Nhảy đến nội dung

Trắng đêm xua đuổi voi rừng tới phá khu dân cư

Chiều giữa tháng 5, bà Lê Thị Trà Khương, 48 tuổi, cùng con trai tranh thủ thu hoạch những trái xoài chín ở ấp 4 (khu Suối Tượng), xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, sớm trở về nhà nhằm tránh đàn voi rừng ra kiếm ăn. Rẫy của bà nằm ngay cạnh bìa rừng Mã Đà, là nơi đàn voi thường xuyên lui tới tìm thức ăn như xoài, chuối, mía, nhất là 2-3 tháng gần đây.

"Đầu giờ chiều đã thấy đàn voi lững thững trong vườn xoài. Chúng đi qua nhiều nơi, có khi cách nhà dân vài chục mét, quậy phá suốt đêm, không ai dám ngủ", bà Khương nói và chỉ tay vào lều cùng nhiều cành xoài trong vườn bị đàn voi quật ngã tuần trước. Mỗi lần voi xuất hiện, bà huy động nhiều người đến dùng xoong, chậu, thùng tạo âm thanh xua đuổi voi vào lại rừng. Có lúc không gọi được ai, chủ vườn nhanh chóng lùa đàn bò thật xa rồi tháo chạy.

Cách khu rẫy bà Khương chừng 7 km, bà Nguyễn Thị Việt, 70 tuổi, ở ấp 3, xã Mã Đà (khu Cây Sung), kể cách đây khoảng hai tuần đàn voi 8 con đi vào vườn xoài của gia đình, nằm giáp ranh Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Quá trình tìm kiếm thức ăn, chú voi con rớt xuống giếng đào bỏ hoang trong rẫy. Một số người dân đến rọi đèn tìm cách cứu nhưng đàn voi to lớn đứng xung quanh nên không thể tới gần. Đến sáng khi lực lượng cứu hộ đưa xe cẩu vào thì voi con đã chết.

Lập nghiệp ở Mã Đà hơn 30 năm, bà Việt cho biết tình trạng voi rừng ra vườn, rẫy tìm kiếm thức ăn là chuyện bình thường với người dân nơi đây. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, voi vào rẫy càng nhiều, đi từng đàn 6-8 con, khiến cuộc sống người dân xáo trộn. Chúng thường xuất hiện lúc giữa đêm, có lúc đi trên đường ĐT 761. Cả xóm cùng tập hợp dùng đuốc, rọi đèn pin, đập thùng tạo ra âm thanh lớn, xua đuổi suốt đêm. Khi thấy voi về lại rừng xóm lại bố trí người canh gác ở cửa rừng.

Gia đình bà Khương, bà Việt nằm trong số hàng trăm hộ dân thuộc các ấp 3, 4, 5 xã Mã Đà - nơi tiếp giáp Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cùng Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Đây là nơi sinh sống lâu đời của voi cũng như nhiều loại động vật quý hiếm. Sau năm 1975, người dân ở đây được nhà nước giao khoán các khoảnh đất gần bìa rừng để trồng xoài, mít, mía, chuối, cam...

Thống kê của Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, khu vực rừng nói trên có khoảng 27 con voi (xếp thứ 2 cả nước sau Đăk Lăk). Hàng năm đàn voi tăng trưởng về số lượng. Ngoài Mã Đà, voi thường xuất hiện ở những khu vực lân cận như xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) và Thanh Sơn (huyện Định Quán), phá hoại tài sản, hoa màu của hàng trăm hộ dân ở đây.

Tình trạng voi ra khỏi rừng uy hiếp người dân đã xảy ra từ lâu. Gần 10 năm trước, Đồng Nai đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng 75 km hàng rào điện ở bìa rừng ngăn voi ra khu dân cư nhưng hiệu quả chưa cao. Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, chỉ tính riêng đầu năm 2024 đến nay, 104 lần đạp voi đổ cột và quật cây vào tuyến hàng rào điện để ra ngoài, sau đó xâm nhập rẫy, vườn. Năm 2023 đàn voi tấn công gây chấn thương nặng cho một người dân ở xã Thanh Sơn, quật chết một con bò.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, cho biết ngoài việc tăng số lượng cá thể và cần mở rộng khu vực sinh sống, nhu cầu tìm nguồn nước cũng khiến đàn voi rời khỏi rừng. "Hiện nguồn nước ở hồ Bà Hào, xung quanh hồ Trị An, thuộc phạm vi đất giao khoán cho người dân sản xuất, voi phải đi qua đây mới tiếp cận được", ông Hảo nói, cho biết khu bảo tồn đang rà soát nhằm cung cấp thêm nước cho thú rừng, trong đó có voi, nhất là trong các đợt nắng nóng kéo dài.

"Chúng tôi đề nghị UBND Vĩnh Cửu tái thành lập đội phản ứng nhanh, ngay khi người dân phản ánh voi xuất hiện phải có mặt kịp thời xử lý", ông Hảo nói.

Ngoài ra Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai kiến nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường sớm sửa chữa, khắc phục những đoạn hàng rào điện hư hỏng hoặc đã cũ, giảm thiểu tình trạng voi vượt hàng rào ra bên ngoài như hiện nay.

Phước Tuấn

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn