Trung bình mỗi người Việt có khoảng 10 năm mắc bệnh tật

Mỗi người lớn tuổi mắc từ 3 đến 4 bệnh lý nền và có khoảng 10 năm mắc bệnh tật, làm giảm số năm sống khỏe mạnh.
Tại buổi thảo luận về chủ đề “Tiêm chủng vắc xin cho người lớn trong kỷ nguyên già hóa dân số” do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phối hợp với Sở Y tế TPHCM tổ chức, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa bệnh truyền nhiễm ở người lớn tuổi, đặc biệt là những người có bệnh nền.
Theo nghiên cứu, các bệnh lý như tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính, bệnh cơ xương khớp và rối loạn thần kinh, tâm thần là những nguyên nhân chính gây gánh nặng bệnh tật cho người cao tuổi trên toàn cầu. Tại Việt Nam, trung bình mỗi người lớn tuổi mắc từ 3 đến 4 bệnh lý nền.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 triệu người cao tuổi, trở thành quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới. Tuổi thọ trung bình đạt 75,6 năm nhưng mỗi người Việt sống khoảng 10 năm với bệnh tật, làm giảm số năm sống khỏe mạnh. Trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5, nữ giới đứng thứ 2, nhưng số năm bệnh tật lại cao.
Người cao tuổi phải đối mặt với các bệnh mạn tính không lây nhiễm, đồng thời dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, viêm phổi do phế cầu, zona và Covid-19.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nhấn mạnh: “Việc lồng ghép chẩn đoán, điều trị và tiêm chủng dự phòng là xu hướng toàn cầu. Để quản lý sức khỏe người lớn tuổi toàn diện, cần tích hợp các chương trình tiêm chủng vào quy trình khám chữa bệnh thường quy".
Theo ông Định, các bệnh truyền nhiễm như cúm hay viêm phổi do phế cầu làm tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính. Do đó, tiêm chủng là giải pháp cần thiết để giảm nguy cơ biến chứng và nâng cao chất lượng sống.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết thêm, việc tư vấn và tiêm chủng cần được thực hiện ngay trong quá trình khám chữa bệnh, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, hỗ trợ quản lý hiệu quả bệnh lý nền và giảm áp lực cho hệ thống y tế.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM triển khai tiêm chủng cho bệnh nhân nội trú. Những người lớn tuổi có nhiều bệnh nền, sẽ được tư vấn và tiêm vắc xin ngay khi xuất viện để tăng cường khả năng phòng bệnh.
Tuy nhiên, việc triển khai tiêm chủng cho người lớn tuổi còn gặp một số thách thức. Theo Tiến sĩ Luân, nhiều người cao tuổi thiếu thông tin về tiêm chủng, không nhận thức được nhu cầu tiêm vắc xin và lo ngại về tác dụng phụ hoặc ảnh hưởng đến bệnh lý nền.
“Một số người lớn tuổi e ngại tiêm chủng, thậm chí từ chối khi nhắc đến tiêm. Họ thường chỉ tập trung điều trị các bệnh nền như tăng huyết áp hay đái tháo đường”, ông chia sẻ.
Ngoài ra, tâm lý xã hội chưa sẵn sàng cho việc tiêm chủng phòng bệnh cũng là một rào cản lớn.