Từ vụ ô tô tông liên hoàn 6 xe máy: Người gây tai nạn có được rời hiện trường?

Tại Điều 80 của Luật Trật tự, an toàn giao thông nêu rõ trách nhiệm của người lái xe gây ra tai nạn như: Giữ nguyên hiện trường, ở lại cho đến khi người của cơ quan công an đến...
Liên quan đến vụ ô tô tông liên hoàn 6 xe máy trên đường Kim Giang (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội), Giám đốc Công an Thành phố đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Bình An, Trưởng Công an xã Tam Hiệp (là người điều khiển ô tô) để xác minh, làm rõ trách nhiệm.
Đến cơ quan công an sau gần 12 tiếng
Trước đó, khoảng 20h55 ngày 9/5, tại khu vực trước số nhà 896 - 898 đường Kim Giang xảy ra vụ va chạm giữa xe ô tô BKS 30A-017.XX (lưu thông trên đường Kim Giang theo hướng từ Cầu Tó đi Cầu Dậu) với 3 xe máy đang di chuyển trên đường và 3 xe máy dựng trên vỉa hè.
Sau vụ va chạm, tài xế ô tô rời khỏi hiện trường, 2 người đi xe máy bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Sau gần 12 tiếng (khoảng 8h40 ngày 10/5), ông Nguyễn Bình An đã đến cơ quan công an làm việc. Bước đầu xác định ông An là người điều khiển ô tô vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Hiện cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật và chưa đưa ra kết luận cuối cùng về vi phạm của những người liên quan.
Người gây tai nạn có được rời khỏi hiện trường?
Điều 80 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về trách nhiệm của người lái xe gây ra tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ như sau:
Dừng ngay phương tiện, cảnh báo nguy hiểm, giữ nguyên hiện trường, trợ giúp người bị nạn và báo tin cho cơ quan công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc UBND nơi gần nhất.
Ở lại hiện trường vụ tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp phải đi cấp cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc xét thấy bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe nhưng phải đến trình báo ngay cơ quan công an, UBND nơi gần nhất.
Cung cấp thông tin xác định danh tính về bản thân, người liên quan đến vụ TNGT đường bộ và thông tin liên quan của vụ TNGT đường bộ cho cơ quan có thẩm quyền.
Còn tại Nghị định 168/2024, tài xế ô tô sẽ phải chịu mức phạt 16-18 triệu đồng, tài xế xe máy 8-10 triệu nếu gây tai nạn mà "Không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không đến trình báo ngay với cơ quan công an, UBND nơi gần nhất".
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, tại Nghị định 168/2024 đã nêu rõ hơn so với Nghị định trước ở 3 yếu tố "dừng ngay phương tiện", "ở lại hiện trường" và "đến trình báo ngay với cơ quan công an, UBND nơi gần nhất".
Cũng theo vị đại diện này, nếu rời khỏi hiện trường, người gây tai nạn cần đảm bảo những yếu tố: Trường hợp người này bị thương phải đến bệnh viện cấp cứu hoặc phải đưa người khác đến bệnh viện cấp cứu thì hiện trường vụ tai nạn được coi là vị trí số 1, cơ sở y tế là vị trí số 2. Người gây tai nạn nếu không thể gọi điện thì sau vị trí số 2 phải có mặt ở vị trí số 3 là cơ quan công an hoặc UBND nơi gần nhất.
Trong trường hợp người gây tai nạn xét thấy bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, họ được phép rời hiện trường, tuy nhiên vị trí sau đó có mặt phải là cơ quan công an hoặc UBND nơi gần nhất.