Trở thành thủ khoa nhờ... từng giải đề sai quá nhiều lần

Không phải cứ giải sai khi ôn luyện là lúc thi sẽ được điểm thấp. Vấn đề quan trọng rằng bạn sai như thế nào và học cách sửa lỗi sai đó ra sao để biến nhiều lần sai khi ôn luyện thành một lần đúng lúc làm bài thi.
Sai nhiều lần để đúng một lần
Với Ngô Lê Sơ Ni, thủ khoa Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thì rút ra được kinh nghiệm xương máu từ quá trình ôn thi của mình, rằng sai nhiều lần để đúng một lần. Bạn có thể sai nhiều lần ở lúc ôn và biết cách khắc phục những lỗi sai ấy để đúng một lần là khi làm bài thi.
Sơ Ni thi khối A00, trong đó môn vật lý cô nàng được 9,5 điểm. Nhưng Sơ Ni thú thật để đạt được điểm này không hề dễ dàng. "Mình vẫn nhớ kỷ niệm lúc ôn thi vật lý vô cùng khó khăn. Mình ôn cùng các bạn và thầy, trong khoảng thời gian tầm 3 - 4 tháng mình luôn là người làm sai trong 10 câu đầu tiên của đề. Không bao giờ mình đúng hết toàn bộ 10 câu đầu tiên, sai từ 3 - 4 câu là điều rất thường xuyên", Sơ Ni nhớ lại.
Cô nàng thủ khoa kể: "Trong quá trình 3 - 4 tháng ôn tập đó, làm rất nhiều đề và đề nào mình cũng sai trong 10 câu đầu tiên. Sai nhiều đến mức mà thầy hay trêu đùa với các bạn trong lớp là đến khi nào Sơ Ni làm đúng hết 10 câu đầu tiên trong đề thì lớp mình sẽ ăn liên hoan. Và kết quả là đến lúc học xong mình vẫn chưa hề đúng hết được 10 câu đầu tiên trong đề. Cảm giác lúc đó của mình là sợ sai. Mình thật sự rất sợ và áp lực với việc sai của mình. Mình nhận ra bản thân không chỉ sai ở đáp án mà còn sai về tư duy và cách làm bài".
Để khắc phục được việc sợ sai đó và đạt được kết quả cao trong kỳ thi, Sơ Ni đã làm gì?
Sơ Ni cho rằng việc chúng ta sai nhiều cũng không sao hết nếu biết tận dụng cái sai đó để biến nó thành một lần đúng duy nhất là trong lúc đi thi. "Mỗi lần sai là một lần học, thì ta sẽ biến cái sai thành đúng. Việc đầu tiên mình nghĩ các bạn nên làm là với mỗi câu sai, cần ghi chú vào trong cuốn sổ, đặc biệt những câu có kiến thức lý thuyết. Việc này sẽ giúp các bạn ôn lại kiến thức lý thuyết cũng như là ghi chú lại những phần bản thân chưa rõ để có thể ôn lại", cô nàng thủ khoa bật mí và cho rằng: "Bởi vì đối với những câu đúng thì não chúng ta đã có thể ghi nhớ, tuy nhiên với những câu sai, não các bạn vẫn chưa thật sự ghi nhớ những kiến thức đó, nên cần phải ghi chú lại".
Nhưng theo Sơ Ni, chỉ ghi lại thôi thì chưa đủ. Mà sau khi ghi lại, khoảng từ một đến hai tuần sau nên dành 1 - 2 buổi để xem lại các kiến thức đã ghi chú trong sổ. "Cách này rất hữu dụng với mình. Mình mong là cũng sẽ hữu dụng với các bạn. Mỗi lần sai là một lần học. Kiến thức sai và học lại như vậy tốt hơn việc đọc thêm kiến thức mới rất nhiều", cô nàng thủ khoa khẳng định.
Bên cạnh đó, Sơ Ni cũng khuyên thí sinh có thể trao đổi thêm với giáo viên hoặc bạn bè về những kiến thức sai của mình. Điều này cũng giúp ghi nhớ sâu hơn những kiến thức sai đó.
"Đừng sợ sai nhé. Sai nhiều sẽ học được nhiều và những lần sai đó sẽ biến thành lần đúng duy nhất là đúng khi chúng ta đi thi", Sơ Ni nhắn gửi.