Từ vụ cô gái bị kẹt thang máy ở TP.HCM: Cần làm gì khi gặp sự cố?

Nhiều người thắc mắc cần làm gì khi gặp sự cố sau vụ cô gái mắc kẹt trong thang máy giữa đêm ở TP.HCM.
Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM cho biết, vào khoảng 0 giờ 15 ngày 18.5, trung tâm chỉ huy 114 tiếp nhận tin báo có cô gái 19 tuổi bị mắc kẹt trong thang máy tại căn nhà trên đường Nguyễn Công Trứ, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1.
Ngay sau đó, Tổ Cảnh sát Chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ thuộc Đội Chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Khu vực 1 nhanh chóng trấn an tinh thần nạn nhân, đồng thời sử dụng xà beng, thiết bị banh thủy lực để mở thang máy. Chỉ sau ít phút, lực lượng chức năng đã đưa cô gái ra ngoài an toàn.
Liên quan đến sự việc này, nhiều người đặt câu hỏi cần làm gì nếu không may bị kẹt thang máy?
Trao đổi với Thanh Niên, anh Nguyễn Văn Nam (Công ty cổ phần thang máy Hightech Việt Nam) cho biết, khi thang máy bất ngờ dừng hoạt động, điều quan trọng nhất là người bị kẹt phải giữ bình tĩnh.
Hầu hết các thang máy đều được trang bị nút gọi cứu hộ hoặc chuông báo động. Mọi người nhấn giữ nút đó để liên lạc với bộ phận kỹ thuật, bảo vệ tòa nhà hoặc trung tâm cứu hộ. Nếu điện thoại di động vẫn có sóng, người dân hãy gọi số điện thoại hotline (thường được dán trong thang máy) để gặp nhân viên hỗ trợ hoặc gọi người thân ở bên ngoài.
Ngoài ra, người bị kẹt có thể liên lạc với nhân viên tòa nhà đến giúp đỡ hoặc trực tiếp liên lạc với lực lượng cảnh sát PCCC & CNCH qua số 114.
"Mọi người không nên cố cạy cửa hoặc treo ra khỏi thang máy khi chưa có sự hỗ trợ của đội cứu hộ. Nếu bị mắc kẹt ở giữa hai tầng, khi cố mở cửa có thể gây cong, vênh khiến việc giải cứu bên ngoài càng khó hơn. Thang máy một khi đột ngột hoạt động lại sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, bức tường và cửa thang máy cách nhau khoảng 15 - 20 cm nên khi mở cửa trẻ nhỏ có thể bị rơi xuống", anh Nam nói.