Nhảy đến nội dung

Từ vụ tai nạn ở Vĩnh Long: Thế nào là "hành vi nguy hiểm cho xã hội"?

(Dân trí) - Theo các luật sư, người được coi là "thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội" phải thỏa mãn 2 điều kiện: đủ năng lực trách nhiệm hình sự và hành vi gây nguy hiểm thuộc trường hợp phải xử lý hình sự.

Liên quan tới vụ việc nữ sinh N.N.B.T. (14 tuổi, ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) bị ô tô tải do Nguyễn Văn Bảo Trung (33 tuổi) điều khiển cán tử vong, tại Thông báo số 1710/TB-ĐTTH ngày 26/12/2024 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trà Ôn, cơ quan điều tra kết luận không khởi tố vụ án hình sự do "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết". 

"Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội" được nhắc đến trong trường hợp này chính là nữ sinh T. Dù thông báo này sau đó đã bị hủy bỏ, việc sử dụng từ ngữ như trên của cơ quan điều tra huyện Trà Ôn vẫn gây ra sự bức xúc trong xã hội. 

Vậy theo quy định, như thế nào là "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội"? Và những ai có thể được xếp vào nhóm này? 

Thế nào là "hành vi nguy hiểm cho xã hội"?

Bình luận trên cơ sở các căn cứ pháp lý, thạc sĩ, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về khái niệm "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội". Tuy nhiên, có thể hiểu hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi pháp luật quy định cấm thực hiện hoặc yêu cầu phải thực hiện mà chủ thể hành động ngược lại, dẫn tới nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Dưới góc độ pháp luật hình sự, theo Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về khái niệm tội phạm, hành vi có dấu hiệu tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015; do cá nhân, tổ chức có năng lực hình sự thực hiện, xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội, tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo hộ mà theo quy định của Bộ luật này phải xử lý hình sự. 

Như vậy, có thể hiểu rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là người phải thỏa mãn các yếu tố sau: (i) Có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và (ii) Thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, xâm phạm tới các lợi ích của Nhà nước, xã hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân... được pháp luật bảo hộ. 

"Đối với vụ việc xảy ra tại huyện Trà Ôn, tại thời điểm xảy ra tai nạn, cháu T. thuộc trường hợp người từ đủ 14 tuổi tới dưới 16 tuổi. Đối chiếu các quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại khoản 2, Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, cháu T. không thuộc trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. 

Do đó, đối với vụ tai nạn, chưa đánh giá tới chuyện nữ sinh có lỗi hay không, với độ tuổi và tình tiết sự việc như trên, không thể coi cháu T. là "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội", luật sư Giáp cho biết.

Nữ sinh có "nguy hiểm cho xã hội" hay không?

Chung quan điểm, luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, để coi hành vi của một người là "thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội" dưới góc độ pháp lý, cần đảm bảo 2 yếu tố, đó là người đó đủ năng lực trách nhiệm hình sự và hành vi gây nguy hiểm thuộc trường hợp phải xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015. 

Đối với vụ tai nạn trên, hiện chưa thể kết luận T. có phần lỗi hay không. Tuy nhiên, để nhìn nhận vụ việc một cách khách quan, có thể đặt ra 2 giả thiết như sau: 

Thứ nhất, nếu nguyên nhân sự việc là lỗi hỗn hợp, tức T. có một phần lỗi (VD: Thiếu quan sát, không giữ khoảng cách, không làm chủ tốc độ...) dẫn tới tông vào xe trước và ngã ra đường, đây được coi là tình huống nguy hiểm bởi xe đối diện khi phát hiện sự kiện bất ngờ sẽ phải xử lý bằng cách phanh gấp hoặc đánh lái nhanh để tránh va chạm, tiềm ẩn nguy cơ như lao xe xuống mương bên đường hay va chạm với phương tiện khác. Dù trên thực tế xe ngược chiều không bị thiệt hại song đây vẫn là tình huống tiềm ẩn nguy hiểm về tài sản, sức khỏe, tính mạng cho phương tiện ngược chiều và những phương tiện khác. 

Nếu kết luận của cơ quan điều tra xác định vụ tai nạn thuộc tình huống này, yếu tố lỗi của T. sẽ có dấu hiệu của việc vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. 

Tuy nhiên, theo khoản 2, Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về một số tội danh và không bao gồm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật này. 

Như vậy, đặt giả thiết rằng dù T. có một phần lỗi trong vụ tai nạn nhưng với độ tuổi của nữ sinh này và theo các quy định pháp luật, đây là hành vi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Thứ hai, nếu kết quả điều tra cho thấy lỗi hoàn toàn thuộc về tài xế, T. không bị xem xét trách nhiệm về hình sự và dân sự. 

Như vậy, đối với 2 giả thiết nêu trên, dù tình huống nào xảy ra thì dưới góc độ pháp lý, không thể coi nữ sinh T. là "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội".  

Theo Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, một trong các căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự là "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác". Tuy nhiên, việc cơ quan điều tra áp dụng quy định này để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là không phù hợp quy định của pháp luật. 

Gia đình tài xế có quyền yêu cầu bồi thường? 

Vụ tai nạn xảy ra hồi tháng 9/2024 là nguồn cơn gián tiếp dẫn tới việc cha của T. là ông Nguyễn Vĩnh Phúc (42 tuổi) nổ súng bắn tài xế Trung hôm 28/4. Dù hành động của người cha nhận được sự đồng cảm của nhiều người nhưng dưới góc độ pháp lý, dù vì bất kỳ lý do gì, mọi hành vi xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng của người khác đều bị pháp luật nghiêm cấm.

Người thực hiện hành vi ngoài trách nhiệm hình sự còn phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. 

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án hình sự Giết người để điều tra theo quy định. Nếu vụ án được đưa ra xét xử, phần trách nhiệm dân sự sẽ được giải quyết cùng với bản án trong vụ án hình sự. 

Tuy nhiên, với việc ông Phúc đã tử vong, cơ quan điều tra có thể sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra toàn bộ hoặc một phần vụ án với ông Phúc. Khi đó, để có thể yêu cầu bồi thường, gia đình tài xế có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu gia đình ông Phúc bồi thường trong phạm vi phần di sản mà người đàn ông này để lại. 

"Từ hàng loạt sự việc đau lòng, có thể thấy văn hóa ứng xử khi xảy ra thiệt hại là yếu tố hết sức quan trọng để hạn chế bức xúc, ngăn ngừa thiệt hại và ngăn chặn những rủi ro tiềm tàng như sự việc nêu trên. Mọi cá nhân khi xảy ra xung đột, mâu thuẫn cần thể hiện sự thành tâm, thiện chí, hợp tác để cùng giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tuyệt đối không được có những hành vi vượt quá giới hạn, xâm phạm tới các quyền, lợi ích của công dân được pháp luật bảo hộ", luật sư khuyến cáo.