Nhảy đến nội dung

Trước Úc Châu, hàng loạt trung tâm tiếng Anh cũng đột ngột đóng cửa, nợ học phí

Những năm gần đây, không ít phụ huynh điêu đứng trước tình cảnh nhiều hệ thống trung tâm tiếng Anh với hàng chục cơ sở bất ngờ đóng cửa và cắt liên lạc trong khi đang 'ôm' tiền tỉ học phí.

Hệ thống Úc Châu: "Sửa chữa" rồi mất tăm

Những ngày qua, hàng trăm phụ huynh có con theo học tại các cơ sở của hệ thống tiếng Anh Úc Châu (AIES) bức xúc khi biết tin hệ thống này đột ngột đóng cửa toàn bộ trung tâm tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa và cắt liên lạc cả tuần nay. Thống kê sơ bộ của Thanh Niên dựa trên các đơn trình báo, tài liệu tổng hợp từ phụ huynh cho thấy, tổng số học phí phụ huynh hai cơ sở của AIES tại TP.HCM đã đóng ít nhất là 7,7 tỉ đồng.

Sự "sụp đổ" của hệ thống AIES, đặc biệt ở TP.HCM, đã khiến nhiều người trở tay không kịp bởi các trung tâm này từng có hơn một thập kỷ hoạt động và không ít phụ huynh đã cho con theo học ngần ấy thời gian. Như Thanh Niên đã đưa tin, trong số này có một số phụ huynh đóng khoảng trăm triệu đồng, còn lại thường đóng 30-40 triệu đồng cho 2-3 năm học, tất cả đều xuất phát từ sự tin tưởng uy tín, thâm niên của các cơ sở.

Vụ việc của hệ thống AIES bắt đầu từ tuần trước, khi các trung tâm cho hay sẽ tạm dừng hoạt động trong 1 tuần, bắt đầu từ ngày 8.5 để "sửa chữa toàn hệ thống", với lý do là cơ sở vật chất đã bị ảnh hưởng sau khi thời tiết có "mưa lớn trên diện rộng". Tuy nhiên, đến trưa 8.5, nhiều nhân viên đã không thể liên lạc với ông Hồ Đăng Duy, Giám đốc hệ thống AIES, và điều này kéo dài cho tới nay.

Từ thực tế trên, nhóm nhân viên đồng loạt gửi thư tới phụ huynh vào hôm 14.5, cho biết "không liên hệ được với giám đốc", và "mọi tài khoản đăng nhập của nhân viên đều bị xóa". Tới ngày 15.5, nhóm nhân viên tuyên bố đang bị nợ lương và "rất lấy làm tiếc khi không biết chính xác rằng liệu trung tâm có thể tiếp tục hoạt động nữa hay không" và cho biết thêm đã trình báo sự việc lên cơ quan công an.

Được biết, hệ thống AIES trực thuộc Công ty TNHH giáo dục - đào tạo Duy Khang, do ông Hồ Đăng Duy làm giám đốc từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2007 tới nay. Trụ sở của công ty đặt tại số 182-184-186 Lê Văn Việt (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cũng chính là địa chỉ cơ sở AIES Lê Văn Việt. Hiện tại, 5 trung tâm AIES đều đóng cửa, theo ghi nhận thực tế của Thanh Niên và chia sẻ từ phụ huynh, bạn đọc.

Hệ thống Apax Leaders: Lãnh đạo bị bắt tạm giam

Đây không là lần đầu một hệ thống trung tâm tiếng Anh đột ngột đóng cửa, cắt liên lạc. Trước đó khoảng một năm, dư luận cũng từng xôn xao trước tin ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), Chủ tịch Tập đoàn EGroup và Tổng giám đốc Công ty CP Anh ngữ Apax (Apax Leaders), đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau thời gian dài gắn liền với lùm xùm học phí tại Apax Leaders.

Hệ thống Apax Leaders chính thức gia nhập thị trường giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam và nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu nhờ chiêu bài dùng 100% giáo viên nước ngoài và áp dụng triệt để công nghệ. Vào giai đoạn hoàng kim, Apax Leaders từng có hệ thống 130 trung tâm giảng dạy tiếng Anh ESL, IELTS trải khắp hơn 32 tỉnh thành trên cả nước với hàng vạn học viên.

Tuy nhiên, kể từ sau dịch Covid-19, đơn vị này liên tiếp đóng cửa trung tâm rồi bắt đầu lùm xùm nợ học phí với phụ huynh, sớm nhất từ cuối năm 2022 và nở rộ vào cuối 2023. Thanh Niên cũng nhận đơn kêu cứu từ một số hội phụ huynh về việc hệ thống này không hoàn lại hàng tỉ đồng học phí như cam kết sau khi đóng cửa các trung tâm. Tuy vậy, ban lãnh đạo Apax Leaders khi đó đều tránh né, không trả lời phụ huynh và báo giới.

Tới giữa tháng 2.2023, dưới sức ép từ dư luận, Apax Leaders chính thức nối lại liên lạc với Thanh Niên và các phụ huynh. Từ thời điểm đó, hệ thống này liên tục tổ chức nhiều cuộc họp với phụ huynh, trực tuyến lẫn trực tiếp, mỗi lần đều hứa hẹn cách thức và thời gian hoàn học phí khác nhau. Tuy vậy sự thật chứng minh các cam kết do lãnh đạo Apax Leaders đưa ra đều là lời hứa suông khi chỉ hoàn học phí cho một nhóm nhỏ phụ huynh.

Đến giữa tháng 3.2024, Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin Apax Leaders phải hoàn học phí tổng cộng khoảng 108 tỉ đồng cho phụ huynh TP.HCM. Trong đó, đơn vị này đã trả 14,2 tỉ đồng, nợ 93,8 tỉ đồng. Trước khoản nợ trên, Apax Leaders đề xuất trả trong năm 2025, mỗi quý trả 4 tỉ đồng, chia đều định mức cho phụ huynh tới khi hoàn thành, và phần nợ còn lại chuyển tiếp sang năm 2026. Lời hứa này cũng không bao giờ được thực hiện.

Liên quan tới hệ sinh thái của Tập đoàn Egroup do Shark Thủy điều hành, các trung tâm tiếng Anh thuộc hệ thống Englishnow cũng bị phụ huynh tố là bất ngờ dừng dạy, không trả lại học phí dù đã ký giấy cam kết bồi hoàn vào cuối năm 2022.

Hệ thống SAS và Pixar: Giám đốc bị tố bỏ trốn

Thời điểm năm 2021, Thanh Niên cũng tiếp nhận phản ánh từ các học viên của hệ thống trung tâm tiếng Anh Thế hệ mới (SAS), tố ông Đỗ Văn Quản, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Giáo dục Master English (đơn vị sở hữu hệ thống SAS), đã "ôm" tiền bỏ trốn và không thể liên lạc được bằng bất kỳ cách nào, đồng thời các trung tâm này cũng đều tuyên bố dừng hoạt động đột ngột.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hệ thống SAS từng có gần 70 trung tâm trải dài nhiều tỉnh, thành, trong đó có 23 trung tâm tại TP.HCM. Trả lời báo chí lúc đó, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết trước khi Sở không thể liên lạc được với ông Quản, ông này từng giải trình rằng Covid-19 bùng phát khiến hoạt động và nguồn thu của hệ thống bị ảnh hưởng, do đó chưa thể trả lương cho giáo viên, nhân viên và sẽ chuyển đổi sang học trực tuyến.

Không chỉ có hệ thống SAS, thời điểm đó Thanh Niên còn nhận được phản ánh của phụ huynh có con đăng ký học tại hệ thống trung tâm tiếng Anh Đại Kỷ Nguyên (Pixar). Hệ thống này có 3 trung tâm ở TP.HCM nhưng theo phụ huynh, tất cả đã đóng cửa sau khi địa phương ngừng giãn cách vì Covid-19. Nhiều phụ huynh nghi ngờ chủ hệ thống này có dấu hiệu bỏ trốn, không muốn trả lại học phí.

Sau đó ít ngày, ông Vũ Văn Bảo Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn GD-ĐT Pixar (đơn vị sở hữu hệ thống Pixar), đã tổ chức buổi đối thoại với khoảng 20 phụ huynh, hứa sẽ tìm phương án xử lý song không đạt được sự đồng thuận với hầu hết phụ huynh. Đến đầu năm 2022, giám đốc đơn vị này bất ngờ "bặt vô âm tín" và các trung tâm cũng tháo bảng hiệu, ngừng hoạt động cho tới nay.

Ngoài những cái tên nêu trên, nhiều trung tâm tiếng Anh khác trên cả nước cũng bị phụ huynh tố là đột ngột đóng cửa, cắt liên lạc như iSpeaking (có tổng cộng 10 cơ sở tại Hà Nội), Eagle English (mở nhiều trung tâm tại Hà Nội được cho là hoạt động không phép), EUC (có cơ sở ở Huế và TP.HCM)... Tất cả diễn ra trong những năm cả nước bùng dịch Covid-19.

Trong khi đó, theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, gần 80% trung tâm ngoại ngữ tại địa bàn TP.HCM phải tạm đóng cửa, ngưng hoạt động hoặc thậm chí là giải thể vào năm 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, đa phần các trung tâm ngoại ngữ "biến mất" tại TPHCM trong thời điểm đều chưa được cấp phép hoạt động giáo dục, theo Sở GD-ĐT TP.HCM.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn