Nhảy đến nội dung

Trận không chiến thể hiện hiệu quả của vũ khí Trung Quốc

Rạng sáng 7/5, bầu trời Nam Á chứng kiến một sự kiện gây sốc, khi quân đội Pakistan và Ấn Độ huy động khoảng 130 tiêm kích các loại tiến hành trận không chiến dữ dội nhất trong lịch sử kể từ sau Thế chiến II.

Trong khi thế giới lo ngại về nguy cơ nổ ra cuộc chiến hạt nhân giữa hai quốc gia, các chuyên gia quân sự lại chú ý đến một yếu tố: Đây là lần thực chiến đầu tiên của tiêm kích J-10C do Trung Quốc sản xuất trong biên chế không quân Pakistan (PAF), và nó đã phát huy hiệu quả ngay trong lần đầu ra mắt.

PAF tuyên bố họ đã sử dụng J-10C khai hỏa tên lửa PL-15E, cũng do Trung Quốc sản xuất, để bắn hạ ba tiêm kích Rafale của Ấn Độ, được chế tạo bởi Tập đoàn Dassault Aviation của Pháp. Các quan chức Pháp thừa nhận tiêm kích Rafale đã bị bắn rơi trong trận chiến.

Đây cũng là lần đầu tiên Rafale, một trong những chiến đấu cơ tiên tiến nhất của phương Tây, bị vô hiệu hóa trong thực chiến. Sự kiện này không chỉ làm rung chuyển cán cân quyền lực ở Nam Á, mà còn đặt ra thách thức lớn với vị thế quân sự của phương Tây, khi khí tài giá rẻ từ Trung Quốc đang ngày càng thể hiện hiệu quả trên chiến trường.

Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar nói với quốc hội nước này rằng ông đã thông báo với phía Trung Quốc về thông tin trên và Bắc Kinh "rất hài lòng". Mạng xã hội Trung Quốc cũng bùng nổ với việc tiêm kích và tên lửa do nước này sản xuất đã thể hiện ưu thế vượt trội trước khí tài phương Tây.

"Bất cứ quốc gia nào khi sản xuất hay mua sắm vũ khí đều rất muốn thấy sản phẩm đó phát huy hiệu quả thế nào trong thực chiến. Các cuộc thử nghiệm, diễn tập có thể chứng minh thông số của vũ khí, nhưng thực chiến mới là bài kiểm tra cao nhất", Siemon Wezeman, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), nói.

Trong trận không chiến ngày 7/5, không quân Ấn Độ (IAF) đã huy động các chiến đấu cơ Rafale, Su-30MKI, MiG-29 và máy bay không người lái (UAV) Heron để tấn công các mục tiêu ở Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Để đối phó, PAF đã triển khai các tiêm kích J-10C, JF-17 Block III do Trung Quốc sản xuất và F-16 do Mỹ sản xuất để ứng chiến. Tuy nhiên, JF-17 và F-16 dường như chỉ để yểm trợ, loại khí tài chủ lực của PAF trong trận chiến vẫn là J-10C trang bị tên lửa PL-15E.

Tên lửa PL-15E, phiên bản xuất khẩu của PL-15, là vũ khí không đối không tầm xa do Học viện Tên lửa Hàng không Trung Quốc phát triển. Với tầm bắn khoảng 145 km, trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), PL-15E cho phép tấn công chính xác các mục tiêu ở khoảng cách xa mà không cần phi công liên tục khóa mục tiêu.

Đây là lần đầu tiên vũ khí Trung Quốc đối đầu trực tiếp và đánh bại một loại khí tài hàng đầu của phương Tây, cho thấy khoảng cách công nghệ đang ngày càng thu hẹp giữa Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh trên thị trường vũ khí thế giới.

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đầu tư mạnh vào công nghệ quân sự, với mục tiêu hiện đại hóa lực lượng vũ trang và thách thức sự thống trị của phương Tây. Ngoài PL-15, Trung Quốc đã phát triển nhiều loại tên lửa tiên tiến khác như PL-10 (tầm ngắn), PL-12 (tầm trung).

Trung Quốc cũng dẫn đầu trong lĩnh vực tên lửa siêu vượt âm. Nước này đã biên chế DF-17, một trong các phương tiện lướt siêu vượt âm đầu tiên trên thế giới và đủ mạnh để xuyên thủng các lớp phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực.

Với khả năng đạt tốc độ hơn 21.000 km/h, phương tiện lướt siêu vượt âm của Trung Quốc có thể tấn công mục tiêu toàn cầu trong vòng 30 phút, khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của phương Tây, như THAAD hay AEGIS, trở nên kém hiệu quả. Công nghệ này đặt ra thách thức lớn cho các quốc gia như Mỹ, vốn phụ thuộc vào các hệ thống phòng thủ truyền thống.

Trung Quốc cũng liên tục nâng cấp, phát triển các tiêm kích ngày càng hiện đại. Chiến đấu cơ J-10C, J-16 và tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 đã được tích hợp radar AESA và tên lửa tiên tiến như PL-15. Những máy bay này cạnh tranh với các đối thủ phương Tây như F-35 của Mỹ hay Rafale của Pháp, một số được Trung Quốc xuất khẩu sang các đồng minh như Pakistan với giá rẻ, nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của các quốc gia này.

Truyền thông Trung Quốc gần đây công bố video về dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động của PL-15E, sử dụng robot cho mọi công đoạn từ lắp ráp đến kiểm tra chất lượng. Điều này không chỉ nâng cao hiệu suất sản xuất mà còn giảm chi phí, cho phép Trung Quốc cung cấp vũ khí tiên tiến với giá rẻ hơn so với các đối thủ phương Tây.

Những đột phá này cho thấy Trung Quốc không còn là một quốc gia chỉ biết "sao chép công nghệ", mà đã xây dựng một hệ sinh thái quân sự độc lập, với khả năng nghiên cứu, phát triển và sản xuất các vũ khí cạnh tranh trực tiếp với phương Tây.

Trước đây, vũ khí của phương Tây thường được quảng bá là hiện đại hơn, trang bị công nghệ tiên tiến hơn, do đó được bán với giá đắt hơn nhiều khí tài tương tự từ Trung Quốc.

Rafale được xem là biểu tượng của công nghệ hàng không châu Âu, với radar AESA RBE2-AA, hệ thống tác chiến điện tử SPECTRA và tên lửa Meteor có tầm bắn hơn 150 km. Rafale được bán với giá hơn 100 triệu USD, trong khi J-10C phiên bản xuất khẩu có giá 80 triệu USD, thậm chí một số nguồn cho rằng mức giá của nó thấp hơn, chỉ 40-60 triệu USD.

Việc ba chiếc Rafale bị bắn hạ bởi tiêm kích J-10C trang bị tên lửa PL-15E giá vài chục nghìn USD cho thấy vũ khí Trung Quốc đạt đến trình độ có thể thách thức các nền tảng tiên tiến của phương Tây. Câu hỏi được các chuyên gia quân sự đặt ra lúc này là liệu các nền tảng vũ khí khác của phương Tây như tiêm kích F-35, Typhoon có duy trì được ưu thế trước chiến đấu cơ, tên lửa Trung Quốc trong tương lai hay không.

Một số nhà phân tích cho rằng thất bại của Ấn Độ trong trận không chiến có thể không hoàn toàn do khí tài, mà còn liên quan đến trình độ của phi công, cũng như năng lực tình báo, giám sát từ xa của New Delhi.

Dù vậy, nó cũng cho thấy rằng Ấn Độ và cả các nước phương Tây lâu nay dường như đã đánh giá thấp năng lực thực sự của khí tài Trung Quốc. Hiệu quả tác chiến mà tiêm kích J-10C và tên lửa PL-15E thể hiện trong trận đánh cùng mức giá hợp lý có thể thúc đẩy nhiều nước quan tâm hơn đến các khí tài này.

Điều đó sẽ gia tăng áp lực lên các loại vũ khí xuất khẩu của phương Tây, vốn thường bị chỉ trích vì chi phí cao và thời gian phát triển kéo dài.

Trước những thách thức trên, phương Tây đã bắt đầu có những động thái để đối phó. Pháp và Ấn Độ cho biết đang tiến hành phân tích các mảnh vỡ của tiêm kích Rafale bị bắn hạ, cũng như một tên lửa PL-15E gần như nguyên vẹn mà Ấn Độ thu được, để tìm hiểu lý do thất bại và tìm giải pháp đối phó.

Mỹ, vốn xem PL-15 là mối đe dọa lớn, có thể sẽ đẩy nhanh các chương trình phát triển tên lửa không đối không mới, như AIM-260 JATM, với tầm bắn và khả năng chống nhiễu vượt trội.

Mỹ và châu Âu thời gian tới có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đối phó với các kịch bản liên quan đến vũ khí Trung Quốc. Ấn Độ cũng nhiều khả năng sẽ tăng cường hợp tác với Pháp và Mỹ để nâng cấp phi đội Rafale và tích hợp các công nghệ mới, theo bình luận viên Helen Davidson và Amy Hawkins của Guardian.

Phong Lâm (Theo Guardian, Topwar)

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn