Trung Quốc gọi đây là 5 'ngành công nghiệp của tương lai' - Rót tiền không tiếc tay để gây dựng, thành tựu khiến bất kỳ quốc gia nào cũng phải ngước nhìn

Đây đều là những lĩnh vực công nghệ mang tính nền tảng nhưng còn trong giai đoạn sơ khai.
Khi chiến lược "Made in China 2025" gần như lắng xuống, Bắc Kinh đang tăng cường theo đổi vị thế thống trị trong lĩnh vực công nghệ, tập trung vào "các ngành công nghiệp tương lai" trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng leo thang với Mỹ.
"Ngành công nghiệp tương lai" là gì?
Được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giới thiệu lần đầu vào năm 2020, thuật ngữ này đề cập đến các lĩnh vực công nghệ nền tảng vẫn còn trong giai đoạn sơ khai nhưng được kỳ vọng sở hữu tiềm năng cực kỳ to lớn.
Kế hoạch 5 năm 2021-2025 nhấn mạnh các ngành như trí tuệ nhân tao, thông tin lượng tử, mạng lưới tương lai, hàng không vũ trụ, công nghiệp biển sâu, năng lượng hydro là những lĩnh vực mà Trung Quốc đặt mục tiêu dẫn đầu.
Danh sách đó hiện đang được mở rộng, khi chính phủ dần bổ sung các lĩnh vực ưu tiên mới.
Năm 2024, Bộ Công nghiệp và CNTT (MIIT) Trung Quốc ban hành hướng dẫn xác định các lĩnh vực mục tiêu bao gồm robot hình người, thiết bị mạng 6G, giao diện não-máy tính, trung tâm dữ liệu AI quy mô lớn và máy bay cỡ lớn thế hệ tiếp theo.
Trung Quốc đã đạt được gì?
Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, được mệnh danh là "Thung lũng Silicon" mới nhất của Trung Quốc. Các công ty khởi nghiệp công nghệ tại đây đang tạo tiếng vang lớn trên toàn cầu.
Trong số này có 6 công ty nổi bật, được mệnh danh là "6 chú rồng nhỏ": DeepSeek, Game Science (nhà phát triển game Black Myth: Wukong), 2 công ty robot gồm Unitree và Deep Robotics, BrainCo (công ty lấy cảm hứng từ Neuralink) và Manycore (chuyên về trí tuệ không gian).
Theo Morgan Stanley, Trung Quốc hiện sở hữu 56% các công ty robot hình người được niêm yết công khai trên toàn thế giới và 45% các nhà tích hợp các hệ thống robot hình người.
Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ sinh học của nước này cũng đang tăng trưởng nhanh chóng. Tính đến tháng 3/2025, nước này đã phê duyệt 5 liệu pháp tế bào T thụ thể kháng nguyên khảm (CAR) – chủ yếu để điều trị ung thư máu - đứng thứ 2 chỉ sau Mỹ (quốc gia có 6 liệu pháp).
Các công ty công nghệ sinh học trong nước như WuXi AppTec đã vươn lên trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới. Một ủy ban Quốc hội Mỹ đã gọi công ty này là "phiên bản Huawei của công nghệ sinh học", cảnh báo công ty này sẽ giúp Trung Quốc "kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu".
Tiếp theo sẽ là gì?
Bắc Kinh đang đổ nguồn lực chưa từng có vào các ngành công nghiệp tương lai – từ tài trợ đến bồi dưỡng nhân tài.
Để thúc đẩy đột phá, MIIT đã giới thiệu một mô hình đổi mới vào năm 2023. Theo đó, những thực thể trong nhóm được bồi dưỡng sẽ công khai các thánh thức cụ thể họ phải đối mặt. Từ đó, công ty hoặc nhóm nghiên cứu tiến hành giải quyết những thách thức này trong vòng 2 năm sẽ được ưu tiên tiếp cận hỗ trợ và tài trợ.
Năm 2025, chính phủ Trung Quốc nhắm đến đột phá trong công nghệ lượng tử, sản xuất ở cấp độ nguyên tử và hydro sạch.
Mặc dù thị trường việc làm nhìn chung là ảm đạm, các công ty công nghệ tiên tiến, chẳng hạn trong lĩnh vực robot hình người, vẫn đang báo cáo tình trạng thiếu hụt nhân tài lành nghề. Họ sẵn sàng đưa ra mức giá gấp 4 lần mức trình bình toàn quốc ở các đô thị để thu hút kỹ sư và nhà phát triển giàu kinh nghiệp.