm sao để yêu thêm lần nữa. Thay vì để tên thật, tôi để lại email: phuongbuonvt2004@yahoo.com.
Và rồi, điều kỳ diệu xảy ra. Hàng chục, hàng trăm email gửi về, không chỉ để chia sẻ nỗi buồn, mà còn kể tôi nghe về những hành trình tình yêu khác, những người từng đổ vỡ nhưng vẫn tin yêu. Trong đó, có một người đặc biệt - Anh - một anh chàng 32 tuổi, thủ quỹ một ngân hàng lớn.
Ban đầu anh viết mail để phản bác tôi, rằng "tình yêu không bao giờ là trò chơi, chỉ là em chưa gặp đúng người". Nhưng rồi từ tranh luận, chúng tôi chuyển sang trò chuyện. Kết bạn Yahoo. Nói chuyện mỗi đêm.
Tôi bắt đầu thấy nhẹ lòng. Chúng tôi hẹn gặp. Rồi yêu nhau.
Tôi không ngờ, từ một bài viết về người cũ, tôi lại gặp được người mới - người yêu thứ hai, qua chính Tuổi Trẻ. Tôi từng viết ra nỗi đau, rồi nhận lại một món quà, như thể tờ báo này không chỉ giúp tôi "giải phóng ký ức" mà còn âm thầm dắt tay tôi sang một hành trình mới.
Chúng tôi bên nhau gần một năm. Tôi, cô gái 24 tuổi non nớt, còn anh - người đàn ông từng trải, mồ côi cha mẹ, từ Hà Nội vào TP.HCM lập nghiệp. Anh chín chắn, còn tôi trẻ dại. Khoảng cách 8 tuổi không quá xa, nhưng lại khác biệt cả một thế hệ sống.
Rồi chúng tôi chia tay, nhẹ nhàng, không nước mắt, không trách móc. Và khác với người yêu đầu, tôi chưa từng viết về anh.
Từ sau đó, tôi không còn liên lạc với anh. Đã 18 năm trôi qua, tôi không biết giờ này anh ở đâu, có hạnh phúc hay không. Nhưng mỗi khi nghĩ về tình yêu, tôi vẫn luôn nhớ rằng: đã có một bài viết, một email, một cuộc tình đẹp - tất cả bắt đầu từ Tuổi Trẻ.
Từ một bài viết đến những dấu ấn không thể phai mờ
Tôi tiếp tục viết, không chỉ về tình yêu mà còn về mẹ, về ba, về những cái Tết quê nhà mang màu sắc ký ức. Viết như một cách chữa lành, như để sắp xếp lại chính mình.
Mỗi lần nhận được nhuận bút, tôi lại dành để mua quà cho ba mẹ hoặc khao bạn bè cà phê. Cảm giác "viết ra điều gì đó khiến người khác thấy đồng cảm" hay "tự tay mình làm ra tiền bằng cảm xúc" để mua quà cho người thân là niềm tự hào thầm lặng khó diễn tả thành lời.
Có lần, người yêu cũ, mối tình đầu, sau này với tôi là bạn, tâm sự với tôi về mẹ anh. Xúc động trước tình cảm ấy, tôi đề nghị thay anh viết một bài gửi Tuổi Trẻ.
Bài được đăng, nhuận bút 300.000 đồng. Tôi bảo anh đưa mẹ đọc, anh chỉ cười: "Mẹ anh không biết chữ… anh sẽ đọc cho mẹ nghe". Tôi lặng người. Tôi đã từng rất gần, nhưng chưa từng biết điều đó. Hôm ấy, tôi dùng toàn bộ số tiền nhuận bút mua tặng mẹ anh xấp vải áo dài, món quà bà rất thích.
Nhiều năm sau cho đến hiện tại, tôi không còn viết bài chia sẻ nữa. Dẫu vậy, Tuổi Trẻ chưa từng rời khỏi hành trình của tôi, như một người bạn cũ lặng thinh đồng hành, chứng kiến tôi lớn lên, yêu, đau, trưởng thành rồi rẽ hướng sang một con đường khác. Từ những niềm đam mê với con chữ, bài viết, tôi chuyển sang phụ trách truyền thông cho một doanh nghiệp lớn. Tôi vẫn cộng tác với Tuổi Trẻ, nhưng ở một hình thức khác, những bài PR, hợp tác nội dung thương hiệu.
Có thể nói, Tuổi Trẻ đã từng "giúp tôi viết ra vết thương", rồi "đưa người chữa lành đến", và cuối cùng, giúp tôi biến tình yêu với câu chữ thành một sự nghiệp.
Dấu ấn của Tuổi Trẻ trong tôi - không phải là những bài báo đã đăng, hay những lần được nhận nhuận bút, mà là những khoảnh khắc âm thầm đã góp phần định hình tôi của hiện tại. Một người phụ nữ từng yêu hết lòng, từng đau, từng viết để nhẹ lòng - và giờ đây, vẫn viết, nhưng với trái tim đã trưởng thành và biết ơn.