Từ 15.6, bãi nhiệm cán bộ bao che vi phạm hành chính

Cán bộ có thể bị bãi nhiệm, tức là mất chức, nếu sách nhiễu, đòi tiền hoặc dung túng, bao che khi xử lý vi phạm hành chính.
Chính phủ mới đây ban hành Nghị định 93/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 19/2020 quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.6.
Dung túng, bao che vi phạm sẽ bị mất chức
Hiện nay có 6 hình thức kỷ luật được áp dụng trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc.
Tại nghị định mới, Chính phủ bổ sung một hình thức kỷ luật mới, đó là bãi nhiệm, áp dụng cho người vi phạm là cán bộ.
Theo luật Cán bộ, công chức, "cán bộ" tức là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách…
"Bãi nhiệm" tức là việc cán bộ không được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ.
Nghị định 93/2025 quy định 13 hành vi cán bộ sẽ bị bãi nhiệm, nếu vi phạm lần đầu và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Điển hình như: giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của đối tượng vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của đối tượng vi phạm khi xử lý vi phạm hành chính.
Cùng đó là: lập biên bản vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền, không đúng hành vi vi phạm hành chính, không đúng đối tượng vi phạm hành chính; vi phạm thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính hoặc vi phạm thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Hay như việc: xác định không đúng hành vi vi phạm khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; sử dụng trái pháp luật tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính; cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng được kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm.
Hình thức kỷ luật bãi nhiệm cũng áp dụng với các hành vi: thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; không kịp thời sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện có sai sót, vi phạm…
Triệt tiêu xin xỏ, can thiệp
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, bày tỏ ủng hộ đối với quy định mới tại Nghị định 93/2025. "Điều này góp phần thực hiện nguyên tắc "không vùng cấm, không ngoại lệ" trong xử lý vi phạm nói chung, vi phạm hành chính nói riêng, mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhiều lần đề cập", ông Hùng nói.
Theo luật sư, để công tác xử lý vi phạm hành chính đạt hiệu quả, đòi hỏi không chỉ đến từ sự chấp hành của người vi phạm, mà sự minh bạch, công tâm của người có thẩm quyền xử lý vi phạm cũng rất quan trọng.
"Phải triệt tiêu câu chuyện xin xỏ, can thiệp, mọi khâu cứ đúng theo quy định pháp luật mà làm", ông Hùng đặt vấn đề, và kỳ vọng quy định tại Nghị định 93/2025, Nghị định 19/2020 sẽ tạo hành lang pháp lý để những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối chiếu, thực hiện sao cho đúng, đủ.
Riêng về việc bổ sung hình thức xử lý kỷ luật, ông Hùng nói điều này nhằm phù hợp với quy định tại luật Cán bộ, công chức.
Luật quy định tổng cộng 7 hình thức xử lý kỷ luật với cán bộ và công chức, trong đó bãi nhiệm là một trong những hình thức kỷ luật nặng nhất đối với cán bộ. Nghị định 19/2020 không quy định về hình thức kỷ luật này, do đó, việc bổ sung là cần thiết.
Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cũng cho rằng quy định tại 2 nghị định sẽ bảo đảm tính nghiêm minh, khách quan và trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Ông đánh giá các hành vi vi phạm được liệt kê tương đối toàn diện, tùy theo mức độ vi phạm mà chịu hình thức kỷ luật tương ứng, cả về tính chất và đối tượng điều chỉnh. Song, các quy định này có phát huy hiệu quả hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào quá trình thực thi.
Vì thế, vị luật sư kiến nghị tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát đối với quy trình kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Ông Ứng cho rằng, bên cạnh việc "kiểm tra chéo" giữa các cơ quan có thẩm quyền, cần xây dựng các kênh để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, tổ chức hoặc đơn vị, nhằm huy động "tai mắt" từ mọi nguồn.
Khi đã có thông tin phản ánh, cơ quan hoặc người có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xác minh; xử lý nhanh chóng, nghiêm khắc đối với vi phạm nếu có đủ cơ sở kết luận.