Tranh cãi trào lưu dạy con ngược

Cậu bé vào bếp nấu tôm hầm và sườn lợn. Yuanyuan biết mỗi bữa cơm, gia đình cần hai món thịt và một đĩa rau. Khi bữa tối sẵn sàng, cậu gọi mẹ đang xem TV, ra ăn.
Mẹ Yuanyuan nói bà cảm thấy yên tâm khi biết con trai có thể tự cân bằng giữa việc học và việc nhà.
Yuanyuan học nấu nướng từ các video trực tuyến. Ngoài ra, cậu bé còn biết giúp mẹ trang điểm, chọn quần áo, khen ngợi và động viên khi mẹ cảm thấy buồn. Tuần ba lần, Yuanyuan dậy lúc 5h sáng để dắt chó cho hàng xóm để nhận thù lao một USD mỗi con.
Cư dân mạng xem Yuanyuan là ví dụ tiêu biểu cho trào lưu nuôi dạy ngược (reverse parenting) của phụ huynh Trung Quốc. Thuật ngữ này mô tả việc con cái đảm nhận vai trò chăm sóc, lo toan hoặc đưa ra quyết định thay cho bố mẹ, đảo ngược vai trò truyền thống trong gia đình, đã trở nên phổ biến.
Trong khi đó, phụ huynh cũng bắt chước lối sống thoải mái của con, dành thời gian lướt điện thoại, xem TV và để bọn trẻ lo việc nhà. Phong cách này gây chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc với các chủ đề liên quan thu hút hơn 230 triệu lượt xem.
"Tôi từng bực vì con trai chuẩn bị quá chậm. Một lần, tôi bắt chước tốc độ của nó, mất cả tiếng để mặc đồ. Nó không chịu nổi, giục tôi. Từ đó, nó không bao giờ chậm nữa", một phụ huynh bình luận.
Hồi tháng 2, video bé trai bốn tuổi lau kệ sách, quét sàn, dọn nhà tắm trong khi bố mẹ nằm ở giường đã thu hút 1,4 triệu lượt xem. Mẹ cậu khen con giỏi như lời động viên.
Yuanyuan, học sinh tiểu học ở Liêu Ninh, có một triệu người theo dõi nhờ các video ghi lại cuộc sống hàng ngày. "Đứa trẻ là người lớn có trách nhiệm, còn bố mẹ hành động như trẻ con", một người dùng bình luận.
Trong khi đó, Nini, mẹ của cô bé 7 tuổi, đã nhờ con lo toàn bộ kế hoạch du lịch, từ đặt vé máy bay đến sắp lịch trình.
Nini nói điều này bắt đầu sau chuyến đi Hong Kong năm ngoái, khi bà nhầm giờ bay và cả nhà phải ngủ lại sân bay. Kể từ đó, con bé không còn tin người lớn trong việc lên kế hoạch du lịch. Cô bé đã tự tìm hiểu điểm đến qua mạng xã hội.
Theo chuyên gia, nuôi dạy ngược là khi trẻ đảm nhận vai trò của cha mẹ, điều này làm thay đổi vị trí quyền lực trong gia đình và giúp trẻ tự lập hơn. "Phụ huynh tỏ ra hơi yếu thế có thể khiến trẻ chủ động và nhận trách nhiệm nhiều hơn", Zhang Jianyong, nhân viên công tác xã hội trẻ em ở tỉnh Hồ Bắc, nói.
Các chuyên gia phân tích, phụ huynh Trung Quốc truyền thống thường áp dụng dạy con kỷ luật dựa vào hình phạt và chỉ thưởng cho con khi chúng thể hiện sự tiến bộ trong hành vi. Tuy nhiên, bố mẹ sinh sau năm 1990 đang bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây và mong xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với con cái.
Dù có sự tranh luận, phương pháp nuôi dạy ngược này đã thu hút được sự chú ý lớn, chủ yếu nhờ vào ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội như Douyin, TikTok và Xiaohongshu.
Các chuyên gia cũng cảnh báo tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với trẻ em. Họ cho rằng mục đích của phương pháp này là để ngăn chặn hành vi sai trái, nhưng nó có thể gây ra hậu quả xấu, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
Bà Si Yamei, chuyên gia tư vấn tâm lý, trị liệu gia đình, nói mục tiêu của nuôi dạy con là giúp trẻ phát triển lành mạnh, khuyến khích tự phản ánh và thích nghi tốt hơn với xã hội.
Si nhận thấy thế hệ phụ huynh sinh sau những năm 1990 khác biệt so với các thế hệ trước, nhờ điều kiện sống vật chất được cải thiện.
"Thế hệ sau những năm 1980 trải qua nhiều thiếu thốn, nên họ hiểu cuộc sống của mình tốt hơn và cảm thấy hạnh phúc với sự thay đổi đó", Si nói. Tuy nhiên, thế hệ sau 1990 lại được bảo vệ quá mức và chưa từng trải qua thất vọng thực sự. Họ đối xử với con cái theo cách trẻ em sẽ làm, dùng con cái để trả đũa.
"Thực tế, thế hệ này đã đánh mất một số trải nghiệm cảm xúc chân thật", Si kết luận.
Ngọc Ngân (Theo The Star, SixthTone)