Từ chuyện cô gái kiếm 250 triệu đồng/tháng, ai cũng cần ngộ ra: Tiền sẽ lựa chọn kiểu người như thế này để ‘chảy về’

Chỉ hai năm trước, cô vẫn còn làm nhân sự ở một xưởng nhỏ, lương về tay mỗi tháng chỉ khoảng 16 triệu đồng. Vậy mà thời điểm hiện tại, số tiền cô kiếm được đã tăng lên gấp nhiều lần.
Cách đây không lâu, câu chuyện về một cô gái làm việc ở Thượng Hải với mức lương 70.000 tệ/tháng (khoảng 250 triệu đồng) trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều trên mạng xã hội. Thật ra, chỉ hai năm trước, cô vẫn còn làm nhân sự ở một xưởng nhỏ, lương về tay mỗi tháng chỉ có 4.500 tệ (khoảng 16 triệu đồng). Tuy nhiên, cô không cam chịu với hiện trạng. Trong thời gian rảnh, cô tự học dựng phim và biên tập video. Sau khi nghỉ việc ở xưởng, cô thực tập 3 tháng tại một công ty và cuối cùng nhận được công việc biên tập – đạo diễn, mức lương tăng lên 10.000 tệ (khoảng 36 triệu đồng).
Trong suốt một năm sau đó, cô đi làm từ 9 giờ sáng đến hơn 8 giờ tối. Về nhà, gọi một suất đồ ăn giao tận nơi rồi tiếp tục vận hành tài khoản tự sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, làm việc đến tận khuya. Chính trong năm đó, lương công việc chính của cô tăng lên 20.000 tệ/tháng (khoảng 70 triệu đồng). Tài khoản tự sáng tạo nội dung cũng phát triển từ con số 0 đến hơn 100.000 người theo dõi. Hiện tại, mỗi bài quảng cáo trên kênh của cô có giá 14.000 tệ (khoảng 50 triệu đồng), và trung bình mỗi tháng cô nhận được 4 đến 5 đơn hàng như vậy.
Từ mức lương khoảng 16 triệu đồng lên tới 250 triệu đồng một tháng, cô gái Thượng Hải đã thực sự "lội ngược dòng", trở thành hình mẫu khiến bao người đi làm phải ngưỡng mộ. Nhưng đúng như nhà văn tài chính Tiền Bá Tân từng nói: "Mỗi đồng tiền trong cuộc đời đều có dấu vết để lần theo."
Nhiều khi, không hẳn là con người kiếm được tiền, mà là tiền lựa chọn người phù hợp hơn. Và khi hiểu được hành trình bứt phá của cô gái Thượng Hải, bạn cũng sẽ hiểu: tiền sẽ lựa chọn người như thế nào.
01. Tiền, luôn chảy về phía những người gọn gàng, ngăn nắp
So với con số "lương tháng 70.000 tệ", điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc hơn lại là chỗ ở của cô gái làm việc tại Thượng Hải. Cô sống trong một căn hộ cũ kỹ, chưa đầy 30 mét vuông, nằm ở khu vực ven ngoại ô. Thế nhưng, bước vào căn nhà của cô, bạn tuyệt nhiên không cảm thấy sự chật chội hay bừa bộn. Dù nuôi một chú chó, sàn nhà vẫn không hề vương vãi đồ đạc lung tung. Cô sắp xếp căn phòng một cách gọn gàng, ấm cúng, thậm chí còn dành riêng một góc làm không gian làm việc. Mỗi ngày thức dậy, nhìn thấy sàn nhà sạch bóng, nội thất được bày biện ngăn nắp, cùng ban công thoáng đãng tràn ngập ánh sáng, toàn thân như được tiếp thêm năng lượng tích cực.
Có một câu nói rất hay: "Người không sạch, tiền chẳng tụ." Những người sống lôi thôi, dù năng lực thế nào, cũng thường khiến người khác cảm thấy họ thiếu kỳ vọng vào cuộc sống – và dễ bỏ lỡ quý nhân, cơ hội, lẫn tài nguyên bên cạnh. Còn người sống chỉn chu, sạch sẽ, dù tạm thời chưa có tiền, vẫn có thể luôn ở trong trạng thái tốt nhất để đón nhận mọi cơ hội đến với mình.
Kênh Bilibili từng phỏng vấn một số bạn trẻ đang lập nghiệp ở Thâm Quyến. Trong đó có một nhà thiết kế, thuê một căn phòng chỉ hơn mười mét vuông. Mỗi ngày tan làm về nhà, anh tiện tay quăng quần áo lên giường. Sáng hôm sau tỉnh dậy, lại tùy tiện rút một bộ từ đống đồ ấy mặc vào người. Không gian vốn đã nhỏ hẹp, nay lại càng ngột ngạt và chật chội vì sự bừa bộn. Ở nhà, anh hầu như chỉ ngủ hoặc lướt điện thoại, chẳng có chút động lực làm bất cứ việc gì khác. Khi được hỏi về kế hoạch tương lai, anh suy nghĩ một hồi rồi đáp: "Thôi cứ ráng chịu vậy, nếu không trụ được nữa thì về quê."
Trong khi đó, một bạn trẻ khác làm công việc tự sáng tạo nội dung trên mạng lại mang đến cảm giác hoàn toàn khác. Trên video, cậu mặc áo kẻ sọc đơn giản, tóc tai gọn gàng, tổng thể toát lên vẻ sạch sẽ và dễ mến. Chỗ ở của cậu cũng chỉ là căn phòng nhỏ khoảng 20 mét vuông. Nhưng nhờ được sắp xếp tươm tất, không gian ấy vẫn mang lại cảm giác rộng rãi và dễ chịu.
Thời gian rảnh, cậu phát triển thêm công việc livestream tại nhà. Chính nhờ hình ảnh chỉn chu và không gian sống được chăm chút, cậu thu hút được nhiều sự chú ý và dần dần, thu nhập từ nghề phụ cũng đuổi kịp công việc chính.
Nếu bạn đối xử với bản thân một cách cẩu thả, người khác cũng chẳng có lý do gì để nhìn xuyên qua vẻ ngoài nhếch nhác ấy mà tìm kiếm giá trị tiềm ẩn bên trong bạn. Hãy sống sạch sẽ, ngăn nắp, giữ cho nội tâm sáng sủa – bạn mới có thể tạo nên một "từ trường" tích cực để tiền tài tìm đến.
02. Tiền, luôn ưu ái những người chủ động
Dưới video của cô gái làm việc tại Thượng Hải, có một bình luận thế này: "Nếu mỗi tháng tôi cũng kiếm được từng ấy tiền, tôi chắc chắn còn nỗ lực hơn cô ấy."
Một cư dân mạng khác đã trả lời mà tôi rất đồng tình: "Khi ai đó nói làm việc này có thể kiếm nhiều tiền, mọi người đều lao vào làm. Nhưng người thật sự kiếm được nhiều tiền lại là người - ngay cả khi không ai nói gì - vẫn sẵn sàng dấn thân."
Trong cuốn "Cách Làm Việc" của triết gia kinh doanh Inamori Kazuo, ông từng nhắc đến một kiểu người gọi là "kiểu chủ động". Ý chỉ những người không cần ai thúc đẩy, họ tự mình phát sáng, tự mình tỏa nhiệt. Một người luôn bị động, chỉ làm cho qua ngày, thì vĩnh viễn chỉ nhận được mức lương giới hạn. Chỉ khi chủ động đón nhận thử thách, không ngừng nâng cao bản thân, họ mới xứng đáng nhận được sự ưu ái của cơ hội.
Blogger thương mại quốc tế @Robin từng chia sẻ về trải nghiệm thời gian đầu đi làm của mình. Lúc ấy, cô làm ở một công ty ngoại thương, và có một khu vực mà chẳng ai quan tâm: thị trường Đông Nam Á. Không chỉ pháp luật chưa hoàn thiện, logistics hay thất lạc hàng, mà khách hàng cũng thường xuyên chậm thanh toán.
Dù vậy, mỗi ngày sau khi hoàn thành công việc chính, Robin vẫn dành ra thêm hai tiếng để chủ động trò chuyện với khách hàng Đông Nam Á, tìm hiểu pháp lý và kênh cung ứng ở địa phương.
Khi ấy, nhiều đồng nghiệp chế giễu cô vì cho rằng đó là việc "tốn công mà chẳng được gì". Bởi vì hoa hồng chỉ tính trên lợi nhuận đơn hàng – dù có chốt được đơn, so với các thị trường phát triển khác, cô cũng chẳng lời hơn là bao.
Nhưng một năm sau, Robin không chỉ giúp công ty thu hồi nhiều khoản công nợ tại Đông Nam Á, mà còn phát triển được hơn mười khách hàng lâu dài. Dựa trên thành tích ấy, cô được thăng làm trưởng bộ phận, lương tăng gấp đôi.
Khi sau này nghỉ việc khởi nghiệp, cô tận dụng chính mạng lưới khách hàng và kênh cung ứng đã tích lũy trước đó để nhanh chóng tạo được doanh thu hàng chục triệu tệ ở khu vực Đông Nam Á.
Người bình thường thì né tránh khó khăn. Người biết kiếm tiền thì không sợ khó khăn. Nhưng người kiếm được nhiều tiền – là người tự đi tìm khó khăn.
Như diễn giả Napoleon Hill từng nói: "Thế giới này chỉ trao phần thưởng lớn – cả về tiền bạc lẫn danh vọng – cho những người biết chủ động hành động."
Trong thời đại ngày nay, những cơ hội dễ dàng dường như không còn nhiều. Chỉ khi chủ động làm những việc người khác không làm được, bạn mới có thể kiếm được những gì người khác không thể chạm tới.
03. Tiền, luôn hướng về phía người có tầm nhìn xa
Có người từng hỏi cô gái làm việc tại Thượng Hải: với mức thu nhập như hiện tại, sao cô không nghĩ đến việc chuyển sang căn nhà lớn hơn? Cô trả lời: "Trước đây tôi nghĩ, nếu kiếm được nhiều tiền thì sẽ dọn sang nhà to, đi du lịch nước ngoài;
Nhưng khi thật sự kiếm được tiền rồi, tôi lại muốn dùng nó để học nhảy, học trang điểm, học tiếng Anh – những thứ có thể đem lại lợi ích lâu dài." Câu trả lời ấy khiến tôi nhớ đến những người bạn xung quanh mình – họ cũng từng gặp thời cơ thuận lợi và kiếm được rất nhiều tiền trong thời gian ngắn.
Thế nhưng vài năm trở lại đây, cạnh tranh trong mọi ngành nghề ngày càng khốc liệt. Phần lớn trong số họ, vì năng lực không vượt trội, đã bị sa thải hoặc giảm lương. Chỉ có một số ít người, sớm nhìn thấy xu hướng phát triển của ngành, đã chủ động đầu tư tiền bạc để nâng cấp bản thân. Kết quả là họ không những không bị đào thải, mà còn vượt qua các đối thủ khác và sự nghiệp ngày càng khởi sắc. Bạn sẽ nhận ra: người có tầm nhìn dài hạn luôn biết dùng tiền đúng chỗ – và từ đó thu hút thêm nhiều cơ hội, nhiều nguồn tài chính hơn nữa.
Nhà đầu tư Ortega từng kiếm được "thùng vàng đầu tiên" nhờ kinh doanh quần áo. Lúc ấy, những người hợp tác với ông đều chỉ mong chia lợi nhuận sớm để mua nhà, sắm xe. Nhưng Ortega thì nghĩ khác: việc buôn bán quần áo về cơ bản chẳng có rào cản gì.
Ai thấy có lãi cũng có thể nhảy vào làm ngay. Ông dự đoán trong 3–5 năm tới, thị trường này sẽ bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Nếu không sớm xây dựng được "hào lũy" bảo vệ thương hiệu, thì rất có thể sẽ bị đào thải. Vì vậy, ông kiên trì thuyết phục các cộng sự: thay vì chia lời, hãy tái đầu tư toàn bộ vào doanh nghiệp – mua thiết bị hiện đại, tuyển thêm nhân sự thiết kế. Và đúng như dự đoán, vài năm sau, thị trường trở nên "biển đỏ" – nhà nhà làm, người người bán.
Nhiều công ty trung gian từng phát triển tốt cũng lần lượt phá sản. Chỉ có công ty của Ortega, nhờ đã sớm có thương hiệu riêng và chuỗi sản xuất độc lập, lại nhanh chóng vươn lên và mở rộng quy mô. Tài sản của ông và các cộng sự lúc này đã gấp hàng chục lần so với khoản lợi nhuận nhỏ bé ngày trước.
Ray Dalio – nhà sáng lập Bridgewater – từng nói: "Tài sản của một người, được quyết định bởi tầm nhìn của người đó."
Cốt lõi của việc trở nên giàu có, chính là phá bỏ giới hạn trong tầm nhìn. Người chỉ chăm chăm vào cuộc sống hiện tại, và người biết nghĩ xa cho tương lai – sớm muộn cũng sẽ bước lên hai con đường hoàn toàn khác nhau.
▽
"Ai cũng thích tiền, nhưng rất ít người nghĩ đến việc làm sao để tiền cũng thích mình". Người đi theo tiền – rất khó. Tiền tìm đến người – lại dễ hơn nhiều.