Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, đừng chờ nữa?

Việt Nam xác định trung tâm tài chính là một trong những mũi nhọn chiến lược, đột phá thể chế mang tầm quốc gia nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng; huy động, phân bổ và nâng cao hiệu quả dụng nguồn lực; tăng sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia tài chính trong và nước ngoài. Thanh Niên xin giới thiệu bài viết của chuyên gia tài chính Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Viễn Đông về những giải pháp cốt lõi phải triển khai để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Đã có hơn 10 cuộc hội thảo, tọa đàm và nhiều chuyến gặp gỡ với các đối tác từ nhiều châu lục; đã có một kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết triển khai của Chính phủ. Hiện Chính phủ đang trình Quốc hội thêm một Nghị quyết để triển khai Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam (TTTCQT). Tất cả những điều đó cho thấy ý chí, quyết tâm của Việt Nam về xây dựng TTTC QT. Tuy nhiên, bắt đầu từ đâu, nhân sự lấy từ nguồn nào, những chủ thể tham gia là ai, các đối tượng kinh doanh, các chính sách thuế, quản lý ngoại hối… chưa thấy được đề cập nhiều. Theo tôi, có 6 vấn đề cốt lõi phải tiến hành bao gồm:
Xác định vị trí của TTTCQT tại Việt Nam trong 10 năm
Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam chưa thể so sánh với Singapore, Hồng Kông mà chỉ nên làm cơ sở liên kết (B') với Singapore (xếp hạng thứ 3 trên thế giới chỉ sau New York và London). Chúng ta có thể liên kết với Singapore ở 2,5 lĩnh vực dựa trên 2 thế mạnh đầu và 0,5 thế yếu của Việt Nam là công nghệ tài chính (Fintech) và thương mại (Trade) và một phần các giải pháp tranh chấp (dispute resolutions).
Ở lĩnh vực Fintech, dựa vào đội ngũ chuyên gia toán học và IT Việt Nam để cung cấp các giải pháp an ninh mạng (cybersecurity) và blockchain trong việc truy vết các tài sản số (cryto assets) vốn không có giá trị gốc (basic-values), hoặc để cho các giao dịch ngoại vùng (offshore) từ TTTCQT tại Việt Nam ra và ngược lại.
Ở lĩnh vực thương mại là khởi tạo sàn giao dịch hàng hóa đúng nghĩa (commodities exchange) dựa vào thế mạnh bấy lâu của Việt Nam vốn đã và đang có những hợp đồng giao ngay (spot contracts with physical delivery) hàng tỉ USD mỗi năm như cà phê, gạo….
Xác định các loại "hàng hóa sinh lợi" để "đại bàng" hay dòng chuyển vốn vào Việt Nam
Đầu tiên là việc nới hạn mức (room) một số cổ phiếu như SAB, VNM, DAP, DPM… đều có chỉ số P/E khủng trên 13 tới trên 20 mà room cho nhà đầu tư nước ngoài còn gần 50%. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ xem kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng nhất. Cổ phần hóa 1-2 trong 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, song song với việc mời gọi các ngân hàng lớn vào Việt Nam hay trao thêm chức năng cho họ dù đã hiện diện tại Việt Nam hàng vài chục năm rồi như ANZ, Deutsche Bank, BNP-Paribas.
Thứ hai là khởi tạo một sàn giao dịch hàng hóa với một vài mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu tại chỗ hàng năm hàng tỉ USD như đã đề cập trên. Thứ ba khởi tạo các giao dịch về tài sản số. Cuối cùng khởi tạo một chỉ số chứng khoán mới cho lĩnh vực công nghệ cao vốn có tốc độ phát triển nhanh như Nasdaq của Mỹ. Đi kèm với chỉ số chứng khoán này là các điều kiện dễ dàng cho IPOs (bỏ bớt một số điều kiện dành cho các công ty AI khởi nghiệp), giao dịch ngân hàng ngoại vùng, hay phát hành trái phiếu doanh nghiệp có kiểm soát.
Bốn cấu thành trên có thể giao dịch trong một sàn chung hay riêng rẽ trong TTTCQT tại Việt Nam. Chúng là điều kiện thúc đẩy để VNĐ có thể trở thành đồng tiền chuyển đổi được tạo cơ hội tác động lại thị trường ngoại hối, thị trường vốn (gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) đã tồn tại tại Việt Nam xấp xỉ 30 năm nay.
Xây dựng nhanh cơ sở hạ tầng cho TTTCQT tại Việt Nam
Không phải là đổ tiền vào xây nhiều nhà cao tầng, chỉ nên tận dụng cơ sở dôi dư sau sáp nhập hay các tòa nhà còn trống tại Q.1, TP.HCM. Hạ tầng đây chính là đường truyền kết nối mạnh cả cáp quang lẫn thông qua vệ tinh. TTTCQT hoạt động 24/7 nên không thể để gián đoạn bất cứ phút giây nào.
Đi kèm với hệ thống kết nối là việc cung ứng điện phải đủ và bảo đảm 24/7có kết hợp hệ thống lưu trữ dữ liệu đủ mạnh, có khoảng cách xa vừa đủ với khu vực trung tâm, tránh những tai họa không thể dự báo.
Tuyển chọn và đào tạo gấp rút nguồn nhân lực "thực chiến"
Trước hết nên tuyển chọn, có chế độ đãi ngộ tương xứng với nhân sự từ các phòng kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng lớn, nhân sự từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các công ty chứng khoán lớn, các cá nhân kinh doanh, môi giới, công nghệ mạng, bảo mật, ký quỹ, quản trị và đo lường rủi ro… và kể cả digital marketing (tiếp thị số). Ngoài ra, hệ thống kế toán - kiểm toán - kiểm soát mạnh từ các công ty kiểm toán lớn, các quỹ tài chính cũng là những nhân sự ưu tiên tuyển dụng. Song song đó là tuyển dụng có điều kiện nhân sự từ các Trung tâm tài chính tại Singapore, London, Hồng Kông hay New York.
Nên mở một số tài khoản giao dịch liên kết với TTTC Singapore, Hồng Kông, London và NewYork để bảo đảm tính liên thông và liên tục
TTTCQT thường xuất phát từ những quan niệm về rủi ro khác nhau, từ những nguồn lực khác nhau. Hiện tượng dư mua hay dư bán thường xuyên xảy ra trong từng phiên giao dịch, trong từng ngày kể cả 24/7. Do vậy những tài khoản liên thông này giúp cho các nhà đầu tư trong TTTCQT tại Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch liên thông/bù trừ (offsetting orders) đi kèm với các tài sản cơ sở hay tài khoản của họ vốn có tại các TTTCQT khác rồi.
Vấn đề này đòi hỏi sửa ngay Pháp lệnh quản lý ngoại hối của Việt Nam, cho phép chế độ quản lý dựa trên tổng thể cân bằng (general equilibrium) hơn là chỉ dựa vào những giao dịch đơn lẻ như hiện nay. Ngoài ra, các thủ tục xuất - nhập hàng hóa và visa cũng nên đơn giản giúp cho thị trường hàng hóa và lao động được liên thông, tạo điều kiện hỗ trợ TTTCQT phát triển trong bước đầu rất khó khăn này.
Cuối cùng, Ban chỉ đạo quốc gia về TTTCQT tại Việt Nam nên xuất phát từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính
Chỉ có xuất phát từ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính với sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ mới có thể xây dựng được các thể chế về giám sát ngoại hối như cơ quan SPI (Standard Payment Institution Licence) của Singapore hay SAFE của Trung Quốc (State Administration of Foreign Exchange); kiểm soát các giao dịch xuyên biên giới (cross border payments; và các công cụ thanh toán số DPT (Digital Payment Token).