Nhảy đến nội dung
 

Túi ni lông phải sớm... hết thời

Theo Bộ Nông nghiệp và Tài Nguyên, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa và bao bì.

Trong khi đó, theo nghị định 08 năm 2022 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chính phủ yêu cầu từ ngày 1-1-2026 không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50x50cm. Hết năm 2030 dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ một số trường hợp đặc biệt).

Với mốc thời gian rõ ràng, các doanh nghiệp đang "chạy đua" để đáp ứng thị trường và tuân thủ quy định nhà nước.

Túi ni lông sẽ buộc phải tăng giá

Ngày 13-7, ghi nhận tại một chợ ở phường Tân Định (TP.HCM), giá túi ni lông dao động khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg với loại kích thước 50x50cm. Với mua sỉ online giá rẻ hơn chỉ từ 18.000 - 20.000 đồng/kg.

Tiểu thương tại chợ này cho hay đây vẫn là mức giá thấp vì hàng cũ, "hết số hàng này sẽ bán giá cao hơn khi lô hàng mới có tính thêm thuế. Tuy nhiên, đợt hàng mới giá cao nhưng đa số nhập bao bì gắn với thân thiện môi trường vì bây giờ ai cũng hỏi mua bao bì dễ tiêu hủy", tiểu thương này thông tin.

Trong khi đó, tại một cửa hàng tiện lợi trên đường Nguyễn Văn Trỗi (phường Phú Nhuận), để đựng hàng hóa, khách mua sẽ được đưa bao ni lông có gắn mác tên hệ thống cửa hàng. Nếu khách hàng muốn sử dụng túi ni lông sinh học, phải mua với giá 15.000 - 25.000 đồng/túi tùy kích cỡ.

Tuy vậy, có thông tin vui khi chị Thanh Nga, nhân viên cửa hàng, cho hay lượng khách hàng dùng túi ni lông không mất phí và mua túi sinh học lại "ngang ngang nhau", cho thấy khách có xu hướng dùng túi thân thiện môi trường dù chỉ mua một món hàng nhỏ.

Theo ông Lê Minh Hiệp, phó ban quản lý chợ Bến Thành (phường Bến Thành), trong số các sạp đang hoạt động, 100% tiểu thương có trang bị túi ni lông sinh học, tuy nhiên sử dụng bao nhiêu thì không kiểm soát được.

"Vì một số tiểu thương có in sẵn tên sạp trên túi ni lông để quảng bá cửa hàng nên còn tình trạng dùng túi ni lông kiểu cá thể hóa từng sạp.

Còn nhìn chung "nếp" dùng túi giấy, túi thân thiện môi trường ở chợ vài năm gần đây đã khá lên. Từ ngày TP.HCM vận động thói quen tiêu dùng xanh, tiểu thương chợ Bến Thành sử dụng khá lượng ni lông sinh học, thói quan đã thay đổi rất nhiều", ông Hiệp nói.

Về mặt pháp luật, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có đưa ra phương pháp quản lý rác thải nhựa, quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất đối với thu hồi và tái chế bao bì.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm bao bì phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm bao bì theo tỉ lệ, quy cách tái chế bắt buộc theo hai hình thức: doanh nghiệp tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.

Tỉ lệ dùng sản phẩm tái chế nội địa dịch chuyển mạnh

Ông Lê Anh, giám đốc phát triển bền vững Công ty nhựa tái chế Duy Tân, cho biết năm 2020 Duy Tân sản xuất 15.000 tấn sản phẩm nhựa tái chế dành cho thị trường trong nước, nhưng sức tiêu thụ chỉ khoảng 3.000 tấn.

Tuy vậy, hiện nay khi gắn trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhiều chương trình hành động quốc gia thì việc sử dụng nhựa tái chế được quan tâm hơn. Ông Anh thông tin năm 2025, Duy Tân sẽ có sản lượng khoảng 49.300 tấn nhựa tái chế và đáng mừng khi tỉ lệ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu không chênh lệch như trước mà đã đến mức 50-50.

"Sản lượng sản xuất và tỉ lệ nội địa tăng trưởng khá lớn, minh chứng cho xu hướng người tiêu dùng ngày càng có thói quen tiêu dùng xanh, tiêu dùng sản phẩm bao bì liên quan nhựa tái chế", ông Anh nói.

Hiện giá thành sản phẩm nhựa tái chế còn cao, nhưng ông Anh cho hay việc phân loại rác tại nguồn tốt, tỉ lệ tái chế sẽ tốt hơn và giá thành sẽ giảm.

"Chuyện giá cao chỉ là thời gian đầu. Khi sức tiêu thụ có, nhà máy có nhiều hợp đồng, mở rộng mạng lưới nguyên liệu thì sẽ hạ giá bán sản phẩm" - ông Anh lạc quan.

Là một liên minh các doanh nghiệp thu gom, tái chế bao bì bền vững, Công ty cổ phần tái chế bao bì PRO Việt Nam có sản lượng tái chế bao bì tăng lên mỗi năm. Đại diện công ty cho hay năm 2023 công ty thúc đẩy thu gom, tái chế 13.000 tấn bao bì, tăng lên đến 64.000 tấn vào năm 2024 và năm 2025 tiếp tục tăng 20 - 30%.

"Dự kiến trong năm 2025, PRO Việt Nam sẽ xây dựng mở rộng hệ thống thu gom tái chế, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về khối lượng thu gom và tái chế hằng năm của các thành viên, để thực hiện chiến lược dài hạn trong hoạt động thu gom, tái chế", vị này cho hay.

Không chỉ việc hạn chế dùng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, đại diện doanh nghiệp hiện là đối tác cung cấp sản phẩm và dịch vụ đóng gói bao bì cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại điện tử nhìn nhận xu hướng tiêu dùng bao bì xanh đang có sự dịch chuyển tích cực, hiện tăng lên 30 - 40%. Động lực này khiến doanh nghiệp thay đổi đầu tư công nghệ để "chạy kịp" xu hướng bao bì xanh.

"Chúng tôi đang "chạy đua". Ngoài ra về chất liệu sản xuất, chúng tôi tính toán lại thiết kế thể tích, tính năng, hạn chế tối đa không gian thừa để tiết kiệm vật liệu, giảm chi phí vận chuyển. Bởi bản chất của kinh tế xanh cũng là giảm phát thải nhiều nhất có thể", vị này nói.

Dẫn chứng, vị này chia sẻ ví dụ sẽ dùng công nghệ phun một lớp keo nhiệt trên nắp thùng và tạo ra các đường xé răng cưa làm tiện lợi cho người dùng thay cho việc dán nhiều lớp băng keo như trước đây.

Ngành du lịch cũng không đứng ngoài xu hướng xanh

Thông tin từ ngày 1-1-2026 các khách sạn, khu du lịch ở Hà Nội không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, mũ tắm, bao bì nhựa sử dụng một lần, kem đánh răng, sữa tắm... cũng rất được quan tâm trên tinh thần giảm thiểu rác thải nhựa, đón đầu xu hướng du lịch xanh.

Theo chị Đoàn Thị Thảo, hướng dẫn viên du lịch một công ty du lịch tại phường Bến Thành (TP.HCM), những hoạt động du lịch cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch MICE... luôn phát sinh ra chất thải vì gắn với con người.

Chị Lưu Thị Thu Hương (chủ khách sạn trên đường Thái Văn Lung, TP.HCM) cho biết từ 2-3 năm nay, khách sạn trang bị từ thùng rác, bàn chải đánh răng, dụng cụ đựng sữa tắm từ vật liệu tre, gỗ... và hạn chế dùng túi nhựa ni lông hay nhựa khó tái chế.

"Hiện cả xã hội, cộng đồng hướng tới việc giảm rác thải nhựa nên ngành du lịch hướng đến việc cấm lưu hành đồ nhựa khó tiêu hủy trong khách sạn, tôi rất ủng hộ" - chị Hương nói.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.

"Chỉ còn nửa năm để địa phương như ở Hà Nội, các đơn vị lưu trú, khách sạn sẽ không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tức là hiện thực hóa về du lịch xanh đang đến rất gần" - bà Thùy Dương, chuyên gia du lịch ở Hà Nội, khấp khởi hy vọng.

Bà Dương cho rằng khi ngành du lịch Việt Nam bứt tốc, có nơi sinh ra quá tải, trong khi đó hệ thống kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước và ngành du lịch chưa theo kịp thì khách sạn, khu lưu trú dễ "qua mặt" ở khâu xử lý chất thải. Từ đó, vô tình túi ni lông, chai nhựa hay đồ dùng làm bằng nhựa tràn lan khắp các điểm đến không được kiểm soát, làm giảm sức hấp dẫn điểm đến và ảnh hưởng xấu tới hình ảnh du lịch quốc gia.

"Vì thế động thái du lịch ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần là hướng đi đúng của du lịch xanh, du lịch bền vững", bà Dương nói.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn