Trung Quốc sắp khởi công công trình thuộc top đắt đỏ nhất lịch sử: Tốn hơn 44 tỷ USD xây đường thuỷ dài gần 800 km, hạ chi phí vận chuyển chỉ bằng 1/15 bình thường

Theo SCMP, Trung Quốc vừa chính thức đưa dự án kênh đào dài 767 km nối tỉnh nội địa Giang Tây với tỉnh ven biển giàu có Chiết Giang vào chương trình phát triển trọng điểm. Đây được xem là bước đi chiến lược trong nỗ lực mở rộng mạng lưới giao thông thủy nội địa và thúc đẩy kết nối kinh tế giữa các khu vực.
Dự án kênh Giang Tây - Chiết Giang là một phần của kế hoạch tổng thể nhằm kết nối Quảng Đông, Giang Tây và Chiết Giang bằng đường thủy, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 320 tỷ nhân dân tệ (tương đương 44,4 tỷ USD). Con số này gần gấp ba lần chi phí xây dựng cầu Hồng Kông - Chu Hải - Macao, khiến đây có thể trở thành kênh đào nhân tạo đắt đỏ nhất lịch sử Trung Quốc.
Theo kế hoạch, tuyến kênh này sẽ nối liền trung tâm khai thác đất hiếm và đồng của Giang Tây, nơi đang trở thành một trung tâm sản xuất xe điện (EV), với hệ thống cảng biển hiện đại của Chiết Giang - một trong những tỉnh phát triển bậc nhất Trung Quốc.
Dựa trên tiêu chuẩn cấp III của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, tuyến kênh sẽ có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 1.000 tấn. Khi đi vào vận hành, công suất vận chuyển hàng hóa có thể đạt tới 25 triệu tấn mỗi năm. Lợi thế này sẽ góp phần giảm chi phí logistics vốn chiếm tới 14,1% GDP Trung Quốc trong năm 2024 - mức cao so với các nền kinh tế phát triển.
Trung Quốc vốn sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc và đường bộ rộng khắp. Tuy nhiên, vận tải đường thủy đang ngày càng được ưu tiên do chi phí thấp, chỉ bằng 1/15 chi phí đường bộ và 1/4 chi phí đường sắt, theo ngân hàng China Merchants Bank.
Một báo cáo từ ngân hàng này nhận định: “Việc xây dựng các tuyến đường thủy nội địa đang tái định hình bản đồ kinh tế Trung Quốc, giúp kết nối năng lượng giá rẻ từ phía tây với cảng biển và năng lực logistics ở phía đông.”
Ví dụ rõ rệt là mạng lưới Tây Giang, đã rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Tây Nam đến Khu Vịnh Lớn (Greater Bay Area) chỉ còn 36 giờ, thúc đẩy sự hội nhập giữa các vùng kinh tế trọng điểm.
Theo kế hoạch của chính phủ Trung Quốc, đến năm 2035, mạng lưới giao thông thủy nội địa toàn quốc sẽ đạt 25.000 km. Việc triển khai tuyến kênh Giang Tây - Chiết Giang được kỳ vọng sẽ đưa Chiết Giang trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về vận tải thủy nội địa vào thời điểm đó.
Dự án này nối tiếp hàng loạt công trình thủy lớn trong những năm gần đây bao gồm Kênh đào Giang Hoài tại tỉnh An Huy khai trương năm 2022 với tổng đầu tư khoảng 100 tỷ nhân dân tệ; Kênh đào Bình Lục dài 134,2 km tại khu tự trị Quảng Tây khởi công năm 2022, dự kiến tiêu tốn hơn 70 tỷ nhân dân tệ; Một dự án kênh đào nối Quảng Tây với tỉnh Hồ Nam hiện cũng đang được lên kế hoạch, với vốn đầu tư ước tính khoảng 150 tỷ nhân dân tệ.
Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, xe điện và chuỗi cung ứng công nghệ cao, các tuyến đường thủy mới như kênh Giang Tây – Chiết Giang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu đất hiếm và kim loại công nghiệp từ nội địa ra quốc tế và giảm chi phí logistics cho các ngành sản xuất giá trị cao như xe điện, thiết bị y tế, linh kiện bán dẫn.
Theo SCMP