Từ món 'canh gà Thọ Xương' đến đoán nghĩa 'greenwashing'

Câu thơ cổ "Gió đưa cành trúc la đà / Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương", được nhiều chuyên gia cho rằng vốn dùng để gợi tả thời gian giao canh khuya, khi tiếng chuông chùa và tiếng gà gáy điểm sang ngày mới - lại bị hiểu lệch thành món canh gà.
Thật ra, đó không phải lỗi riêng của học sinh. Khi kiến thức văn hóa, dù là ca dao cổ hay tiếng nước ngoài "thời sự", bị tách rời khỏi bối cảnh, khi người học không được trang bị đủ vốn sống hoặc khả năng kết nối liên ngành, thì những sai sót, nhầm lẫn và lúng túng là điều tất yếu.
Mới đây, từ "greenwashing" xuất hiện trong đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 gây tranh luận vì "lạ, quá khó, không theo chương trình học". Với những học sinh có thói quen cập nhật tin tức, nội dung này hoàn toàn gần gũi, vì đã được truyền thông nhắc đến nhiều lần. Nhưng với không ít thí sinh, đó là một từ lạ, khó đoán nghĩa trong bối cảnh thi cử căng thẳng.
"Greenwashing" là cách chơi chữ giữa "green" - mang ý nghĩa thân thiện với môi trường - và "whitewashing" (tẩy trắng, che giấu). Thuật ngữ này ám chỉ hành vi đánh bóng hình ảnh xanh của doanh nghiệp, trong khi bản chất hoạt động lại không hề bền vững.
Đây là từ khóa quan trọng trong thời đại kinh tế xanh và tiêu dùng có trách nhiệm. Nhưng với không ít học sinh, nó xa lạ như "canh gà Thọ Xương" năm nào.
Câu hỏi đặt ra không phải là nên hay không nên đưa những khái niệm này vào đề thi, mà là làm thế nào để học sinh - dù học ở đâu, xuất phát từ nền tảng nào - cũng có thể tiếp cận tri thức một cách công bằng.
Nếu đề thi là công cụ đánh giá năng lực, thì năng lực đó phải gắn với thực tiễn xã hội, chứ không thể tách khỏi dòng chảy cuộc sống. Tuy nhiên, nếu đề thi là sân chơi quá phụ thuộc vào sự "đọc nhiều biết rộng", thì vô hình trung lại trở thành cuộc thi trí nhớ... văn hóa đại chúng.
Sự mơ hồ giữa kiến thức sách vở và thực tế, giữa tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ, giữa văn hóa nền và văn hóa cập nhật, chính là điều cần được lấp đầy trong quá trình giáo dục. Muốn thế, chương trình học cần tích hợp và xuyên ngành nhiều hơn, giúp học sinh không chỉ học để thi, mà học để hiểu, để ứng dụng.
Trong một thế giới mà mọi thứ thay đổi chóng mặt, điều chúng ta cần dạy học sinh không chỉ là ghi nhớ, mà là cách đặt câu hỏi, cách tra cứu và cách tự làm rõ những điều chưa biết. Bởi lẽ, sự hiểu sai nguy hiểm nhất không nằm ở nghĩa của một từ, mà là khi ta nghĩ mình đã hiểu đủ rồi.
Trần Trung