Từ vốn 'Tiếp sức nhà nông', người mẹ 4 con mong làm giàu để chăm lo cho con cái

Nhận vốn hỗ trợ từ chương trình 'Tiếp sức nhà nông', chị Lê Thị Nga, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa không kìm được cảm xúc, vừa rưng rưng nước mắt vừa vui sướng vì đây là bước ngoặt làm giàu, chăm lo tốt hơn cho con cái.
Chị Lê Thị Nga là một trong 40 hộ trong xã Tân Phúc và thị trấn Lang Chánh nhận nguồn vay chương trình "Tiếp sức nhà nông" do báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần GREENFEED (Công ty GREENFEED) Việt Nam phối hợp cùng Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Thanh Hóa vừa tổ chức.
Theo đó, mỗi hộ sẽ nhận 20 triệu đồng không lãi suất trong hai năm, và 3 triệu đồng chi phí hỗ trợ thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, các hộ nông dân cũng được các chuyên gia chăn nuôi của GREENFEED tập huấn kỹ thuật miễn phí.
Nhà nông vất vả sớm hôm lo cho con giống
"Mình làm gì cũng cố gắng, chịu khó, vì các con, vì tương lai. Chỉ mong nuôi con giống cho tốt, cho chúng béo mập, bán được giá, không có suy nghĩ lười biếng đâu", chị Nga mở lời, tay giữ chắc chứng nhận vay vốn 20 triệu đồng.
Chị kể làm dâu bao nhiêu năm là bấy nhiêu năm chăn nuôi, lo cho con khôn lớn. Chồng làm cơ khí xa nhà, việc ít, thu nhập chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng nên hai vợ chồng tự động viên nhau làm ăn, sau này có tiền mở rộng chăn nuôi, thoát nghèo. Nhưng làm giàu không dễ vì nhà nghèo, thiếu vốn.
"Chăm dê cũng như chăm con, lúc nó bị bệnh, mình phải thức đêm, thức hôm thuốc thang cho nó. Chúng nó mau khỏe thì mình cũng đỡ vất vả. Những lúc mệt mỏi, mình lại nghĩ đến các con, nhớ lúc chúng nó cười vui, thế là phấn chấn, cố gắng hơn", chị bộc bạch.
Dẫu vậy, cuộc sống của người phụ nữ quê Thanh Hóa này vẫn còn nhiều nỗi lo. Gần đây, giá trâu, giá dê xuống thấp. Gia đình vẫn chăn nuôi theo kinh nghiệm ông bà kể lại nên đôi khi dê vẫn mắc bệnh lở mồm long móng.
Do vậy, chị mong được cán bộ của Hội Nông dân, Công ty GREENFEED hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho con giống. Mục tiêu lớn nhất trong tâm trí người phụ nữ này vẫn là làm giàu, nuôi con ăn học khôn lớn.
Nhắc đến con, đôi mắt chị đỏ hoe. Nhà nghèo nhưng chị có tới 4 đứa con, cháu lớn học cấp 3, cháu thứ hai học cấp 2, cháu thứ ba mới vào lớp 1, còn bé út vẫn đang ở lớp mầm non. Trong đó, vất vả nhất là đứa thứ hai đang học nội trú xa nhà.
Một phần vì đường xa, một phần vì tập trung học hành, con chỉ về nhà vào cuối tháng. Tháng trước tiễn con lên trường, chị phải chạy vạy, xoay tạm 500.000 đồng để cháu chi tiêu kèm chiếc túi đựng bánh xà phòng, dây dầu gội đầu và vài thứ lặt vặt.
"Con không bao giờ kêu ca, chỉ nói con sẽ cố gắng học tập, đạt điểm cao để sau này có việc làm để nuôi mẹ. Thế là mình tự nhủ phải cố gắng, cực mấy cũng làm, để con học hành đến nơi đến chốn", chị Nga dốc bầu tâm sự.
Những niềm vui giản dị
Cách ngày nhận vốn vài hôm, trong bữa cơm tối, hai vợ chồng bàn tính kỹ lưỡng sẽ làm gì với 20 triệu đồng vốn vay. Cuối cùng, anh chị chọn mua thêm con trâu lớn và một con nghé để mở rộng đàn. Phần còn lại để vỗ béo cho đàn dê hơn 20 con.
"Nhớ lần đầu bán được chục con dê, mình vừa đếm tiền vừa cười, vì sau bao khó khăn, cuối cùng đã có thành quả", chị nói.
Từ tích lũy ban đầu, đến nay, chị Lê Thị Nga bán được trung bình hai lứa dê mỗi năm, lúc đầu hè và giáp Tết, cho người đi làm ăn xa muốn về khao cỗ, làm tiệc đón tân niên.
Tết vừa rồi, ngoài tiền bán dê, chị bán thêm được con nghé khoảng 10 triệu đồng. Thế là chị đi mua ngay mua chiếc tủ lạnh và máy lọc nước mới. Trước kia, cả nhà phải "vắt óc" nghĩ làm sao giữ đồ ăn lâu dài. Thành ra, gia đình quanh năm chỉ ăn đồ luộc, đồ khô.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Chuẩn (trú huyện Như Xuân, Thanh Hóa) - một trong 40 hộ nông dân nghèo của huyện Như Xuân được chương trình "Tiếp sức nhà nông" hỗ trợ vào năm 2021 - nghẹn ngào không thốt nên lời.
Sau khi bình tâm, ông kể với 20 triệu vốn vay, ông tậu thêm được chú trâu 3 năm tuổi, phần còn lại dành để gây giống đàn gà, đàn ngan. Không lâu sau, đàn gia cầm khỏe mạnh, béo mập, ông quyết bán để mua cặp dê. Theo thời gian, đàn dê sinh sôi nảy nở, lúc cao điểm có đến 15-16 con. Ngoài thu lời, ông còn học được kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh, chứ trước giờ chỉ chăn nuôi theo thói quen, truyền miệng.