Nhảy đến nội dung
 

Trần Minh Chiến: Bàn thắng vàng lịch sử

Cú vô lê quý như vàng của Trần Minh Chiến làm tung lưới Myanmar ở bán kết SEA Games 18 năm 1995 luôn có chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử thể thao nước nhà, đánh dấu bước hội nhập quốc tế thành công của bóng đá VN.

THẦN TƯỢNG GIỚI TRẺ MỘT THỜI

Thể thao VN tái tham gia các hoạt động thể thao quốc tế kể từ Olympic năm 1980 tại Liên Xô, ASIAD năm 1982 tại Ấn Độ và SEA Games 15 năm 1989, nhưng đội tuyển bóng đá VN chỉ chính thức hội nhập trở lại với bóng đá quốc tế từ SEA Games 16 năm 1991. Đặc biệt, SEA Games 18 năm 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan) đã trở thành một kỷ niệm rất khó quên khi đội tuyển VN vào đến chung kết môn bóng đá nam.

Trong chiến công lịch sử đó, bàn thắng vàng của Trần Minh Chiến ấn định tỷ số 2-1 trước Myanmar ở bán kết SEA Games 18 luôn được nhắc đến một cách đầy trân trọng, cả vì tính biểu tượng lẫn vẻ đẹp của bàn thắng ấy: sau pha hãm ngực, Trần Minh Chiến tung cú vô lê điệu nghệ, khiến thủ môn Myanmar sững sờ còn khán giả quê nhà "sướng" như lên đồng. Tình huống ghi siêu phẩm của Minh Chiến đã được chọn đưa vào phần hình hiệu của chương trình thể thao VTV suốt một thời gian dài, cùng với những hình ảnh thể thao tiêu biểu khác. Tiếc rằng chấn thương gối đã khiến sự nghiệp của Trần Minh Chiến không thể kéo dài. Nhưng phút giây chói sáng, sự tài hoa của "sát thủ" vòng cấm mang tên Trần Minh Chiến đã và có lẽ mãi mãi chiếm một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử phát triển của bóng đá VN.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống bóng đá, có anh trai Trần Minh Huy là chân sút dội bom của CLB Hải Quan và đội tuyển TP.HCM, Trần Minh Chiến sớm bộc lộ đam mê và năng khiếu với trái bóng. Sau khi đoạt giải ba cuộc thi năng khiếu bóng đá U.15 TP.HCM ở tuổi 13, Trần Minh Chiến được đặc cách tuyển thẳng vào Trường Năng khiếu nghiệp vụ TP.HCM sớm 2 năm. Cuối năm 1991, chàng trai 17 tuổi Trần Minh Chiến tốt nghiệp và đầu mùa giải 1992 đã lập tức giành suất đá chính ở CLB Công an TP.HCM - một trong ba ông lớn lừng lẫy của bóng đá thành phố thời điểm đó. Sau ngôi á quân mùa 1993 - 1994, CLB Công an TP.HCM đoạt chức vô địch quốc gia 1995 nhờ công lớn của cặp "song sát" Trần Minh Chiến - Lê Huỳnh Đức. Bộ đôi tiền đạo đã xé toang mọi hàng thủ quốc nội, giúp hàng công đội Công an TP.HCM chơi vừa hay vừa hiệu quả. Cá nhân Trần Minh Chiến đoạt cú đúp danh hiệu - Vua phá lưới (14 bàn thắng) cùng Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất. Vẻ ngoài điển trai với nụ cười tỏa nắng, Minh Chiến nhanh chóng trở thành thần tượng mới của người hâm mộ bóng đá TP.HCM. 

Ba ca phẫu thuật của Trần Minh Chiến tại Đức

Cũng trong năm 1995, Trần Minh Chiến ghi 2 bàn cho đội tuyển VN ở Cúp Độc Lập, trước khi trở thành người hùng vào cuối năm với cú vô lê vào lưới Myanmar, đánh dấu VN lần đầu tiên lọt vào chung kết SEA Games sau khi hội nhập trở lại với quốc tế. Nhưng cái giá của chiến thắng SEA Games 18 quá lớn, khi Minh Chiến trở về VN với cái đầu gối đau nặng do liên tục phải nhận những cú vào bóng triệt hạ của các đối thủ. Minh Chiến bị chấn thương nặng ở trận gặp Campuchia tại vòng bảng, chỉ vào sân từ băng ghế dự bị ở trận bán kết gặp Myanmar và ghi bàn thắng vàng ấn định chiến thắng 2-1 ở phút bù giờ thứ 5. Sau này, cựu danh thủ tiết lộ, khi đó ông đã phải cắn răng vào sân thi đấu với cái đầu gối chưa lành hẳn, khiến chấn thương dây chằng gối càng thêm trầm trọng.

Năm 1996, Minh Chiến phải trải qua 4 ca phẫu thuật gối, trong đó có 3 ca ở Đức. Thật không may, Trần Minh Chiến bị tái phát chấn thương khi tập trung đội tuyển VN chuẩn bị cho Tiger Cup 1996. Chân sút sinh năm 1974 phải nói lời chia tay sân cỏ trong nước mắt ở tuổi 22. Việc tiền đạo tài hoa bậc nhất bóng đá VN phải treo giày sớm để lại tiếc nuối cho khán giả.

Hệ quả chấn thương của Trần Minh Chiến có thể xem là một trong những câu chuyện điển hình cho điều kiện y học thể thao còn rất nhiều hạn chế 30 năm trước. Thực tế, đầu gối của Minh Chiến đã bị đau âm ỉ từ năm 1992, khi ông bắt đầu phát lộ tài năng trong vai trò đối tác ăn ý với một huyền thoại khác của bóng đá VN là Lê Huỳnh Đức ở đội 1 CLB Công an TP.HCM.

Cựu danh thủ Trần Minh Chiến kể lại: "Khi đó ý thức chăm sóc và điều trị phục hồi y tế của VN vẫn còn rất thô sơ. Cầu thủ chúng tôi bị chấn thương chỉ biết chườm đá, xong ngâm nước muối nóng để giảm đau thôi. Hồi đó bác sĩ chuyên về bóng đá rất khan hiếm. Các đội bóng chưa có bác sĩ riêng. Có nhiều đội bóng đôi khi tài xế kiêm bác sĩ, chủ yếu mua thuốc nhức đầu cho anh em là chính. Cầu thủ chúng tôi chủ yếu tự truyền miệng cách điều trị chấn thương một cách tự phát, chưa biết y học thể thao là gì. Khi tôi trở về VN sau SEA Games 18 năm 1995, bác sĩ người Đức Moss đã thực hiện phẫu thuật điều trị giãn dây chằng và rách sụn chêm gối phải. Sau đó, tôi được đưa sang Đức mổ thêm 3 lần nữa. Sau khi treo giày, tôi còn thực hiện 1 ca phẫu thuật ở đầu gối trái để có thể đi lại bình thường khi theo nghiệp huấn luyện".

MỪNG CHO CÁC THẾ HỆ SAU

Vào lúc này, HLV Trần Minh Chiến đã phần nào vơi đi nỗi tiếc nuối dở dang của sự nghiệp cầu thủ khi ông quyết định chuyển sang sự nghiệp huấn luyện. Ông là thành viên ban huấn luyện đội tuyển U.20 VN tham dự U.20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc, từng là trợ lý của HLV Hoàng Anh Tuấn ở các đội tuyển trẻ VN và từng dẫn dắt đội tuyển U.16 VN. Ở cấp CLB, HLV Trần Minh Chiến từng giúp CLB Bình Dương vô địch Cúp quốc gia 2018 và tham dự AFC Cup mùa bóng sau đó. Dấu ấn trong sự nghiệp trồng người của cựu tiền đạo này còn được nhắc đến nhiều như người đặt những viên gạch đầu tiên cho Trung tâm bóng đá trẻ hàng đầu PVF-CAND.

Nhìn lại bóng đá VN sau 30 năm, HLV Trần Minh Chiến rất mừng: "Cùng với sự phát triển của kinh tế VN, bóng đá VN đặc biệt là đào tạo trẻ đã có những bước tiến quan trọng với nhiều lò trẻ được xây dựng khắp VN. Liên đoàn Bóng đá VN đã liên tục cử các HLV, đặc biệt là những người trẻ, theo học các lớp HLV chuyên sâu về bóng đá, với các chứng chỉ C, B, A và đặc biệt là Pro của Liên đoàn Bóng đá châu Á để nắm bắt xu hướng hiện đại của bóng đá châu lục và thế giới. Công tác chăm sóc y tế cũng đã có những bước tiến dài nhờ học tập kinh nghiệm từ các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc. Tôi rất mừng khi các cầu thủ trẻ đã và đang được chăm sóc rất tốt từ dinh dưỡng, văn hóa, chuyên môn và y tế. Nhờ vậy, nhiều cầu thủ VN vẫn tiếp tục thi đấu đỉnh cao sau những chấn thương nặng - điều mà nhiều cầu thủ thế hệ trước đã không may mắn có được, phải giải nghệ sớm". (còn tiếp)